V. THẾ NÀO LÀ GIẢNG GIẢI KINH?
Theo Haddon Robinson, giảng giải kinh là “sự truyền thông một ý niệm Thánh Kinh rút ra từ việc nghiên cứu một phân đoạn Thánh Kinh theo văn phạm, lịch sử, và văn chương trong văn mạch của nó mà Thánh Linh trước hết áp dụng cho cá nhân và kinh nghiệm người giảng rồi từ người giảng qua người nghe” [33] Haddon W. Robinson, Biblical Preaching: The Development and Delivery of Expository Messages. Grand Rapids: Baker, 1980. tr. 20.
Richard L. Mayhue, Rediscovering Expository Preaching, quoted in John MacArthur,
Định nghĩa trên bày tỏ năm thực sự quan trọng:
1. Bản văn (phần Kinh văn sẽ giảng) chi phối toàn bộ bài giảng.
2. Giảng giải kinh là truyền thông một ý niệm Thánh Kinh, chớ không phải truyền thông một ý tưởng trích ra từ Thánh Kinh. Ta phải phân biệt sự khác nhau quan trọng này.
3. Ý niệm đó rút ra từ việc nghiên cứu một phân đoạn Thánh Kinh theo lịch sử, văn phạm, và văn chương trong văn mạch của nó.
– Nghiên cứu bản văn theo lịch sử là nghiên cứu bối cảnh của bản văn Thánh Kinh, người viết, người nhận, ngày viết, và những gì đang xảy ra khi tác giả viết bản văn đó.
– Nghiên cứu bản văn theo văn phạm nghĩa là tìm hiểu cấu trúc những từ, cụm từ, và cách dùng các từ và cụm từ đó.
– Nghiên cứu bản văn theo văn chương tức là tìm biết thể loại văn của bản văn Thánh Kinh: như là văn thuật sự, thư tín, tiên tri . . .
4. Thánh Linh áp dụng ý niệm ấy trước hết cho người giảng. Lẽ thật của bài giảng phải được áp dụng tới cá nhân và kinh nghiệm của người giảng. Khi người giảng nghiên cứu Thánh Kinh, đó là lúc Thánh Linh nghiên cứu người ấy. Khi người chuẩn bị bài giảng, đó là lúc Chúa muốn chuẩn bị người ấy. Ta không thể tách rời bài giảng khỏi người giảng. Diễn giả phải sống với sứ điệp mình giảng. Khi người chuẩn bị bài giảng, người phải khiêm cung cầu xin Thánh Linh làm cho lẽ thật của phân đoạn Thánh Kinh đang nghiên cứu trở nên kinh nghiệm của mình. Người giảng Lời Chúa phải học lắng nghe tiếng Chúa trước khi đứng lên giảng giải Lời Ngài.
Tiếc thay, rất nhiều người giảng đã thất bại vì đã không nhìn biết thực sự này. Theo Robinson, các vị ấy đã theo ý riêng mình mà áp dụng một công thức phổ biến có ghi trong những sách dạy nấu ăn của môn Phương Pháp Giảng Lời Chúa như thế này: “Lấy nhiều lời vô vị của thần học hoặc đạo đức, trộn với lượng bằng chừng đó những phần của ‘sự tận hiến,’ ‘truyền giảng,’ hoặc ‘công tác quản gia,’ rồi thêm vào thật nhiều ‘nước Đức Chúa Trời’ hoặc ‘Thánh Kinh nói,’ sau đó khuấy lên trộn chung với những câu chuyện được chọn lọc, bỏ thêm ‘sự cứu rỗi’ vào rồi đem ra nếm. Sau cùng dọn ra để ăn nóng trên nền của nhiều câu Thánh Kinh.” [34] Ronbinson, tr. 26-27.
Robinson khẳng định là những bài giảng như thế không những khiến hội chúng thiếu thức ăn bổ dưỡng; mà còn tệ hại hơn, chúng làm cho người giảng trở thành chết đói. Người không lớn lên được vì Thánh Linh chẳng có gì để nuôi dưỡng người. [35] Sách đã dẫn, tr. 27.
5. Thánh Linh cũng áp dụng ý niệm ấy cho dân Chúa qua người giảng. Theo định nghĩa của Robinson, Thánh Linh không những áp dụng lẽ thật của Ngài cho cá nhân và kinh nghiệm của người giảng, mà còn áp dụng lẽ thật ấy cho dân Chúa qua người giảng. Robinson nhắc rằng, người giảng giải kinh nên nghĩ đến ba phương diện này: Thứ nhất, với tư cách là nhà giải kinh, người phải vật lộn với những ý nghĩa mà tác giả Thánh Kinh muốn nói. Kế đến, với tư cách là người của Đức Chúa Trời, người phải vật lộn với cách Chúa muốn thay đổi cá nhân mình. Sau cùng, với tư cách nhà truyền đạo, người phải tự hỏi Chúa muốn phán điều gì với hội chúng qua mình. [36] Sách đã dẫn, tr. 27.
Nguy cơ hiện nay là nhiều nhà truyền đạo tìm cách thay đổi từ bài giảng ra từ Thánh Kinh qua sự giảng dạy đặt nền tảng trên tâm lý học. Bài giảng chẳng khác gì một diễn văn trong hội nghị. Thánh Kinh chỉ được trích dẫn để hỗ trợ cho ý tưởng người giảng chớ không phải diễn giả truyền thông ý niệm rút ra từ Thánh Kinh.
