1. Thánh Linh không bao giờ ban cho ta một sự mặc khải mới có giá trị và thẩm quyền ngang hàng với Thánh Kinh.
2. Thánh Linh chẳng bao giờ bảo đảm rằng sự giải nghĩa Thánh Kinh (hoặc giảng giải Lời Chúa) của diễn giả là vô ngộ.
3. Thánh Linh không bao giờ hứa rằng những gì Ngài soi sáng cho chúng ta thì chẳng bao giờ ban cho người khác.
4. Không gì có thể thay thế cho nỗ lực học hỏi.
5. Thánh Linh không gạt bỏ ra ngoài vấn đề nghiên cứu.
6. Thánh Linh không gạt bỏ lý trí và sự hiểu biết bình thường của con người.
7. Thánh Linh không bảo đảm sẽ ban cho diễn giả sự hiểu biết toàn diện về mọi vấn đề Thánh Kinh. [223] Roy Zuch, BibSac 184, tr. 120- 130.

II. BÍ QUYẾT ĐƯỢC THÁNH LINH ĐẦY DẪY
Meyer kêu gọi người hầu việc Chúa phải có quyền năng Thánh đầy dẫy trong lúc ban phát sứ điệp. Để được Thánh Linh đầy dẫy, nhà truyền đạo phải đáp ứng ba điều kiện:
(1)- phải có đời sống tin kính Chúa,
(2)- chỉ tìm sự vinh hiển cho Chúa Cứu Thế Giê-xu,
(3)- chức vụ người phải đặt nền tảng trên Lời Thánh Kinh. [224] F. B. Meyer, Expository Preaching Plans and Methods (London: Hodder and Stoughton, 1912), tr.12- 13.

Trước kỷ nguyên của chúng ta, những tiên tri Do Thái bằng một giọng sấm vang công bố Lời Chúa cặp theo quyền năng của Thánh Linh đã khiến những đám đông Pha-lê-tin (Palestine) cúi đầu trước những lời đả kích mà họ không chịu nghe ai khác nói ra.
Giăng Báp-tít lôi cuốn đám đông trên bờ sông Giô-đanh bằng năng quyền của Thánh Linh. Ông trách cứ họ về cách cư xử lộn xộn bằng những lời mạnh mẽ chưa từng có. Nhưng nhiều thính giả vẫn đấm tay lên ngực yêu cầu ông làm lễ báp têm cho họ. [225] Sách đã dẫn, tr. 83.

BÀI GIẢNG GIẢI KINH

Dưới đây là bài giảng của Ronald F. Satta. Ông giảng theo lối ứng khẩu nên lời văn kém trau chuốt. Tôi cố chuyển ngữ theo văn nói và thêm bớt nhiều chỗ cho rõ ràng. Bài giảng này được ghi lại như là một sự gợi ý cho bài giảng giải kinh chớ không có mục đích làm bài giảng mẫu. [226] Ronald F. Satta, A Paradigm for Preaching Paul: A Step-By-Step Manual For Preparing Expository Messages from Pauline Epistles. D.Min. Project (Deerfield, IL: Trinity Evangelical Divinity School, 1997), tr. 151-160.

TÂM TÌNH GIỐNG NHƯ ĐẤNG CHRIST
Phi Pl 2:5-8
Một sinh viên đại học năm thứ nhất rất xúc động khi được mời gia nhập Hội Sinh Viên Nam tại trường. Một trong những phúc lợi của hội viên là được quyền lựa chọn nội trú trong “nhà kết thân”. Một buổi trưa sau giờ học, em tân sinh viên đang nằm ngủ trên ghế dài (giống như giường). Hai sinh viên năm cuối có ý định chọc phá người bạn mới của mình.
