Nhiều người hỏi: “Việc thực tập giảng trước có phải khiến cho sư giảng dạy trở thành hoàn hảo?” Câu trả lời: “Việc thực tập giảng trước không biến sự giảng thuyết của diễn giả trở nên toàn vẹn nhưng có thể khiến cho nó tồn tại một thời gian dài”. Thật thế, sau khi chuẩn bị xong bài giảng (ta còn thực tập giảng nhiều lần cho đến khi thuấm nhuần Lời Chúa và bài giảng trở thành hoàn toàn của ta), thì sự giảng dạy đó sẽ được Chúa ban phước và nó sẽ tồn tại suốt cả đời sống chức vụ của mình.
Thánh Kinh có ủng hộ việc thực tập giảng hay không? Chắc chắc có vì nó là một phần của việc trau dồi khả năng trong chức vụ. ChCn 22:29 chép: “Con có thấy người nào siêng năng trong công việc mình chăng? Người ấy hẳn sẽ đứngtrước mặt các vua, chớ chẳng phải ở trước mặt người hèn hạ đâu ”. Người hầu việc Chúa nếu cứ tiếp tục trau dồi khả năng và ân tứ mình thì sẽ được Chúa ban cho cơ hội tốt hơn để hầu việc Ngài. Trong ngụ ngôn về các ta lâng (Mat Mt 25:14-30), hai đầy tớ ngay lành và trung tín được chủ ban lời khen giống nhau: “Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việcnhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi ” (c. 21, 23). Sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê: “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòngĐức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật ” (IITi 2Tm 2:15). Vì thế, thực tập giảng trước sẽ giúp người hầu việc Chúa có thêm sự khéo léo và tự tin trong việc ban phát sứ điệp.
Nhiều nhà truyền đạo có thói quen tập thực tập giảng và việc này đã giúp họ rất nhiều. Có người thực tập ba hoặc bốn lần vào sáng thứ năm, thứ sáu, thứ bảy và Chúa Nhật trước khi đứng lên giảng Lời Chúa vào giờ thờ phượng. Mục sư Giám lý Ackley tin rằng: “Một trong những cách tốt nhất để chuẩn bị một bài giảng là thực tập giảng trước”. [194] Charles W. Ackley, Preaching: Preparation and Practice,” Christian Ministry, vol. 7, no 2 (march1976), tr.22-23.

Ông cố gắng chuẩn bị xong bố cục bài giảng vào thứ tư. Ông nói: “Vào thứ năm tôi thực tập giảng ở nơi vắng vẻ. Thứ sáu tôi dùng một giờ để thực tập thêm. Đến thứ bảy tôi thực tập nữa. Vào sáng Chúa Nhật trước giờ thờ phượng tôi lại thực tập giảng lần cuối”. [195] Ackley, tr. 22-23.

II. CÁCH PHỤC SỨC
Diễn giả có thể thu phục người nghe bằng sự hấp dẫn cá nhân. Sự tiếp xúc đầu tiên thường bày tỏ cho biết công chúng tán thành hay chống lại diễn giả. Nếu người ra mắt một cách vụng về với cách ăn mặc thiếu chỉnh tề, thì người đã làm cho thính giả khó chịu trước khi người mở miệng.
Cách ăn mặc của diễn giả ảnh hưởng rất nhiều đến việc thính giả tiếp nhận sứ điệp. Wallace là một chuyên viên thiết kế thời trang Cơ Đốc đã nói: “Diễn giả không thể nào tránh khỏi việc thính giả phê phán cách phục sức của mình. Việc đó xảy ra trước khi diễn giả giảng Lời Chúa. Ấn tượng đầu tiên diễn ra trong giây phút rất ngắn ngủi, thường là mười giây”. [196] Anne Wallace, Dress for Success (New Jersey: Fleming H. Revell Co., 1971), tr. 20.

Vì thế, nhà truyền đạo nên để ý cách phục sức của mình. Những điều thính giả thấy và cảm giác về diễn giả có ảnh hưởng nhiều hơn lời thính giả nghe. Wallace khẳng định: “Thính giả ghi nhớ đến chín mươi phần trăm của sự truyền thông không lời, qua cách phục sức, điệu bộ. Họ chỉ nhớ được mười phần trăm về những lời diễn giả nói”. [197] Wallace, tr. 20.

