Ý Bài Giảng Được Tìm Thấy Qua Công Thức: Ý luận giải + sự ứng dụng = Ý bài giảng
Ý bài giảng phải phản ảnh (reflect) nội dung của phân đoạn Thánh Kinh ta đang nghiên cứu (ý luận giải) và nhu cầu của thính giả (sự ứng dụng). Mỗi phần trong bài giảng nên thúc đẩy thính giả hồi niệm ý tưởng này. Ví dụ:
CoCl 1:15-23
Chủ đề: Bản chất siêu nhiên của Đấng Christ bày tỏ Ngài là ai?
Ý bổ sung: Đấng Tạo Hóa, Đầu Hội Thánh, và Đấng Giải Hòa”.
Ý luận giải: Bản chất siêu nhiên của Đấng Christ bày tỏ Ngài là Đấng Tạo hóa, Đầu Hội Thánh, và Đấng Giải Hòa.
Bây giờ ta sẽ tìm ý bài giảng. Ta nhớ công thức:
Ý luận giải + sự ứng dụng = Ý bài giảng.
Ta đã có ý luận giải:
Bản chất siêu nhiên của Đấng Christ bày tỏ Ngài là Đấng Tạo hóa, Đầu Hội Thánh, và Đấng Giải Hòa.
Bây giờ đưa ứng dụng vào, ta sẽ có ý bài giảng là:
Chúng ta phải thờ thượng Đấng Christ vì Ngài là Đấng Tạo Hoá, Đầu Hội Thánh, và Đấng Giải Hoà.
III. SỰ KHÁC NHAU GIỮA Ý LUẬN GIẢI VÀ Ý BÀI GIẢNG
Ý lụân giải là sự diễn đạt sứ điệp bằng những lời lẽ cho thính giả thời xưa. Còn ý bài giảng là sự diễn đạt sứ điệp bằng những lời lẽ cho thính giả hiện đại. Ngày nay người ta nghĩ rằng Thánh Kinh không còn thích hợp cho họ vì họ thấy sứ điệp Thánh Kinh chỉ liên quan tới người xưa mà thôi. Do đó, ta có nhiệm vụ trình bày khéo léo sứ điệp Thánh Kinh trong một phương cách khiến cho thính giả cảm thấy rằng Thánh Kinh là được viết cho họ.
Ý bài giảng phải diễn đạt sứ điệp bằng những lời lẽ cho thính giả thời nay. Khi tác giả Thánh Kinh viết sứ điệp, họ chỉ viết cho nhu cầu thính giả thời đó. Vì thế, ta nhờ biết được nhu cầu của thính giả thời nay, phải trình bày sứ điệp bằng những lời lẽ cho thính giả thời nay. Ta nên nhớ, ý bài giảng không phải là viết lại ý luận giải bằng lời lẽ hiện đại, mà là suy niệm nội dung của phân đoạn Thánh Kinh ta đang nghiên cứu để ứng dụng cho thính giả thời nay.Bước 6: MỤC ĐÍCH BÀI GIẢNG

Ngày kia, Joe nói với Fred rằng anh đã quyết định mở một cửa tiệm. Fred hỏi: “Cửa tiệm anh muốn mở sẽ bán hàng gì?” Joe trả lời: “Tôi cũng không biết sẽ bán loại hàng gì nữa”. Fred nói: “Làm sao anh có thể mở tiệm thành công nếu không biết sẽ bán loại hàng gì?” [79] Spann, tr. 225.