Hai nguời lấy lọ pho mát Limburger bôi lên mép ngay dưới mũi của người bạn mới. Vừa bôi xong họ liền bỏ chạy. Lúc đó em sinh viên giựt mình thức giấc nhưng vẫn còn chếnh choáng vì mất ngủ. Em bật ngồi dậy và hít hít không khí vào mũi như phát hiện mùi rất khó chịu. Hít hít một hồi, em liền la lên: “Phòng này có mùi thối”. Em chạy ra ngoài hành lang cũng nghe mùi, nên la lên: “Ngoài hành lang này có mùi thối”. Em chạy vô phòng khách lớn cũng nghe mùi, nên thét lên:
“Phòng khách có mùi thối”. Liền sau đó em ù té chạy ra cửa trước rồi chạy ra đường. Em đứng đó cố lấy lại bình tỉnh, nhắm mắt rồi hít thở từ từ nhưng vẫn ngửi thấy mùi rất khó chịu. Em bèn la lớn: “Cả thế giới có mùi thối”. Trong khi đó, mùi hôi thối nằm ngay dưới mũi của em! Đôi khi chúng ta cũng giống như em sinh viên này. Chúng ta cảm thấy cả thế giới có mùi thối, nhưng thường thì không phải vậy, mùi hôi thối là nằm ngay dưới mũi của mình.
Nhiều người ngày nay cố gắng đưa ra các biện pháp để giải quyết những nan đề của mình và người khác. Họ cố gắng để thay đổi các sinh hoạt của Hội Thánh, việc làm, người láng giềng, tình huống, ngay cả thay đổi tính tình người phối ngẫu. Những sự thay đổi này thường ít có hiệu quả, bởi vì điều chúng ta cần không phải là sự thay đổi bên ngoài, mà là sự thay đổi bên trong.
Nhà tâm lý học William James tuyên bố: “Sự khám phá vĩ đại nhất của thời đại chúng ta là con người có thể thay đổi cuộc sống mình nhờ vào sự thay đổi thái độ của chính mình”.
Lời Đức Chúa Trời hôm nay thách thức chúng ta hãy thay đổi cách suy nghĩ của mình. Sáng nay chúng ta sẽ suy nghĩ về tâm tình của Đấng Christ. Tâm tình đó đã ngửi thấy một thế giới tội lỗi, hư hoại, và tìm cách cứu giúp thế giới này. Tâm tình của Đấng Christ là tâm tình gì?
Tôi nghĩ không có phân đoạn Thánh Kinh nào bày tỏ tâm tình của Christ rõ ràng cho bằng ở (2:5-8). Kính mời Hội Thánh mở Thánh Kinh ra để cùng theo dõi trong khi tôi đọc Lời Chúa:
“Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có. Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (2:5-8).
Phân đoạn Thánh Kinh này bày tỏ ba đặc tính của tâm tình giống như Đấng Christ:
I. Tâm tình giống như Christ là tâm tình nhìn thấy nhu cầu người khác
II. Tâm tình giống như Christ là tâm tình phục vụ người khác, và
III. Tâm tình giống như Christ là tâm tình hy sinh cho người khác
Trước hết, chúng ta suy nghĩ đặc tính thứ nhất:
I. Tâm tình giống như Christ là tâm tình nhìn thấy nhu cầu người khác (câu 5-6)
Phao-lô bày tỏ rằng người tin Chúa phải thay đổi cách suy nghĩ trong công việc thường ngày. Ông nói: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có”. Phao-lô khuyên chúng ta “Hãy suy nghĩ như Đấng Christ đã suy nghĩ”. Động từ trong cụm từ “Hãy có đồng tâm tình” có thể ở thì indicative hoặc imperative (trong tiếng Hy-lạp, hình thái của hai thì này trông giống nhau). Ở đây Phao-lô không nói với người Phi-líp:”Đó là cách các anh chị phải suy nghĩ”. Ông chỉ khuyên bảo họ. Phao-lô nói rằng con dân Chúa nên chọn lấy tiến trình tư duy của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Phần còn lại của phân đoạn Thánh kinh này, Phao-lô chỉ ra cách thức Chúa Giê-xu suy nghĩ.
Theo sự suy nghĩ tự nhiên của con ngưòi, chúng ta giống như cậu bé nhận được món quà con ngựa gỗ vào một sáng Giáng Sinh. Cô em gái leo lên cỡi chung với cậu được một lúc. Sau cùng, cậu bé nói: “Nếu em đi xuống thì anh sẽ có chỗ ngồi cỡi nó rộng rãi hơn”. Chúng ta tự nhiên nghĩ đến chính mình nhiều hơn phải không? Chúng ta được sanh ra như một người thiển cận, không thể thấy vượt quá giới hạn của những ao ước, nhu cầu, sở thích của mình. Phao-lô muốn có sự thay đổi. Sự thay đổi đó bắt đầu từ cách chúng ta suy nghĩ.