Do đó, diễn giả phải chỉnh đốn cách ăn mặc, thái độ, nét mặt. Người phải ăn mặc chỉnh tề, phải cạo râu cho nhẵn. Phải thoái mái một cách đúng mức. Trước khi nói diễn giả phải nhìn cử tọa bằng cái nhìn vui vẻ. Người không được tỏ vẻ lo lắng hay sốt ruột. Diễn giả cũng không nên vội bắt đầu, cũng như không vội chấm dứt. Người chớ đánh giá thấp những chi tiết đó vì nó rất quan trọng. Tuy nhiên, diễn giả cũng không được chú ý thái quá đối với dáng vẻ bên ngoài. Trên tòa giảng, nếu diễn giả đã luống tuổi, chớ nên ăn mặc quá màu mè, trẻ trung, và có những điệu bộ của giới trẻ. Diễn giả nên tránh những cầu kỳ đó, nếu không chúng sẽ làm cho người trở thành lố bịch. [198] Sách đã dẫn, tr. 85- 86.

Không có phong cách quốc tế nào dành cho mục sư trong cách ăn mặc bởi vì phong tục khác nhau từ nước này đến nước khác. Ở một số quốc gia, người nam mặc áo không cần thắt cà vạt. Ở vùng sắc dân thiểu số, vị tù trưởng ăn mặc khác với người thường để dễ phân biệt. Vì thế, sứ giả của Đức Chúa Trời cũng phải ăn mặc cho thích hợp. Một mục sư phải ăn mặc giống như sứ giả của Vua muôn Vua, Chúa muôn Chúa. [199] Paul Kauffman, Phương Cách Rao Giảng Lời Chúa (Garden Grove: Viện Thần Học Việt Nam, không ghi ngày), tr. 149.