Câu chuyện xem như vô lý, tuy nhiên có nhiều diễn giả cũng giống như Joe, chẳng biết mục đích bài giảng của mình là gì cả, hoặc chẳng bao giờ nghĩ đến mục đích bài giảng của mình. Hôm nay, ta sẽ bàn về mục đích của bài giảng.
Sau khi đã có ý bài giảng, bây giờ ta phải quyết định xem ta muốn ý bài giảng này sẽ làm gì cho thính giả. Nói cách khác, ta phải xác định mục đích của bài giảng.
I. ĐỊNH NGHĨA MỤC ĐÍCH.
Mục đích là để truyền đạt cho thính giả sứ điệp phúc âm một cách rõ ràng và chính xác hầu thính giả có thể hiểu được và đáp ứng bằng hành động.
Khi Phao-lô viết thư cho Ti-môthê, ông viết với mục đích để “con biết làm thế nào trong nhà Đức Chúa Trời, tức là Hội Thánh của Đức Chúa Trời Hằng sống, trụ và nền của lẽ thật ” (ITi1Tm 3:15).
Sứ đồ Giăng đã sắp xếp câu chuyện về cuộc đời Chúa Giê-xu để cho nhân loại có thể đặt niềm tin nơi Ngài là “Đấng Christ, tức là Con Đức Chúa Trời” và “ nhờ danh Ngài mà được sự sống ” (GiGa 20:31).
II. SỰ DIỄN ĐẠT MỤC ĐÍCH
Trong khi diễn đạt mục đích, ta nên trình bày theo cách nói đơn giản và xác định. Đồng thời ta cũng nên trình bày bằng những lời lẽ thúc đẩy thính giả hành động.
Nếu ta trình bày ý bài giảng trong ánh sáng của mục đích mình, thính giả sẽ hiểu và đáp ứng bằng hành động.
III. PHƯƠNG CÁCH XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH BÀI GIẢNG.
Để có thể xác định mục đích bài giảng, ta phải trả lời cho câu hỏi: “Sau khi nghe bài giảng này tôi mong muốn điều gì xảy ra trong đời sống của người nghe (thính giả)?
Để hình thành mục đích cho một bài giảng, ta cần để ý xem mục đích của tác giả Kinh Thánh là gì? “Vì sao tác giả viết điều này? Người mong muốn điều này ảnh hưởng thế nào trên độc giả của mình?” Dựa vào mục đích của tác giả khi viết phân đoạn Thánh Kinh đó, ta sẽ xác định mục đích cho bài giảng của mình.
Ví dụ: CoCl 1:15-23
Ta sẽ nhờ câu hỏi sau đây để tìm ra mục đích của phân đoạn Thánh Kinh này: “Vì sao tác giả viết điều này? Người mong muốn điều này ảnh hưởng thế nào trên độc giả của mình?” Và đây là mục đích của phân đoạn Thánh Kinh này: “Phao-lô muốn cho người Cô-lô-se sau khi đọc phân đoạn Thánh Kinh trên sẽ công nhận Christ là Đấng Tối cao đáng phải thờ phượng”. Dựa vào đó ta sẽ xác định mục đích cho bài giảng mình.
Ta sẽ nhờ câu hỏi sau đây để tìm ra mục đích của bài giảng: “Sau khi nghe bài giảng này tôi mong muốn điều gì xảy ra trong đời sống của người nghe (thính giả)? Và đây là mục đích của bài giảng: “Tôi muốn thính giả sau khi nghe bài giảng này sẽ nhận ra sự tối cao của Đấng Christ và đáp ứng lại qua việc thờ phượng Ngài”.Bước 7: THIẾT KẾ BÀI GIẢNG

Trong bài trước, ta nghe câu chuyện về Joe muốn mở một cửa tiệm nhưng Joe không biết mình sẽ bán loại hàng gì. Sau khi nhờ nhiều người cố vấn, Joe quyết định mở một cửa hàng tạp hóa (grocery store) trong đó có khu bán tạp hóa, khu bán thuốc tây, và khu bán video. Bước kế tiếp Joe phải làm gì? Người phải thiết kế công trình xây dựng cho cửa tiệm đó. [80] Spann, tr. 235.

Ta đã xét qua các bước trong tiến trình soạn một bài giảng giải kinh:
– Chọn Kinh văn
– Nghiên cứu (luận giải) Kinh văn
– Tìm ý luận giải
– Khai triển ý luận giải
– Tìm ý bài giảng
– Xác định mục đích bài giảng
Bây giờ ta đã sẵn sàng để giảng rồi có đúng không? Không đúng. Nếu một cửa hàng tạp hóa cần được thiết kế kỹ càng để dẫn đến thành công, thì bài giảng của chúng ta lại cần làm điều đó nhiều hơn nữa.
Ta đã xác định mục đích của bài giảng. Bây giờ cần thiết kế bài giảng để hoàn thành mục đích của nó. Thiết kế bài giảng là “một kế hoạch có tổ chức để quyết định xem bài giảng ta được thiết kế theo mô hình nào”. Có nhiều tên gọi khác nhau cho phần này. Ta có thể gọi là thiết kế bài giảng, đề cương, sơ đồ, hoặc hình thái bài giảng.
I. NHỮNG ĐIỀU CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC THIẾT KẾ BÀI GIẢNG
Có một số điều sẽ ảnh hưởng đối với sự thiết kế của bài giảng. Một nhà truyền đạo tốt sẽ để ý đến những ảnh hưởng đó khi người quyết định thiết kế bài giảng. Dưới đây là ba điều có ảnh hưởng đối với việc thiết kế bài giảng.
1. Sứ điệp của bản văn ( phân đoạn Thánh Kinh ta sẽ giảng)
Điều nguy hiểm trong việc khai triển bài giảng là đánh mất hay quên mất bản văn. Có nhiều nhà truyền đạo đọc Kinh văn để giảng, nhưng khi giảng thì không bao giờ sử dụng đến bản văn đó. Hoặc có người chỉ dùng bản văn để ủng hộ cho ý tưởng mình. Đó không phải là giảng giải kinh. Giảng giải kinh là truyền thông một ý niệm rút ra từ Thánh Kinh, chớ không phải truyền thông một ý niệm trích ra từ Thánh Kinh. [81]