Phân đoạn Thánh Kinh hôm nay giải thích về cách Chúa Giê-xu suy nghĩ: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ” (câu 6). Trong tiếng Anh từ “morphology” (hình thái học) bắt nguồn từ tiếng Hy-lạp “hình” (form). Những ai từng nghiên cứu qua về sinh vật học (biology) đều biết rằng “hình thái học” (morphology) là sự nghiên cứu khoa học về hình dạng và cấu tạo của động vật và thực vật. Từ “hình thái học” khẳng định rằng sự xuất hiện bên ngoài giống với những gì đã có bên trong. Nói cách khác, có những vật trông giống như hình thể thật của nó. Trong trường hợp này có nghĩa là trước khi mang hình hài thể xác con người, Chúa Giê-xu bình đẳng với Đức Chúa Trời, mang bản thể của Đức Chúa Trời, có danh vị cao cả tuyệt đối như Đức Chúa Trời, và có cùng vinh quang với Đức Chúa Trời. Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai. Các thiên sứ thờ phượng Ngài. Mọi đầu gối trên trời dưới đất mỗi khi nghe đến danh Chúa Giê-xu tất cả đều quỳ gối tung hô. Ngài không thiếu điều gì cả ngoại trừ nhìn thấy sự thiếu thốn của chúng ta. Chúa Giê-xu vì nhìn thấy nhu cầu của con người, Ngài tình nguyện từ bỏ danh vị cao cả tuyệt đối, “chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ”.
Ta để ý từ “nắm giữ” là từ chánh yếu trong câu này. Từ “nắm giữ” có nghĩa là đoạt lấy một cách không chánh đáng (trộm cắp). Tuy nhiên, ở đây nó không mang ý nghĩa đó. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, vì thế Ngài không phải là kẻ trộm. Nhưng trong thế giới cổ, từ này có nghĩa là “ham muốn một cách tham lam” như là kẻ trộm tham lam của cướp được cách bất hợp pháp trong một căn nhà hay một cửa tiệm. Vì thế, từ “nắm giữ” chỉ về tư tưởng tham lam muốn giữ lấy điều gì đó. Mặc dù Chúa Giê-xu có cùng vinh quang với Đức Chúa Trời, Ngài không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Đức Chúa Trời. Ngài tình nguyện từ bỏ tất cả.
Tại sao Chúa Giê-xu tự nguyện từ bỏ tất cả? Câu trả lời là vì Ngài nhìn thấy nhu cầu của người khác. Ngài nhìn thấy chúng ta cố gắng bơi lội cách tuyệt vọng trong đầm lầy tội lỗi. Ngài đến để cứu người khác. Chúng ta cần có sự suy nghĩ giống như Ngài. Chúng ta cần học biết cách nhìn thấy nhu cầu của người khác để cầu thay, cảm thông, và cứu giúp họ.
Dawson Trotman là người đoạt giải bơi lội thế giới. Điều lạ lùng là Trotman đã qua đời trong lãnh vực chuyên môn của mình: ông bị chết đuối trong hồ Schroon. Trotman với nhiều người khác đi thuyền trên hồ này và chiếc thuyền bị lật úp. Đội cấp cứu vội vã ra cứu giúp. Khi họ vừa tới nơi, Trotman ôm trong tay một bé gái đưa lên cho họ. Vài phút sau ông lại đưa lên cho đội cấp cứu một đứa bé khác. Trotman cứ tiếp tục làm như vậy và cứu được rất nhiều người. Vài giờ sau ông bị chết chìm vì quá đuối sức. Tuần sau, tạp chí Time đăng một bài để tưởng nhớ Trotman. Bài báo đó có kèm hình của ông với tiêu đề “Dawson Trotman Luôn Luôn Nâng Người Khác Lên”.
Trước khi có thể nâng người khác lên, ta phải biết tình trạng hiện tại và nhu cầu của họ. Chúng ta có nhìn thấy nhu cầu của người khác không? Hay chúng ta chỉ nhìn thấy chính mình? chỉ nhìn thấy nan đề của mình? áp lực của riêng mình? tình thế của chính mình?