Có phải quan tâm đến cách phục sức là việc làm không thiêng liêng? Thực ra hành động này không phải là bắt chước người đời. Trong Thánh Kinh, Đức Chúa Trời truyền lệnh cho cho các thầy tế lễ mặc áo lễ để mang vinh hiển về cho Ngài (XuXh 28:1-2). Chúa bảo Môi-se, “Ngươi hãy chế bộ áo thánh cho A-rôn, anh ngươi, để người được vinh hiển trang sức” (c. 2). Ngài cung cấp thợ giỏi để may áo cho thầy tế lễ: “Hãy truyền cho hết thảy kẻ thông minh, là người ta đã ban đầy tính trí huệ, chế bộ áo cho A-rôn đặng biệt người ra thánh, hầu cho người làm chức tế lễ trước mặt ta” (c. 3).
Ngày nay tất cả người tin Chúa đều là thầy tế lễ trước mặt Chúa (IPhi 1Pr 2:9). Vì thế, những lời dạy này cũng dành cho chúng ta, đặc biệt cho người truyền đạo của Đức Chúa Trời. Phao-lô nhắc rằng chúng ta là “sứ thần của Christ” nên phải phục sức đúng với cương vị mình. Ngoài ra “loài người nhìn xem bề ngoài” (ISa1Sm 16:7). Người ta sẽ đánh giá chức năng sứ giả của chúng ta qua dáng vẻ bên ngoài. Chúa Giê-xu không có nhiều áo quần, nhưng trước khi Ngài chết trên thập tự giá, thì các lính La-mã đã cướp lấy trang phục của Ngài? Dĩ nhiên hành động ấy để cho ứng nghiệm lời tiên tri về Ngài, nhưng cũng là vì Chúa ăn mặc sạch sẽ tươm tất.
Ta phải phục sức giống như thầy mình, không nhất thiết phải ăn mặc sang trọng mà là phục sức gọn gàng sạch sẽ. Nhiều hệ phái Tin lành có sẵn áo lễ cho mục sư rất tiện lợi, nếu không có, ta phải để ý đến cách phục sức của mình nếu muốn cho thính giả tiếp nhận Lời Chúa.
III. TIẾNG NÓI.
Trong tiến trình truyền đạt Lời Chúa, tiếng nói của diễn giả rất quan trọng. Cho dù thính giả chỉ có thể ghi nhớ mười phần trăm những gì diễn giả nói, nhưng ta cũng phải quan tâm đến tiếng nói để thính giả ghi nhớ được những điều ta giảng.
Nhiều diễn giả hình như quên rằng người cũng giống như các nhạc sĩ. Họ cũng biểu diễn một nhạc cụ và cũng phải học cách sử dụng nhạc cụ đó tới mức điêu luyện, trước khi trình diễn trước cử tọa. Nhạc cụ mà diễn giả sử dụng là tiếng nói của người. Nói cho chính xác hơn, đấy là một loại kèn sáo. Đó là một sự thật đương nhiên, nhưng khổ thay, người ta thường quên nó.
Một đàn ống chỉ phát ra tiếng khi người ta làm rung động không khí trong cái ống của nó. Đàn ống cần bộ ống gió mạnh để cung cấp lượng không khí cần thiết. Nếu không đủ gió thì dụng cụ mất sức như một tiếng nói tắt đi. Khi bộ ống gió ngừng hoạt động, đàn ống im tiếng. Lúc ấy dù nghệ sĩ có nhấn các phím và giậm chân tha hồ mà đạp, sẽ không có nốt nào vang lên dù là trầm hay cao.
Tiếng nói con người cũng vậy. Để tạo ra tiếng nói, ta cần một bộ ống gió, đó là bộ máy hô hấp. Phổi ta tích đầy rồi nhả hơi ra, nhờ có các hấp thụ chức năng. Chất lượng và sức mạnh của tiếng nói vừa tùy thuộc ở tình trạng các cơ quan trong cơ thể, vừa tùy thuộc ở cách ta sử dụng chúng.
Người ta biết rằng sổ mũi làm cho tiếng nói có giọng mũi và khô họng sẽ làm cho tiếng nói bị khàn. Nhưng có rất ít diễn giả biết nghệ thuật thở trong khi nói. Nhiều diễn giả không tích lũy được trong phổi số lượng không khí đầy đủ ở một thời điểm mình muốn. Do đó, có diễn giả khi mới nói nửa câu thì đã hết hơi, trong lúc ý nghĩa của câu đó không cho phép dừng lại. Sự thiếu hơi làm cho diễn giả thở khò khè hoặc nấc lên. Do thiếu không khí và bị ngạt, diễn giả bắt buộc phải hít vào đột ngột với tiếng rít khiến người nghe khó chịu.
Chúng ta là diễn giả “phải biết tình trạng của hai buồng phổi của mình. Nói cách khác ta phải biết coi phổi của mình chứa được hai lít không khí chăng. Nếu không là nó yếu, nghĩa là âm thanh khó ấm rồi đó. Làm sao thử sức chứa khí phổi. Ta lấy một cái thau lớn đựng đầy nước. Đổ đầy nước vào một chai hai lít rồi lật ngược đầu chai lại, cắm vào thau nước. Luồn vào miệng chai một ống cao su sạch. Ta ngậm đầu kia. Mũi ta hít khí vào đầy phổi rồi thở hơi từ từ vào chai. Khí vào chai duỗi nước ra và nếu đuổi nước hết trong chai là phổi ta mạnh vì chứa được hai lít khí”. [200] Việt X. Hoàng, Thuật Hùng Biện (Gia Định: Phương Nam Ấn Quán, 1963), tr. 120.

Sau khi biết tình trạng mạnh yếu của buồng phổi, ngay từ bây giờ ta phải học cách thở. Theo Saint-Laurent, đây là cách giáo sư hướng dẫn học trò cách thở. Giáo sư nắm lấy tay học trò đặt lên bụng mình để cho học trò sờ thấy sự chuyển động của bắp thịt bụng. Rồi giáo sư bắt đầu nói. Người học trò nhận thấy được ngón tay của mình nơi bụng của thầy phình ra và tóp lại như một cái bễ to. Cách thở này gọi là thở bằng hoành-cách-mạc hoặc thở bằng bụng. Chỉ có nó mới giúp cho diễn giả không bị trở ngại trong khi thuyết giảng. [201] Raymond De Saint-Laurent, tr. 85- 86.

