Lời Tựa
Lịch sử của Hội Thánh là lịch sử của sự giảng dạy. Từ bài giảng của Phi-e-rơ trong ngày Lễ Ngũ Tuần cho đến nay, việc giảng Lời Chúa đã đóng một vai trò quan trọng trong sự sáng lập, gây dựng, và phát triển Hội Thánh. Chính Chúa Cứu Thế Giê-xu cũng đã mở đầu chức vụ trên đất của Ngài bằng sự giảng dạy. Nhà chép Phúc âm Ma-thi-ơ tường thuật: “… khi Đức Chúa Giê-xu nghe Giăng bị tù rồi, thì Ngài lánh qua xứ Ga-li-lê. Ngài bỏ thành Na-xa-rét mà đến ở thành Cab- na-um, gần mé biển, giáp địa phận xứ Sa-bu-lôn cùng xứ Nép-ta-li, để cho ứng nghiệm lời đấng tiên tri Ê-sai đã nói rằng: Đất Sa-bu-lôn và Nép-ta-li, ở về trên con đường đi đến biển, bên kia sông Giô-đanh, tức là xứ Ga-li-lê thuộc về dân ngoại… Dân ấy ngồi chỗ tối tăm đã thấy ánh sáng lớn; và trên những kẻ ngồi trong miền và dưới bóng sự chết, thì ánh sáng đã mọc lên. Từ lúc đó, Đức Chúa Giê-xu khởi giảng dạy rằng: Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần ” (Mat Mt 4:12-17).
Trước khi chấm dứt chức vụ trên đất, Chúa Giê-xu đã truyền lệnh cho các môn đệ: “… hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ; và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế ” (Mat Mt 28:19-20).
Sau khi Chúa Cứu Thế thăng thiên, các môn đệ đã tiếp tục thiên chức rao giảng. Khi Phao-lô nới rộng mục vụ đến La-mã, việc giảng dạy trở thành phương tiện chính yếu để rao truyền Phúc âm. Phao-lô đã dâng trọn cuộc đời cho việc giảng Lời Chúa.
Tiếp theo, Phao-lô đã long trọng trao cho Ti-mô-thê một sứ mạng là “Hãy giảng đạo ”. Vị sứ đồ nói: “Ta ở trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng sẽ đoán xét kẻ sống và kẻ chết, nhơn sự đến của Ngài và nước Ngài mà răn bảo con rằng: hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi ” (IITi 2Tm 4:1-2). Phao-lô cũng truyền cho Tít “hãy dạy điều hiệp với đạo lành ” (Tit Tt 2:1).
Theo truyền thống của Hội Thánh, có ba loại bài giảng chính: giảng theo đề tài, giảng theo câu gốc, và giảng theo phương pháp giải kinh. Chúa Giê-xu và các môn đệ đã giảng theo phương pháp giải kinh, tức là giảng giải Thánh Kinh theo ý nghĩa và bối cảnh nguyên thủy rồi ứng dụng vào bối cảnh hiện đại. Giảng giải kinh là giảng thuần Lời Chúa và toàn bộ Lời Chúa. Lời Đức Chúa Trời lúc đó là Thánh Kinh Cựu-ước (Mac Mc 7:13). Đó là Lời mà Chúa Giê-xu giảng giải (LuLc 5:1). Đó là Lời mà các sứ đồ truyền rao (Cong Cv 4:31; 6:2). Đó là Lời mà các sứ đồ công bố cho người Sa-ma-ri (8:14,&nbsp25). Đó là Lời mà Phi-e-rơ giảng giải cho người vô đạo (11:1). Đó là Lời mà Phao-lô rao giảng trong chuyến truyền giáo thứ nhất, chuyến truyền giáo thứ hai, và chuyến truyền giáo thứ ba. (13:5,&nbsp7,&nbsp44,&nbsp48,&nbsp49; 15:35-36; 16:32; 17:13; 18:11; 19:10). Các sứ đồ đã giảng Lời thuần khiết, “chẳng giả mạo Lời Đức Chúa Trời như nhiều kẻ khác ” (IICo 2Cr 2:17; 4:2). [1] 1 John MacArthur, Jr., Rediscovering Expository Preaching (Dallas: World Publishing, 1982), pp. 26- 27.

Thời Tân-ước, các sứ đồ giảng giải trung thực Lời Đức Chúa Trời nên đạo Chúa được phát triển nhanh chóng. Qua thời hậu sứ đồ, các diễn giả ít chú trọng đến giảng giải kinh nên Cơ Đốc Giáo bị thoái hóa. Giảng theo lối giải kinh đã bị vắng bóng suốt bốn trăm năm đầu. Sau thế kỷ thứ 4 mới có nhiều người đứng lên giảng giải kinh cách nghiêm chỉnh. Đến thời Trung cổ, các diễn giả lại đánh mất thiên chức giảng giải kinh nên Hội Thánh bị bóng đêm thuộc linh bao phủ. Thời Cải chánh được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh nên đã đem lại sự phục hưng cho lối giảng giải kinh. Thời Hiện đại và Cận đại cũng xuất hiện nhiều người giảng giải kinh đầy ơn Chúa nhưng vẫn chưa có sự quan tâm đủ cho phương pháp giảng luận này. John Stott đã viết: “Ta phải khẩn cấp để trở lại phương pháp giảng giải kinh ”.[2] John R. W. Stott, Between the Two Worlds, (Grand Rapids: Eerdman Publishing Company, 1982), p. 319.

Top