Robinson nói “Khi một nhà truyền đạo thất bại trong việc giảng Lời Chúa, thì người từ bỏ thẩm quyền của mình. Diễn giả không còn đến với thính giả qua Lời Chúa nhưng là lời của con người”. [37]
Sách đã dẫn tr. 18.
Khi nhà truyền đạo thất bại trong việc giảng giải Lời Chúa, người không còn theo truyền thống giảng dạy của Hội thánh đầu tiên. Phao-lô nói: “Bữa nay tôi nói quyết trước mặt anh em rằng tôi tinh sạch về huyết anh em hết thảy. Vì tôi không trễ nải một chút nào để tỏ ra cho biết hết thảy ý muốn của Đức Chúa Trời” (Cong Cv 20:26-27).
Đọc Thánh Kinh ta thấy Lời Chúa dùng nhiều hình ảnh để minh họa về những người giảng giải kinh:
(1)- Thợ mỏ:
Châm-ngôn 2 cho biết, nếu ta tìm kiếm lẽ thật Thánh Kinh như thợ mỏ tìm bạc hoặc như tìm kho tàng giấu kín, lúc ấy ta sẽ am hiểu Lời Chúa và sự kính sợ Chúa, đồng thời tìm được tri thức về Đức Chúa Trời. Từ câu 1- 4 nói về điều kiện. Ta chú ý những chữ “nếu” trong các câu Thánh Kinh này: “Hỡi con, nếu con tiếp nhận lời ta… nếu con kêu cầu sự phân biện… nếu con tìm nó như tìm bạc, và kiếm nó như bửu vật ẩn bí”. Lời hứa của Chúa trong câu 5 là: “Bấy giờ con sẽ hiểu biết sự kính sợ Đức Giê-hô-va, và tìm được điều tri thức của Đức Chúa Trời”. Thật là một lời hứa quý giá! Ta thường đọc câu 5 mà bỏ qua bốn câu đầu. Nếu ta muốn am hiểu sự kính sợ Chúa và được tri thức về Đức Chúa Trời, ta phải xăn áo lên, đào bới và tìm kiếm Lời Chúa như kiếm kho tàng kín giấu. Đào bới là việc làm khó khăn nên nghiên cứu Thánh Kinh cũng không phải là việc dễ làm. Ta phải chịu khó nhọc và chịu khó nhọc thật nhiều để đào bới và tìm kiếm Lời Chúa. Câu 6 bày tỏ lý do là vì, “Từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng”. Đức Chúa Trời đang chờ đợi chúng ta. Ngài có những gói khôn ngoan và tri thức để sẵn đó. Khi ta đào bới kho tàng Lời Chúa, Ngài sẽ ban cho ta những bửu vật ấy. [38] Charles Swindoll, “Preparing an Expository Message,” in A Siminar on Biblical Interpretation, D.Min. Dissertation by Robert C. Stone (Portland: Western Conservative Baptst Seminary, 1985), pp.274-276.
(2)- Nhà hiền triết:
Theo Truyền-đạo 12, người giảng giải kinh được ví sánh với nhà hiền triết vì người dạy dỗ dân chúng; tìm tòi, cân nhắc và viết ra nhiều câu châm ngôn. Người dày công sưu tầm những lời hay lẽ đẹp để diễn tả tư tưởng mình cách trung thực. Câu 11 cho thấy người lớn tuổi có khả năng dạy dỗ người trẻ tuổi. Hệ thống tư tưởng của người ấy truyền bá cho môn đệ mình vững như đinh đóng cột.
(3)- Văn sĩ:
Theo Thánh Kinh, văn sĩ là người chuyên tâm nghiên cứu, thực hành, và dạy luật pháp Chúa cho dân Ngài. Mục vụ của văn sĩ E-xơ-ra được bày trong Exo Er 7:10 “E-xơ-ra đã định chỉ tra xét luật pháp của Đức Giê-hô-va, giữ làm theo, và dạy cho dân Y-sơ-ra-ên biết những luật pháp và giới mạng ”.
(4)- Nhà thám tử
ChCn 25:2 cho biết rằng giữ kín điều gì là quyền của Đức Chúa Trời. Tìm tòi, khám phá là quyền quyền của con người. Vì thế, người giảng giải kinh luôn “hết lòng chuyên lo cho hiểu biết, xét nét, kiếm tìm sự khôn ngoan và chánh lý muôn vật ” (TrGv 7:25). (a) Điều tra: Công việc trước tiên của nhà thám tử là điều tra, tức là tìm kiếm ý nghĩa đúng của bản văn đang nghiên cứu. Người giảng giải kinh cũng luôn cẩn thận tra xét từng phân đoạn Thánh Kinh và bối cảnh của nó. (b) Thẩm vấn: Nhà thám tử giỏi luôn tìm câu trả lời qua những câu hỏi chất vấn các người có liên hệ đến nội vụ. Cũng vậy, người giảng giải kinh luôn dựa vào các câu hỏi để tìm ra ý nghĩa của phân đoạn Thánh Kinh đang nghiên cứu: Ai? Cái gì? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? Cách nào? (c) Làm sáng tỏ vấn đề: Sau khi kiếm tìm đầu mối qua các câu hỏi, công việc kế tiếp của người giảng giải kinh là làm sáng tỏ ý nghĩa của bản văn và giúp người khác hiểu được Lời Chúa.

Phân loại Bài giảng

Top