Ta đã xét qua đặc tính thứ nhất của tâm tình giống như Đấng Christ là tâm tình nhìn thấy nhu cầu người khác. Bây giờ sẽ suy nghĩ tiếp đặc tính thứ hai:
II. Tâm tình giống như Christ là tâm tình phục vụ người khác ( câu 7-8a)
Phao-lô viết trong câu 7-8a, “Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống…” Chúa Giê-xu kể sự khiêm nhường là đức tính cao thượng. D. L. Moody không hề lầm lẫn khi viết: “Sự cao trọng của một người có thể được đo lường không phải bởi có bao nhiêu người đã phục vụ người, nhưng bởi người đã phục vụ được bao nhiêu người khác”.
Thế giới đã bị ám ảnh bởi bậc thang danh lợi quyền, và mọi người cố gắng leo lên bậc thang đó bất kể ai bị tổn thương hoặc bị làm hại. Chúa Giê-xu không tìm kiếm sự thăng cấp nhưng tìm kiếm sự giáng cấp. Ngài tự nguyện từ bỏ tất cả để phục vụ người khác. “Ngài đã tự bỏ mình đi”.
Đại danh từ “chính mình” nhấn mạnh đến sự kiện chính Chúa Giê-xu tự nguyện làm điều đó. Có ai đã hạ mình hơn Chúa chúng ta không? Thánh Kinh nhấn mạnh, “Ngài tự hạ mình xuống”.
Sự khác nhau của việc tự hạ mình xuống và bị hạ xuống là gì? Chúng ta đọc hai cụm từ này thì thấy chúng có âm thanh gần giống nhau nhưng có sự khác nhau về ý nghĩa. Khi bị hạ xuống, chúng ta cảm thấy buồn nản, ngượng ngùng, xấu hổ, và chúng ta trở thành nạn nhân ngoài ý muốn trong mưu đồ của người khác. Phân đoạn Thánh Kinh trên không có ý nghĩa như vậy. Nó bày tỏ hành động tự hạ mình vì phúc lợi của người khác một cách cao thượng và không bị ép buộc.
Sự kiêu hãnh cũng có thể được nhìn thấy ở đây. Sự kiêu hãnh thì khác với sự khiêm nhường. Tuy nhiên, khi sự kiêu hãnh ngẩn đầu xấu xí của nó lên, chính là lúc chúng ta được nhắc nhở phải sống khiêm nhường.
Khi Muhammad Ali vẫn còn là nhà vô địch quyền Anh hạng nặng, lần kia người đi máy bay để đến nơi thi đấu. Khi máy bay chuẩn bị cất cánh, cô tiếp viên hàng không đi kiểm lại tất cả hành khách lần cuối. Khi đi ngang qua Ali, cô thấy nguời chưa thắt đai an toàn. Cô tiếp viên nói: “Xin ông vui lòng thắt đai an toàn”. Ali trả lời: “Siêu nhân (superman) không cần đai an toàn”. Cô tiếp viên nói: “Vậy siêu nhân cũng chẳng cần máy bay. Bây giờ tôi xin ông hãy thắt đai an toàn”. Nhà vô địch quyền Anh phải cúi mặt làm theo.
Tự hạ mình . . . cũng giống như một người cha đưa ánh mắt nhìn xuống đứa con bé bỏng mới biết đi và cùng chơi các đồ chơi bé nhỏ của con mình. Tự hạ mình cũng giống như một người đi cứu giúp người khác nhưng không kể mình là người cao hơn về cấp bậc và địa vị. Hoặc giống như một người chịu ghép mình vào chương trình tu nghiệp giáo viên. Họ nhận rằng mình chưa biết cách dạy dỗ tốt. Những giáo viên này muốn được huấn luyện thêm để trở thành thầy cô giáo chuyên nghiệp cho các lớp mẫu giáo, tiểu học, và trung học. Biết bao người đã bỏ qua cơ hội được huấn luyện vì họ không nhìn nhận mình thiếu khả năng. Họ chẳng muốn hạ mình để học hỏi và được giúp đỡ.