Spann, tr. 238.

2. Thành phần thính giả
Ta phải để ý đến thành phần thính giả. Người truyền đạo ngày nay trên vài phương diện cũng giống như thầy tế lễ trong Cựu ước. Thầy tế lễ ngày xưa đeo Êphót và bảng đeo ngực với tên của các chi phái Y-sơ-ra-ên (XuXh 28:6-30). Việc đeo tên của các chi phái biểu tượng cho việc thầy tế lễ mang theo dân chúng trong lòng mình khi vào nơi thánh.
Ta cũng phải mang theo dân chúng trong lòng mình khi vào nơi nghiên cứu Lời Chúa. Ta chớ nên quên dân chúng trong lúc chuẩn bị bài giảng. Ta phải luôn tự hỏi: “Làm sao tôi có thể truyền đạt Lời Chúa cách trung thực, đúng đắn, và hiệu quả cho thính giả?” [82]

Spann, tr. 239.

3. Tính chất của văn nói
Tuyên đạo pháp là nghệ thuật trang điểm bằng lời nói. Nó khác với việc truyền thông bằng chữ viết. Dưới đây là vài sự khác nhau:
Theo Raymond De Saint Laurent, văn viết không giống như văn nói! Đừng lẫn lộn cái nọ với cái kia. Trong tác phẩm viết, người đọc sẽ đọc thoải mái; người ấy có thể ngừng đọc, suy nghĩ, để thưởng thức những tinh túy theo ý mình. Với văn nói, người ta nghe không ngừng; chú tâm của họ không được thư giãn đến một phút. Do đó, bài nói phải có những đức tính đặc biệt, do tình hình bắt buộc.
Văn viết thích sự ngắn gọn, những hình ảnh chọn lọc rất tế nhị, những tình cảm được thể hiện đúng mức với sự hài hòa tuyệt hảo. Văn nói, trái lại, phải phong phú, có những mô tả sinh động, những điệu bộ thích hợp, cách đọc phải cho dễ nghe. [83] Raymond De Saint-Laurent, Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng. Bản tiếng Việt do Minh Đạo dịch (Hà Nội: Nhà Xuất bản Văn Hóa, 1998), tr. 40.

Điều mà diễn giả cần là thính giả có thể hiểu những gì mình giảng. Để cho người nghe hiểu được những gì minh nói, diễn giả không nên quên là thính giả không có thời gian để hiểu rõ ý kiến của mình, nhất là những vấn đề đòi nhiều suy nghĩ. [84] Raymond De Saint-Laurent, tr. 44- 45.

“Điều này càng đúng trong trường hợp những thính giả bình dân, kém văn hóa, ít quen nghe những vấn đề nát óc”. [85] Việt X. Hoàng, Thuật Hùng Biện (Gia Định: Phương Nam Ấn Quán, 1963), tr. 237.