Đây là cách tập: “Ta đứng thẳng người lên, ưỡn ngực tới, hít đầy, thật đầy, đầy nữa. . . Rồi nín thở vài giây. Đoạn hai tay giơ thẳng lên lên trời, hạ cong nửa thân người xuống mé trước mặt, từ từ tống khí ra cửa miệng. Sáng và tối làm vậy chừng ba chục lần. Thở theo lối ấy người ta kêu thở bằng hoành-cách-mạc là bằng một tấm màng chia thân ta làm hai phần, tim ở phần trên còn phần dưới là bụng gồm gan, bao tử, ruột. . . Lúc ta thở ra bụng thóp lại, hoành-cách-mạc phồng lên, ép phổi mé dưới tống khứ hết khí dơ ra. Rồi khi hít vào phổi, ta phình bụng ra nghĩa là hoành-cách-mạc lõm xuống, phần dưới của phổi phồng lên chứa không khí. Thở ra vào cách ấy phải làm chầm chậm. Hít vô từ từ bằng mũi, thở ra bằng miệng mà cũng từ từ. Dĩ nhiên khi tập thở, đứng chỗ thoáng khí, thanh khí. Màng phát âm nhờ cách thở trên trở thành tinh nhuệ hơn, âm thanh phát ra rung nhiều hơn và vang ấm hơn. Hơi càng phong phú, âm thanh càng rung nhiều, mà rung nhiều là tiếng vang rộng. Ta coi cục đá rớt xuống trên nên gạch nghe to mà vang đâu xa bằng tiếng đàn gõ nhẹ. Lý do là vì tiếng đàn rung nhiều hơn tiếng cục đá rớt. Như vậy, khi thuyết giảng, ta đừng tưởng la hét lớn là tiếng ấm dễ nghe. Mà phải nói bằng cách vận dụng hoành-cách-mạc và hai cạnh sườn.” [202] Hoaøng, tr. 121.

Đàn ống có những số lượng nhiều hay ít tùy theo loại. Những đàn lớn và đẹp có từ hai mươi đến ba mươi ống, đàn nhỏ chỉ có sáu ống.
Tiếng nói con người chỉ có ba giọng: giọng trung, giọng cao, và giọng trầm.
Diễn giả thường nói giọng trung ở đầu diễn văn, trong những giải thích, và nói chung ở những đoạn ít sôi nổi. Diễn giả dùng giọng cao để thể hiện những tình cảm mạnh hơn: sự tò mò, lòng mong muốn mạnh mẽ, tình yêu. Diễn giả dùng giọng trầm để diễn tả những tình cảm buồn hay những suy nghĩ sâu xa, và khi người gợi ý cho thính giả nhìn lại chính họ.
Kauffman khuyên ta hãy phát huy khả năng nói cho rõ lời. Hãy tập kỹ năng luyện giọng. Thỉnh thoảng hãy cố lên giọng xuống giọng, lên bổng xuống trầm, nếu không giọng nói của ta chẳng bao lâu sẽ không còn hấp dẫn, thu hút nữa. Đôi khi ta gây được chú ý bằng cách nói nhỏ và những lúc khác ta gây được chú ý khi nói lớn tiếng. Thỉnh thoảng ta nên thay đổi cách nói của mình. [203] Paul Kauffman, Phương Cách Rao Giảng Lời Chúa (Garden Grove: Viện Thần Học Việt Nam, không ghi ngày), tr. 147.

Diễn giả cần chuyển từ giọng nọ sang giọng kia một cách khéo léo. Sự đa dạng làm cho lời nói ta có sức sống. Nếu chỉ dùng một giọng đều đều ta sẽ dễ dàng trở thành “tiến sĩ gây mê”. Không có gì làm cho người ta ngủ gật tốt hơn cách đó. [204] Raymond De Saint-Laurent, tr. 85- 86.

Giăng Báp-tít là người dọn đường cho Chúa Cứu Thế. Người ta gọi Giăng là “tiếng kêu trong đồng vắng” và sứ điệp của người là kêu gọi dân chúng để đưa dẫn họ đến với Chúa Giê-xu. (Mac Mc 1:2-11). Giăng có giọng nói rõ ràng, đầy thuyết phục nên đã thu hút nhiều người nghe. Thánh Kinh ghi lại: “Cả xứ Giu-đê và hết thảy dân sự thành Giê-ru-sa-lem đều đến cùng người, xưng tội mình và chịu người làm phép báp têm dưới sông Giô-đanh ” (1:5).
Chúng ta là người hầu việc Chúa có nhiệm vụ công bố sự cao trọng của Đức Chúa Trời. Công bố cần có giọng rõ ràng diễn cảm. Bác sĩ Lu-ca ghi lại Phi-e-rơ công bố sự cao trọng của Đức Chúa Trời nên trong một lần giảng Lời Chúa đã có ba ngàn người tiếp nhận Chúa (Cong Cv 2:14). Phi-e-rơ chắc chắn có giọng nói tốt và biết cách dùng giọng nói ấy để rao giảng Lời Chúa.
Nhưng có giọng nói tốt nghĩa là gì? Giọng nói tốt không phải là ta giảng to tiếng, quát tháo, nhưng là giọng nói rõ ràng, chính xác, đầy quyền năng và có thể cảm động người nghe. Vì “nước Đức Chúa Trời chẳng ở tại lời nói, mà ở tại năng lực” (ICo1Cr 4:20).
IV. TIẾP XÚC BẰNG MẮT.
Ánh mắt giữ vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình truyền thông. McCarthy nói: “Khi diễn giả dùng mắt để tiếp túc với thính giả, họ có cảm giác như diễn giả có điều gì quan trọng muốn truyền đạt cho từng người. [205] David S. McCaethy, “Mind Your Mannerisms,” Christianity Today, vol. 18, no. 2 (October 26,1973), tr. 52, 54.