Phân đoạn Thánh Kinh trên tiếp tục mô tả về sự tự hạ mình của Chúa Giê-xu. Chúng ta có nhìn thấy Ngài không? Chúa Giê-xu đã tự hạ mình xuống thấp hơn và thấp hơn nữa. Từ đỉnh cao nhất của vinh hiển, Ngài tự hạ xuống cho tới điểm thấp nhất để có thể phục vụ chúng ta. Phao-lô nói trong câu 7, “Chính Ngài đã tự bỏ mình đi”. Bản Nhuận Chánh dịch, “Ngài tự làm cho mình trống không”. Chúa Giê-xu tự làm cho mình trống không bằng cách nào? Ngài chẳng làm cho Thần tánh Ngài trống không. Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời đời đời. Tuy nhiên, Ngài tự làm cho mình trống không về quyền hạn và đặc quyền. Ngài tự giới hạn chính mình. Ta để ý những bước tự hạ của Chúa: Ngài tự hạ mình. Ngài tự làm cho mình trống không. Ngài mặc lấy hình thể tôi tớ. Ngài trở nên giống như hình trạng loài người. Ngài đã hiện ra như một người.
Chúng ta là con cái Chúa phải theo gương Ngài. Không phải theo gương Chúa để tìm lợi ích cá nhân nhưng để tìm lợi ích cho người khác. Câu 7 bày tỏ, “Chính Ngài. . . lấy hình tôi tớ”. Từ “hình” (form) nhấn mạnh đến việc Chúa trông giống như một tôi tớ, và quả thật, Ngài là một tôi tớ. Chúa Giê-xu cũng trở nên giống như hình trạng loài người. Ngài biết thế nào là mệt mõi, đói khát, cô đơn. Chúa biết đau khổ là gì và thế nào là cảm giác khổ đau. Ngài là một người thật và đã hiện ra như một người, nhưng có một sự khác biệt: Ngài là người vô tội. Cụm từ “Ngài đã hiện ra như một người” hàm ý rằng mọi người có thể nhìn thấy Chúa Giê-xu như là một người thật.
Có lần người ta hỏi một vị nhạc trưởng danh tiếng kia rằng nhạc cụ nào khó chơi nhất trong dàn nhạc. Vị nhạc trưởng trả lời: “đàn viôlông phụ”. Ông nói tiếp: “Chúng tôi có thể tìm hàng tá người chơi viôlông chính, nhưng kiếm được một người chơi viôlông phụ với cả lòng hăng say là việc rất khó khăn. Và nếu không có người chơi viôlông phụ trong dàn nhạc thì không có âm thanh hài hòa êm dịu, du dương.
Thực sự này cũng đúng ngay ở trong Hội Thánh. Nếu không có người đóng vai thứ yếu trong Hội Thánh thì chẳng có sự hài hòa, hiệp nhất. Chúng ta có muốn ở vào địa vị phụ thuộc trong Hội Thánh không? Chúng ta có thường hay khen ngợi, ủng hộ người khác chăng? Đó là dấu hiệu của tinh thần tôi tớ. Chúng ta có vui mừng khi người khác thành công và tỏ ra xuất sắc? Chúng ta có thường cám ơn vị giáo viên Trường Chúa Nhật lớp tráng niên của mình hoặc những người hướng dẫn thiếu nhi đã dạy dỗ con em của chúng ta?
Dĩ nhiên sự trái ngược của tinh thần khen ngợi là căn bệnh mà Shakespeare gọi là “bệnh ghen tị” (green sickness). Chúng ta nên cố gắng ngăn ngừa chứng bệnh nguy hiểm này.
Chúng ta phản ứng ra sao khi có người làm lễ đính hôn, thành hôn, sắp có con đầu lòng, mua nhà mới, xe mới, thuyền mới, được thăng chức, được nhận vào đại học nổi tiếng, được đi du học, được điểm tối ưu trong kỳ thi tốt nghiệp. . . Sự đáp ứng của chúng ta sẽ cho biết chúng ta có tinh thần tôi tớ hay tinh thần ghen tị.
Chúng ta đã biết người có đồng tâm tình của Chúa Giê-xu là người nhìn thấy nhu cầu của người khác, và phục vụ người khác. Nhưng chưa hết, chúng ta sẽ tìm hiểu đặc tính thứ ba:
III. Tâm tình giống như Christ là tâm tình hy sinh cho người khác ( câu 8)

Top