Thông thường, các diễn giả soạn bố cục theo hình thức dưới đây. Các phần của bố cục thì dùng số La-mã (I, II, III, … ). Những phần phân chia lớn thì dùng mẫu tự in hoa (A, B, C, … ). Các phần phân chia nhỏ thì dùng số Á-rập (1, 2, 3, …). Những phần phân chia nhỏ hơn nữa thì dùng các mẫu tự thường (a, b, c, … ).
Ví dụ:
I.
A.
B.
II.
A.
1.
2.
B.
1.
a.
b.
2.
Tiến Trình Khai Triển Bố Cục
Để có được bố cục bài giảng hoàn chỉnh, ta phải qua ba bước này: bố cục bản văn, bố cục thần học, và bố cục bài giảng.
1. Bố cục bản văn
Đây là thể loại thứ nhất ta cần làm. Nó phác thảo toàn thể bản văn hoặc cả một sách Thánh Kinh. Bố cục bản văn nên có những đặc tính này:
(1)- Nó thường dùng các cụm từ “lý do tại sao” hoặc “kết quả của”. Ví dụ: “Lý do những người vô gia cư gia nhập đội quân của Đa-vít”.
(2)- Nó thường bao gồm tên của những nhân vật có liên quan trong bản văn đó. Ví dụ: “A-mốt công bố sự phán xét của Đức Chúa Trời cho các nước lân cận của Y-sơ-ra-ên”.
(3)- Nó dùng ngôn từ của thế kỷ thứ nhất. Ví dụ: “Phao-lô khuyến cáo về việc ăn của cúng thần tượng”.
(4)- Nó theo sát thứ tự của bản văn. [91] Spann, tr. 158.

Ví dụ: HeDt 10:19-25
I. Tác giả thư Hê-bơ-rơ nhắc lại các ơn phước cứu chuộc của Christ cho người Hê-bơ-rơ (c. 19- 21).
A. Họ có thể dạn dĩ đi vào nơi thánh nhờ huyết của Christ bằng con đường mới và sống (c. 19- 20).
B. Họ có một thầy tế lễ mới cai trị (c. 21)
II. Tác giả thư Hê-bơ-rơ nói với những tín hữu tại đó rằng sự cứu chuộc phải có ảnh hưởng trên đời sống họ (c. 22- 25).
A. Họ nên đến đến gần Đức Chúa Trời (c. 22)
B. Họ cần giữ lấy hy vọng (c. 23)
C. Họ nên nghĩ cách để khích lệ lẫn nhau (c. 24-25)
2. Bố cục thần học
Sau khi khai triển bố cục bản văn, bước kế tiếp là triển khai bố cục thần học. Bố cục thần học có nhiệm vụ thay đổi trạng thái của lịch sử để đưa ra những nguyên tắc phổ quát và không bị ảnh hưởng bởi thời gian. Và vì vậy chân lý Thánh Kinh có thể áp dụng cho mọi người thuộc mọi thời đại. Bố cục thần học thường phải có những đặc tính này:
(1)- Nó đưa ra những nguyên tắc sống thích hợp với mọi thế hệ hoặc mọi văn hóa.
(2)- Nó không bị ảnh hưởng bởi thời gian trôi qua. Ví dụ ta muốn khai triển bố cục trong AmAm 7:10-17.
A-ma-xia công kích A-mốt vì sứ điệp người đã rao giảng (Bố cục bản văn).
Sứ giả của Đức Chúa Trời có thể bị bắt bớ khi rao giảng sứ điệp của Ngài (Bố cục thần học).
(3) Nó thích hợp với mọi thành phần thính giả. [92] Sách đã dẫn, tr. 159.

Ví dụ: HeDt 10:19-25
I. Người tin Chúa nhận được phước hạnh lớn nhờ công lao cứu chuộc của Christ (c. 19- 20).
A. Người tin Chúa có thể nhờ Christ đi vào nơi Đức Chúa Trời hiện diện (c. 19)
B. Người tin Chúa có một thầy tế lễ lớn dẫn người vào nơi Đức Chúa Trời hiện diện (c. 20).
II. Người tin Chúa nên bày tỏ đức tin qua hành động vì đã được cứu nhờ Christ (c. 22- 25).
A. Người tin Chúa nên đến gần Đức Chúa Trời (c. 22)
B. Người tin Chúa cần phải kiên trì trong khi đối diện với sự bắt bớ (c. 23)
C. Người tin Chúa nên khuyến khích lẫn nhau (c. 24- 25).
3. Bố cục bài giảng
Thể loại thứ ba trong tiến trình khai triển bố cục là bố cục bài giảng. Bố cục này có nhiệm vụ tỏ bày cách nào lẽ thật Thánh Kinh có thể truyền đạt đến thính giả riêng biệt của mình. Bố cục bài giảng thường phải có những đặc tính này:
(1)- Nó được viết bằng ngôn từ hiện đại
(2)- Nó được áp dụng trực tiếp cho thính giả đang nghe ta giảng
(3)- Nó thúc đẩy thính giả hành động thay vì chỉ khuyên bảo. [93] Sách đã dẫn, tr. 160.