Kauffman cho rằng một diễn giả cứ chú mục vào tập ghi chú bài giảng của mình hoặc nhắm mắt lại khi đang nói với hội chúng thì thật là một lỗi lầm nghiêm trọng. Hội chúng sẽ không thực sự chú ý đến diễn giả nào không chịu nhìn vào họ. . . Có một sai lầm nghiêm trọng mà đôi khi các diễn giả quên mất đó là dù ta đang nói với một hội chúng, nhưng hội chúng đó là được bao gồm bởi những cá nhân. Nói cách khác diễn giả không phải giảng cho một đám đông mà là đang nói với một cá nhân. Do đó, bạn hãy nói như đang nói với một nhân vật đặc biệt nào đó trong đám đông. Bạn đang công bố sứ điệp của Đức Chúa Trời cho một cá nhân. [206] Kauffman, 150- 151.

Tiếp xúc bằng mắt cũng giúp cho diễn giả nhận thấy được phản ứng của thính giả cho biết mình có thật sự đang truyền đạt Lời Chúa cách thích thú hay không.
Robinson nói: “Hầu như không có ngoại lệ, hội chúng sẽ không chăm chú nghe diễn giả nào không nhìn vào họ khi đang nói. Quan trọng hơn nữa, người ta không tin cậy những ai tránh tiếp xúc bằng ánh mắt và kết quả là họ đánh giá thấp những gì người kia đang nói”. [207] Robinson, tr. 201-202.

Một mục sư kể lại có lần ông nghe một giáo sư đại học giảng bài. Đang lúc nói, mắt của vị giáo sư chẳng nhìn thính giả mà chỉ nhìn lên trần nhà. Sau đó, vị mục sư đến góp ý với giáo sư ấy. Vị giáo sư giải thích rằng ông quá khớp và mắc cỡ nếu phải tiếp xúc bằng mắt với thính giả.
Chúng ta là “sứ thần của Christ” chớ nên mắc cỡ nhưng phải tự tin và yêu thương. Ta không thể nhìn hết thính giả một lần, nhưng nên lần lượt hướng mắt tới thính giả. Nếu còn ngại ngùng, thì nên hướng ánh mắt về những bạn hữu, thân nhân trước. Họ sẽ mĩm cười và bày tỏ sự thích thú khi nghe ta giảng.
V. HÀI HƯỚC.
“Ăn nói hóm hỉnh, có duyên (humor), nếu là một ân tứ của Thánh Linh, là đặc tính tốt. Mục sư Charles H. Spurgeon là người có ân tứ ăn nói hóm hỉnh có duyên và đã dùng ân tứ này trong việc công bố phúc âm. Ngược lại sứ giả phục hưng George Whitefield rất nghiêm trang khi giảng Lời Chúa, và không bao giờ trào phúng cả”. [208] Phu H. Le, Thiên Chúc Công Bố Phúc Âm và Người Công Bố Phúc Âm (Westminster, CA: Thần Học Phúc Âm, không ghi ngày), tr. 156.