Thính giả cũng không thể ngắt lời diễn giả để nói với người rằng họ không nắm bắt được người nói gì. Do đó, trong bài giảng thuyết phải giải thích đầy đủ cho thính giả.
Bossuet, một trong các nhà hùng biện bậc thầy của nước Pháp, trong bài thuyết giảng “Phẩm cách Tuyệt Vời của Người Nghèo trong Hội Thánh”, ông đã nói: “Người nghèo có gánh nặng, người giàu cũng có gánh nặng”. Ta để ý xem Bossuet phát triển luận điểm này bằng cách nhắc lại luận điểm đó cho nó thấm vào người nghe.
“Người nghèo có gánh nặng, người giàu cũng có gánh nặng”. Ai lại không biết là người nghèo có gánh nặng. Khi ta thấy họ đổ mồ hôi và nước mắt, lẽ nào ta không nhận thấy gánh nặng nghèo đói đè trên vai họ. Còn người giàu có vẻ thoải mái, tưởng như không có gì đè nặng trên họ, ta biết họ có gánh nặng hay không? Và gánh nặng của người giàu là gì? Hỡi các Cơ Đốc nhân, quí vị có thể tin rằng gánh nặng đó lại là tài sản của chính họ. Gánh nặng của người nghèo là gì? Là nhu cầu. Gánh nặng của người giàu là gì? Là sự dư thừa. Augustine nói: Gánh nặng của người nghèo là ở chỗ cái mình cần lại không có; còn gánh nặng của người giàu là ở chỗ có quá nhiều cái mình cần. . .
Một nhà văn chỉ cần viết: Người nghèo có gánh nặng, có ai lại không biết những nỗi khổ của họ. Người giàu cũng có gánh nặng, đó là sự giàu có. Một vài từ ngắn gọn đã đủ để cho người đọc hiểu. Nhưng muốn cho người nghe hiểu, ta phải dùng nhiều từ hơn. Bossuet đã không ngần ngại trình bày cho người nghe nhiều lần cũng ý đó nhưng dưới lớp áo của những từ mới.
Văn viết tránh nhắc lại các từ. Trái lại văn nói lại dùng cách đó một cách tự nhiên và dùng nó làm một vũ khí để chiến thắng. Văn nói nhắc lại, với một nhịp điệu đều đặn.
Nói về một nhân vật lịch sử, một nhà văn viết: “Ông ta nghiêm khắc với người khác và với cả chính mình”.
Trong khi đó, một diễn giả nói: “Ông ta nghiêm khắc trong nhận xét, nghiêm khắc trong các quyết định, nghiêm khắc trong việc làm, nghiêm khắc với bạn bè, nghiêm khắc với chính mình. . .” [86] Sách đã dẫn, tr. 44- 45.

Vô ý mà lặp lại là vụng về, nhưng thỉnh thoảng lập lại cách cố ý để nhấn mạnh những ý quan trọng là cần thiết. Thính giả thường không đủ thì giờ để suy nghĩ.
II. NHỮNG LẬP LUẬN ĐỂ THIẾT KẾ BÀI GIẢNG
Khi ta nói về sự thiết kế bài giảng, ta phải nhắc đến hai thuật ngữ mang tính chất tranh luận: đó là suy diễn và quy nạp. Khi ta nói về các bài giảng theo lối quy nạp và diễn dịch, có nghĩa là ta đang nói đến những lập luận để thiết kế bài 86 Sách đã dẫn, tr. 44- 45. giảng. Ta cần nhận biết cả hai lối lập luận này, vì mỗi cách lập luận đều có chỗ đứng quan trọng của nó. [87] Spann, tr. 243.

1. Lập luận theo phương pháp suy diễn
Lập luận theo phương pháp suy diễn là suy luận từ những nguyên lý chung sang trường hợp riêng biệt. Đây là phương pháp lý luận rút ra kết luận như là hệ quả tất yếu từ các tiền đề. Lập luận theo phương pháp suy diễn đã được các diễn giả trong các hệ phái tin lành sử dụng rất nhiều năm, đặc biệt là những mục sư thuộc giáo hội Báp-tít. Theo phương pháp này, diễn giả trước hết định rõ ý luận giải trong bài giảng suy diễn, phần còn lại của bài giảng là phần khai triển, biện minh, giải thích ý luận giải. Diễn giả sẽ giúp cho thính giả nhận biết vấn đề và kết luận gì về vấn đề đó. Ví dụ:
MỘT HỘI THÁNH XỨNG ĐÁNG VỚI SỰ KÊU GỌI
Eph Ep 4:1-3
Ý luận giải: Chúng ta sống xứng đáng với sự kêu gọi thánh của Đức Chúa Trời là khi chúng ta sống trong sự hiệp một.
Khai triển bài giảng: Cách nào ta có thể giữ sự hiệp một trong Hội Thánh?
I. Chúng ta tạo nên sự hiệp một nhờ vào phẩm cách của mình (c. 2)
A. Khiêm nhường
B. Mềm mại
C. Nhịn nhục
D. Lấy lòng thương yêu mà chìu nhau
II. Chúng ta tạo nên sự hiệp một nhờ vào sự cố gắng sống hiệp một và gìn giữ sự hiệp một (c. 3).
A. Chúng ta cố gắng sống hiệp một
B. Chúng ta cố gắng gìn giữ sự hiệp một [88] Sách đã dẫn, tr. 244.