Ví dụ:
I. Chúng ta (thay vì người tin Chúa-người tin Chúa là nói chung, còn chúng ta là nói riêng cho thính giả của mình) nhận được phước hạnh lớn nhờ công lao cứu chuộc của Christ (c. 19- 20).
II. Chúng ta (thay vì nói chung người tin Chúa) nên bày tỏ đức tin qua hành động vì đã được cứu nhờ Christ (c. 22- 25).
Vậy nên, ta có thể tóm tắt phần này như vầy:
– Bố cục bản văn là trạm gửi sứ điệp đi
– Bố cục thần học là vệ tinh nhận sứ điệp và chuyển sang trạm khác
– Bố cục bài giảng là trạm chót tiếp nhận sứ điệp đã được truyền đi. [94] Sách đã dẫn, tr. 161.

Khai Triển Bố Cục [95] Spann, tr. 316- 318.

LuLc 19:1-10
Bố cục bản văn
I. Xa-chê tìm kiếm Chúa Giê-xu khi Ngài vào thành Giê-ri-cô (c. 1- 4)
II. Chúa Giê-xu nhìn thấy Xa-chê rồi đi vào nhà người (c. 5- 9)
III. Chúa Giê-xu nhân cơ hội Xa-chê tin Chúa để công bố mục đích Ngài đến thế gian (c. 10).
Bố cục thần học
I. Đức Chúa Trời đang hành động trong đời sống tội nhân để thúc đẩy họ tìm kiếm Chúa (c. 1- 4)
II. Đức Chúa Trời sử dụng người tin Chúa để đưa dắt người chưa tin về với Ngài (c. 5- 9)
III. Công việc của người tin Chúa cũng giống như của Chúa Giê-xu là tìm kiếm và chia sẻ phúc âm cho người hư mất (c. 10)
Bố cục bài giảng
Ý chính: Công vụ của Chúa Giê-xu ở trần gian là gì?
Ý bổ sung: Tìm và cứu kẻ bị hư mất
Ý luận giải: Công vụ của Chúa Giê-xu là tìm và cứu kẻ bị hư mất
Ý bài giảng: Công việc của chúng ta là tìm kiếm người hư mất và chia sẻ Christ cho họ.
I. Đức Chúa Trời đang làm việc trong đời sống tội nhân để thúc đẩy họ tìm kiếm Chúa (c. 1- 4)
II. Đức Chúa Trời sử dụng chúng ta để đưa dắt người chưa tin về với Ngài (c.
5- 9)
III. Công việc của chúng ta cũng giống như của Chúa Giê-xu là tìm kiếm và chia sẻ phúc âm cho người hư mất (c. 10)
III. PHƯƠNG CÁCH LÀM BỐ CỤC BÀI GIẢNG
Có vài chỉ dẫn để giúp ta làm bố cục bài giảng, tuy nhiên những chỉ dẫn này chỉ là tương đối, có thể thay đổi và có ngoại lệ.
1. Ta nên diễn đạt những phần chính của bố cục bằng một câu có đầy đủ chủ từ, động từ và túc từ hơn là một nhóm chữ hay một cụm từ. [96] Spann, 247.
Ta so sánh hai bố cục bài giảng này:
SỰ SỐNG LẠI LÀ CHẮC CHẮN
ICo1Cr 15:1-11
I. Lời chứng của phúc âm đối với sự sống lại (c. 1- 2)
II. Lời chứng của Thánh Kinh đối với sự sống lại (c. 3- 4)
III. Lời chứng của những người chứng kiến tận mắt đối với sự sống lại (c. 5,8)
IV. Lời chứng của những đời sống đã được đổi mới đối với sự sống lại (c. 9- 11).
SỰ SỐNG LẠI LÀ CHẮC CHẮN
15:1-11
I. Chúng ta biết sự sống lại là chắc chắn bởi vì phúc âm đã làm chứng (c. 1- 2)
II. Chúng ta biết sự sống lại là chắc chắn bởi vì Thánh Kinh đã làm chứng (c.
3- 4)
III. Chúng ta biết sự sống lại là chắc chắn bởi vì những người chứng kiến tận mắt đã làm chứng (c. 5, 8).
IV. Chúng ta biết sự sống lại là chắc chắn bởi vì những đời sống được đổi mới đã làm chứng (c. 9- 11).
2. Dùng từ chìa khóa để giữ sự thống nhất của bố cục ( các phần chính). Ví dụ SỰ GIÁNG SINH SIÊU NHIÊN
Mat Mt 1:18-25
I. Sự ra đời của Chúa Giê-xu là sự giáng sinh siêu nhiên vì Chúa Giê-xu làm ứng nghiệm lời tiên tri (c. 22)
II. Sự ra đời của Chúa Giê-xu là sự giáng sinh siêu nhiên vì Chúa Giê-xu do một trinh nữ sinh ra (c. 23)
III. Sự ra đời của Chúa Giê-xu là sự giáng sinh siêu nhiên vì Chúa Giê-xu là Em-ma-nu-ên (c. 23)
IV. Sự ra đời của Chúa Giê-xu là sự giáng sinh siêu nhiên vì Chúa Giê-xu là Cứu Chúa (c. 20- 21)
3. Dùng thì hiện tại và ngôn ngữ hiện đại để giúp thính giả dễ hiểu
4. Nhớ để ý thành phần thính giả là ai trong khi làm bố cục bài giảng. [97] Sách đã dẫn, tr. 248.