Theo nhiều nhà chuyên môn, nếu ta có tài hài hước thì nên sử dụng, còn không thì chớ dùng con dao hai lưỡi ấy. “Nhập đề hài hước nếu mình không làm cho thiên hạ cười thì thiên hạ cười lại mình. Chắc bạn dư biết rằng ai cợt hay, ai thuật chuyện hài hước có duyên ta cười thì dễ mà chính ta làm cho kẻ khác cười thực khó vô cùng. Phần đông một dân tộc có cái cười riêng. Rồi trong mỗi dân tộc, mỗi người có cái cười riêng nữa. Dân mọi rợ không cười cái cười của dân bán khai. Dân văn minh cười cái mà dân mọi thấy ngơ ngác. Một số người bên Áđông thấy một con chó bị ai đập què giò chạy la cẳng cẳng, cười: điều mà phần đông người Âu Mỹ chẳng những không cười mà còn thương hại. Dale Carnegie nói chí lý: Hài hước là điều tế nhị. Ngay một chuyện, một diễn giả có tài thuật sơ sơ lại, ai nấy cười nôn ruột; còn cho người vô duyên thuật rát cổ ai nấy đều lạnh nhạt, có kẻ bất mãn nữa là khác. Đi coi đóng kịch, thấy một kích sĩ đóng vai hề mà vô duyên, trong khán giả có kẻ la ó đòi ra về hay huýt gió, búng tay. Nhưng dự cuộc diễn thuyết, các thính giả vì phần đông có tinh thần cao nên thấy diễn giả hài hước thất bại, không đến nỗi to tiếng mà mỉm cười, không phải vì bị chọc cười nhé mà vì thương hại, vì tự hỏi sao diễn giả ăn nói vô duyên như vậy mà còn lố bịch lập đi lập lại để pha trò. Nói trước công chúng mà như vậy là thất bại khá rồi.
Vậy nếu thấy mình không có biệt tài trào phúng thì xin bạn đừng nhập đề bằng chuyện hài hước. Nhưng có thể bạn thành công nếu bạn vừa nhập đề vừa có gương mặt tự nhiên vui tươi. Tôi nhấn mạnh tự nhiên vui tươi vì nếu gượng gạo hoặc quá lố thì nụ cười sẽ trở thành chua chát hoặc xuề xòa: cả hai đều gây ác cảm. Còn nếu bạn chân thành vui tươi, như nở nụ cười hồn nhiên trước thính giả, như có vẻ mừng và cám ơn họ rồi bạn ôn tồn trình bày nhập đề thì bạn dễ nắm tâm hồn họ luôn. Sắc mặt vui tươi của bạn phá tan được thành lũy xa lạ ngăn giữa bạn và thính giả”. [209] Hoàng, tr. 210- 211.

Ăn nói hóm hỉnh có duyên “tự nó không phải là một điều sai, nhưng chúng ta phải giữ đừng bao giờ vượt qua ranh giới thanh nhã mà bước vào lãnh vực thiếu thanh nhã. Nói cách khác, trong khi giảng-và cả trong sinh hoạt hàng ngày-sứ giả thật của Thượng Đế không thể nào nói một lời thiếu thanh nhã, vì Lời Chúa trong Eph Ep 5:4 dạy rằng “đừng nói lời tục tĩu bậy bạ, hoặc chuyện tiếu lâm thô bỉ”. “Tiếu lâm thô bỉ” tức là nói trào phúng thiếu thanh nhã để chọc người ta cười. . . Người công bố phúc âm là sứ giả, là sứ thần (khâm sai) của Thượng Đế và có trách nhiệm với linh hồn người ta, với sự cứu rỗi đời đời hay trầm luân đời đời của các linh hồn ấy. Vì vậy, nếu Thánh Linh cho người đó có thể ăn nói hóm hỉnh có duyên cách tự nhiên, thì dùng ân tứ đó trong giới hạn thanh nhã và ngay thật để làm vinh hiển Chúa. Nhưng đừng bao giờ nhắm vào mục đích chọc cho thính giả cười mà không làm vinh hiển Chúa, hay chọc cười một cách ‘chuyên nghiệp’ như các diễn viên màn ảnh hay diễn viên sân khấu”. [210] Phu H. Le, Thiên Chúc Công Bố Phúc Âm và Người Công Bố Phúc Âm (Westminster, CA: Thần Học Phúc Âm, không ghi ngày), tr. 156- 157.

D. Stuart Briscoe trong quyển Không Khí Tươi Mát Trên Tòa Giảng đã trích dẫn lời của David Buttrick khi nói về “những minh họa hài hước”. Buttrick viết: “Chúng ta có thể nêu qui luật chung cách thoải mái là: Nếu bản chất tự nhiên của bạn là con người hài hước, thì vấn đề của bạn sẽ là sự kiềm chế; nếu bạn không tự nhiên là con người hài hước, thì đừng cố gắng” [211] Stuart Briscoe, Không Khí Tươi Mát Nơi Tòa Giảng (Sàigòn: Không ghi nhà xuất bản và năm phát hành), tr. 146.

VI. CÁCH NGẮT CÂU.

Top