2. Lập luận theo phương pháp quy nạp
Đây là phương pháp lý luận khởi đầu từ sự quan sát các sự kiện cụ thể đưa tới kết luận tổng quát.
Hiện nay, lối lập luận này rất được ưa chuộng nhờ ảnh hưởng của Craddock, Thomas Long. . . Theo phương pháp này, diễn giả lập luận từ riêng đến chung. Bài giảng của tiên tri Amốt trong chương 1:3-2:5 là bài giảng hay nhất theo lối quy nạp. [89] Spann, tr. 245.

“Đức Giê-hô-va phán như vầy: Bởi cớ tội ác của Đa-mách đến gấp ba bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó, vì chúng nó đã lấy đồ đập lúa bằng sắt mà đập Ga-la-át. Ta sẽ sai lửa đến trong nhà Ha-xa-ên, đặng thiêu nuốt đền đài của Bên-ha-đát. Ta sẽ bẻ gãy then của Đa-mách; ta sẽ dứt dân cư khỏi trũng A-ven, và kẻ cầm cây trượng khỏi nhà Ê-đen; còn dân sự Sy-ri sẽ bị đày qua Ki-rơ làm phu tù, Đức Giê-hô-va phán vậy.
Đức Giê-hô phán như vầy: Bởi cớ tội ác của Ga-xa đến gấp ba bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì chúng nó đem hết dân sự đi làm phu tù mà nộp cho Ê-đôm. Ta sẽ sai lửa đến trên vách thành Ga-xa, nó sẽ thiêu nuốt những đền đài nó. Ta sẽ dứt dân cư khỏi Ách-đốt và kẻ cầm cây trượng khỏi Ách-ca-lôn. Ta sẽ trở tay ta nghịch cùng Éc-rôn; và phần sót lại của người Phi-li-tin sẽ chết, Chúa Giê-hô-va phán vậy.
Đức Giê-hô-va phán như vầy: Bởi cớ tội ác của Ty-rơ đến gấp ba bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì chúng nó đã nộp hết dân sự cho Ê-đôm, chẳng hề nhớ đến sự giao ước anh em. Ta sẽ sai lửa đến trên vách thành Ty-rơ, nó sẽ thiêu nuốt những đền đài nó.
Đức Giê-hô-va phán như vầy: Bởi cớ tội ác của Ê-đôm đến gấp ba bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì nó đã dùng gươm đuổi theo anh em mình, bỏ cả lòng thương xót, và cơn giận nó cứ cắn xé không thôi, nuôi sự thạnh nộ đời đời. Ta sẽ sai lửa đến trên Thê-man, nó sẽ thiêu nuốt những đền đài của Bốt-ra.
Đức Giê-hô-va phán như vầy: Bởi cớ tội ác của con cái Am-môn đến gấp ba bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó, vì chúng nó đã mổ bụng đàn bà chửa của Ga-la-át đặng mở rộng bờ cõi mình. Ta sẽ thắp lửa trong vách thành Ráp-ba, nó sẽ thiêu nuốt những đền đài nó giữa tiếng kêu giặc giã trong ngày chiến trận, giữa cơn lốc trong ngày bão táp. Vua chúng nó cùng các quan trưởng sẽ đi làm phu tù cùng nhau, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy.
Đức Giê-hô-va phán như vầy: Bởi cớ tội ác của Mô-áp đến gấp ba bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì nó đã đốt hài cốt của vua Ê-đôm đặng làm ra vôi. Ta sẽ sai lửa đến trên Mô-áp, nó sẽ thiêu nuốt đền đài của Kê-ri-giốt. Mô-áp sẽ chết trong sự ồn ào, giữa tiếng kêu, khi tiếng kèn thổi. Ta sẽ dứt quan xét giữa khỏi nó, và giết hết thảy các quan trưởng với nó, Đức Giê-hô-va phán vậy.
Đức Giê-hô-va phán như vầy: Bởi cớ tội ác của Giu-đa đến gấp ba bốn lần, nên ta không xây bỏ án phạt khỏi nó; vì chúng nó đã bỏ luật pháp của Đức Giêhô- va và không vâng theo luật lệ Ngài, những sự giả dối mà tổ phụ chúng đã theo, làm lầm lạc chúng nó. Ta sẽ sai lửa đến trên Giu-đa, nó sẽ thiêu nuốt những đền đài của Giê-ru-sa-lem”.
3. Phối hợp cả lối lập luận suy diễn và quy nạp
Người truyền đạo thường hay bị bắt buộc phải theo một trong hai lối lập luận này: hoặc là suy diễn hoặc là quy nạp. Nếu dùng theo ngôn từ của nhà lãnh tụ Giô-suê thì sẽ là: “Ngày nay, hãy chọn cho ngươi ai là đấng ngươi sẽ phục vụ: hoặc là các thần của lập luận suy diễn hoặc là các thần của lập luận quy nạp”. [90] Sách đã dẫn, tr. 245.