IV. LỜI CHUYỂN TIẾP CỦA BÀI GIẢNG
1. Định nghĩa
Lời chuyển tiếp là cây cầu bắt qua từ điểm này sang điểm khác. Nó cho biết ta đang ở đâu và sẽ đi đến nơi nào. Lời chuyển tiếp bày tỏ sự liên hệ của một điểm này tới điểm kế tiếp.
2. Chức năng của lời chuyển tiếp
Lời chuyển tiếp phải được sắp xếp và đặt để bất cứ ở đâu mà tư tưởng cần được nối kết. Nó giúp cho thính giả dễ theo dõi tiến trình của sứ điệp. Lời chuyển tiếp giúp cho thính giả duy trì sự chú ý theo dõi bài giảng. Nó kết hợp các phần của bài giảng lại với nhau. Nó báo hiệu cho người nghe biết diễn giả sẽ chuyển tới phần nào.
3. Thể loại chuyển tiếp
Lời chuyển tiếp có thể chỉ vài từ, vài cụm từ, vài mệnh đề hoặc vài câu.
a. Lời chuyển tiếp nối kết
Vai trò của lời chuyển tiếp này là nối phần trước với phần kế rồi kết hợp chung nhau. Ví dụ: “Chẳng những. . . mà còn” (“not only. . . but aslo”) ; hoặc “Nếu. . . là đúng, thì. . . cũng đúng” (if. . . is true, then. . . is true”.
b. Lời chuyển tiếp chất vấn
Đây không phải là diễn giả chất vấn thính giả mà là đặt vấn đề cho thính giả suy nghĩ. Ví dụ: “Nếu con người phải xuống hỏa ngục, thì chúng ta phải làm gì?” Hoặc “Nếu chúng ta không thể nhờ việc làm để đến cùng Đức Chúa Trời, thì cách nào chúng ta có thể đến cùng Ngài?”
c. Lời chuyển tiếp tuần tự theo số
Đây là lối chuyển tiếp đơn giản. Nhiều diễn giả đã sử dụng theo phương cách này. Ví dụ diễn giả sẽ nói: “Thứ nhất, ta sẽ suy nghĩ. . . “. Sau đó, qua đến phần hai, diễn giả sẽ nói: “Thứ hai, tôi muốn cùng quý vị suy nghĩ đến. . .”
d. Lời chuyển tiếp liên từ
Đây là phương pháp dùng hư tự để nối liền hai vế, hai câu, hai đoạn văn. Những tiếng hư tự đó rất nhiều, văn phạm gọi những tiếng đó là liên từ.
– “Thì, mà, nên, hay là”. Những tiếng này nối liền hai ý kiến bổ túc trong nội bộ một câu.
– “Song, song le, nhưng, nhưng mà, tuy là, tuy rằng, tuy nhiên”. Những tiếng này nối liền hai ý kiến tương phản.
– “Dầu, dầu cho, dầu rằng, đành rằng”. Những tiếng này nêu lên một ý kiến để rồi phản đối lại hay thâu hẹp lại.
– “Vả, vả lại, vả chăng, huống hồ, huống chi, phương chi”. Những tiếng này nêu lên một ý kiến bổ túc.
– “Nếu, ví bằng, nhược bằng, giả sử, giả như, giả tỉ, phải chi, ước chi”. Những tiếng này nêu lên một điều kiện, một thí dụ.
– “Hèn gì, bởi vậy, bởi nên, bởi vậy cho nên, do đó, vì thế, nhân thế, vậy thì”.
Những tiếng này chỉ một hậu quả, xác nhận một ý kiến.
– “Thật vậy, thật thế, hẳn vậy, hẳn nhiên”. Những tiếng này để chứng minh một ý kiến.
– “Hoặc là, hoặc giả, hay là”. Những tiếng này để thêm vào một ý kiến.
– “Nói về, kịp khi, kịp đến, đến như, thứ này đến thứ”. Những tiếng này để mở đầu một câu chuyện.
– “Tóm lại, nói tóm lại, nói rút lại, rốt cuộc, nói tắt mà nghe”. Những tiếng này để kết thúc, kết luận. [98] Phát Văn Ngô, Phương Pháp Làm Bài Nghị Luận (Sài gòn: Bộ Giáo Dục, 1968), tr. 54.

e. Lời chuyển tiếp tóm tắt
Ta tóm gọn những những gì đã nói rồi chuyển đến phần kế. Ví dụ: “Chúng ta đã biết qua (tóm ngắn), bây giờ sẽ tìm hiểu tiếp (tiếp tục suy nghĩ đến).
f. Lời chuyển tiếp suy luận
“Vì Chúa Giêxu đã yêu thương chúng ta quá nhiều, nên chúng ta phải yêu thương lẫn nhau”. [99] Spann, tr. 284- 285.

4. Nguyên tắc chuyển tiếp
“Với những phương pháp trên đây hay là bằng cách nào khác, chúng ta phải chuyển tiếp ở trong nội dung, chớ không phải ở ngoài thể thức, nghĩa là phải sắp đặt cho ý kiến liên tục chặt chẽ với nhau, chớ không phải dùng những từ ngữ (liên từ, nối kết, suy luận) vô ý nghĩa để nối kết những ý kiến không liên hệ với nhau”. [100] Ngô, tr. 70-71.

Khi phải chuyển đề, tức chuyển mạch từ ý này sang ý khác, đoạn khác có nên chuyển minh bạch? Việc này tùy theo trình độ người nghe. Lối chuyển mạch lộ liễu quá thường bị coi là vụng về: Người ta thích chuyển mạch ngầm.
“Trong truyện Kiều, Nguyễn Du mở rộng bằng mấy câu luân lý rồi chuyển ngầm vào truyện bằng hai câu:
Cảo thơm lần dở trước đèn Phong tình cổ lục, còn truyền sử xanh
Còn chuyển mà thông báo theo kiểu tác giả Lục Vân Tiên như: ‘Bây giờ nói chuyện Nguyệt Nga’ thì bị chê là vụng.” [101] Hoàng & Nguyễn, tr. 254.

Tuy nhiên, “ta cần có chút dè dặt này là chuyển mạch ngầm nên áp dụng cho thính giả trí thức cao hơn cho cử tọa bình dân. Mục đích của diễn giả là làm cho hôi chúng hiểu mình, chấp nhận những gì mình đề nghị cách dễ dàng nên mới phân chia bài giảng thành các phần rõ rệt. Vậy nếu thính giả nào ít nhận thức được các phần thì diễn giả ngại gì mà không nói ra cho họ. Chuyển mạch kín đáo quá thính giả ít học không hay biết, coi bài giảng là một rừng lời nói và không thấy được đâu chánh đâu phụ. Có điều cần là diễn giả làm sao cho các chuyển mạch được tự nhiên, hợp lý, ngắn gọn kẻo chúng lấn áp nội dung của những điều mà chúng nối kết. Người ta sợ dây trói gà lớn hơn con gà là đó.” [102] Việt X. Hoàng, Thuật Hùng Biện (Gia Định: Phương Nam Ấn Quán, 1963), tr. 180.

Bước 9: KHAI TRIỂN BÀI GIẢNG

Giấc mơ của Joe đã thành sự thật. Các người thầu xây cất đã hoàn tất việc xây dựng một cửa hàng tạp hóa. Bây giờ Joe đã tiếp thu tòa nhà với những phòng ốc khang trang (bố cục). Joe có thể khai trương cửa hàng ngay lúc này được chưa? Chưa được. Tại sao? Bởi vì mới chỉ có tòa nhà và các phòng ốc. Joe mới có cái vỏ. Bây giờ Joe phải lo đóng kệ và trưng bày sản phẩm muốn bán (cần phải có ruột). Nếu dùng theo ngôn từ tuyên đạo pháp giai đoạn này gọi là giai đoạn khai triển bài giảng. [103] Spann, tr. 252.

Có bốn lối để thêm ruột vào tòa nhà. Nói cách khác, có bốn bước để khai triển bài giảng: giải nghĩa, minh họa, chứng minh, và áp dụng. Nhiều diễn giả chỉ sử dụng phần giải nghĩa mà thôi. Suốt bài giảng chỉ lo giải nghĩa. Nhiều diễn giả khác chỉ thích phần áp dụng mà thôi. Vừa đọc Kinh văn xong là áp dụng liền.
Nhưng giảng giải kinh thì phải sử dụng bốn bước. [104] Sách đã dẫn, tr. 253.

I. GIẢI NGHĨA.

Top