Tuy nhiên, ta không nhất thiết phải chọn một trong hai lối lập luận đó. Phương cách hay nhất để khai triển bài giảng là phối hợp cả hai lối lập luận đó với nhau. Ta có thể khai triển bài giảng theo lối lập luận suy diễn, hoặc theo lối lập luận quy nạp, hoặc phối hợp cả hai lối lập luận đó. Không có bắt buộc phải theo lối lập luận nào và cũng chẳng có đúng sai.Bước 8: LÀM BỐ CỤC BÀI GIẢNG

Nhiều thế kỷ trước, Hoàng đế nước Nhật truyền lệnh cho một họa sĩ vẽ cho vua bức ảnh của một con chim thật lớn và thật đẹp. Sau nhiều tháng chờ đợi, ngày kia vua và đoàn tùy tùng đi đến phòng vẽ của họa sĩ để xem người đã vẽ xong chưa. Lúc vua vừa đến nơi thì họa sĩ cũng vừa hoàn tất nét vẽ cuối cùng của bức họa.
Khi được hỏi tại sao phải mất quá nhiều thời gian cho bức vẽ này, thì họa sĩ liền mở từ cái hộc tủ này đến hộc tủ khác đem ra nhiều thứ phác họa hình con chim: lông chim, cánh chim, mắt chim, mỏ chim… Ông đã phác họa tỉ mỉ từng phần của hình con chim và lúc vua đến thăm thì công việc ráp nối của ông cũng vừa hoàn tất.
Công việc của người giảng lời Chúa cũng tỉ mỉ và công phu như thế. Ta phải thực hiện từng công việc nhỏ lớn cho sự chuẩn bị trước khi hoàn thành cả bài giảng. Phương cách giản dị và tốt nhất trước hết là phác thảo bài giảng hoặc lập bố cục bài giảng.
Sau khi hoàn tất chương này, ta sẽ có thể
(1)- nhận biết sự quan trọng của bố cục;
(2)- định rõ hình thức của bố cục;
(3)- khai triển lời chuyển tiếp từ phần này sang phần khác của bố cục;
(4)- biết cách soạn bố cục
I. SỰ QUAN TRỌNG CỦA BỐ CỤC.
Bài giảng cần có bố cục để giữ cho nội dung không bị lạc đề, không bị lộn xộn, và tập trung ý nghĩa. Bố cục giúp cho diễn giả tránh được sự lúng túng. Bố cục giúp cho lời giảng của diễn giả không bị rời rạc nhưng trở thành có hệ thống. Bố cục hướng dẫn diễn giả cứ tiến tới chớ không thối lui hoặc đi vòng quanh. Nó cũng giúp cho diễn giả cân đối được thì giờ: không bị quá dài ở phần này hay quá ngắn cho phần kia. Đức Chúa Trời là Đấng trật tự chớ không phải rối loạn (ICo1Cr 14:33).
Bố cục giúp cho người giảng lời Chúa xem xét sự liên hệ về các sự kiện ở trong phân đoạn Thánh Kinh đang nghiên cứu. Cho tới giai đoạn này, ta đã tập hợp lại được nhiều sự kiện và ý niệm chủ yếu mà ta muốn truyền đạt. Bây giờ, các sự kiện này phải được sắp xếp thứ tự để ủng hộ cho ý niệm chủ yếu.
Bố cục có thể giúp cho cả người giảng lẫn người nghe nhìn thấy rõ cấu trúc của bài giảng. Cấu trúc này được sắp xếp trong ánh sáng của những câu hỏi khai triển đã bàn qua ở chương trước. Bố cục cũng giúp cho thính giả nhận biết diễn giả bắt đầu ở điểm nào và đang giảng đến đâu. Thính giả không bị bối rối, không chán, không bực bội vì chẳng tiếp nhận được ý nghĩa. Bố cục trở thành một bản đồ chỉ đường mà người giảng sẽ hướng dẫn cho người nghe.
II. HÌNH THỨC CỦA BỐ CỤC.

Top