Nhà văn cách ly các từ, các câu đơn giản, các câu phức tạp bằng dấu phảy, dấu chấm phảy và dấu chấm. Nhờ việc chấm câu, người đọc hiểu được tư tưởng tác giả dễ dàng hơn. Diễn giả cũng phải có cách chấm câu để cho cử tọa hiểu mình và cách chấm câu của văn nói khác với cách chấm câu của văn viết.
Ngắt câu trong khi giảng giải Lời Chúa là một nghệ thuật cần để ý. Ngừng nghỉ một cách có ý thức không chỉ làm cho lời nói có trật tự rõ ràng, mà còn làm nổi bật trọng điểm, thu hút sự chú ý của người nghe. Ngừng nghỉ thích đáng có thể làm cho người nghe hiểu được nội dung mà ta nói chia làm mấy đoạn, trước sau bổ sung cho nhau thể nào. Chỉ có những lời nói mạch lạc rõ ràng, mới có sức hấp dẫn, thuyết phục, thể hiện tính thống nhất, làm cho người nghe dễ theo dõi lời ta rao giảng. Nếu không biết ngừng nghỉ đúng lúc, thao thao bất tuyệt mãi, diễn giả sẽ làm cho người nghe có cảm giác “cũng chẳng biết bạn đã nói những gì nữa”.
Theo các nhà chuyên môn, có nhiều cách ngắt câu khác nhau: cách ngắt câu hùng biện, cách ngắt câu nhịp nhàng, cách ngắt câu xúc động, cách ngắt câu tâm lý. . . Tuy nhiên, ở đây ta không bàn chi tiết về thuật ngắt câu mà chỉ tập ngắt câu cách có suy nghĩ để diễn giả cùng suy tư với hội chúng.
Khi nào ta cần ngừng nghỉ? Khi ta chuyển đổi lời nói, nối tiếp phần dưới, hoặc nêu ra trọng điểm tổng kết tư tưởng chính yếu, thì cần phải ngừng nghỉ. Ngoài ra, nếu ta muốn diễn đạt tình cảm ấp ủ trong lòng, thì khi nói cần trầm bổng ngừng nghỉ âm thanh, mà còn có thể phối hợp với động tác của tay để tiến hành.
Thường thì diễn giả có thể áp dụng ba loại ngắt câu: ngừng nghỉ ngắn, ngừng nghỉ trung, và ngừng nghỉ dài. Ngừng nghỉ ngắn là khoảng một giây hoặc ít hơn, ngừng nghỉ trung là từ một đến hai giây, và ngừng nghỉ dài là từ ba đến năm giây.
Ta thử đọc Mat Mt 5:13 theo lối ngắt câu ngắn và trung để cùng suy tư với hội chúng: “Các ngươi là muối của đất (ngừng nghỉ ngắn); song nếu mất mặn đi (ngừng nghỉ trung) thì sẽ lấy giống chi làm cho mặn lại? (ngừng nghỉ ngắn) Muối ấy không dùng chi được nữa (ngừng nghỉ ngắn), chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta giày đạp dưới chơn”.
Ta đọc GiGa 2:5 theo lối ngắt câu trung: “Mẹ Ngài nói với những kẻ hầu bàn rằng (ngừng nghỉ trung): Người biểu chi, hãy vâng theo cả!” Khi gặp những chỗ trích dẫn, người ta thường áp dụng lối ngắt câu trung.
Lối ngắt câu dài thường được áp dụng để báo cho thính giả biết có một sự thay đổi ý tưởng (qua ý tưởng mới) hoặc được áp dụng để tạo sự chú ý.
Việc ngắt câu chẳng những buộc ta chú ý đến tổng thể của đoạn văn mà còn phải quan tâm đến ý nghĩa của mỗi từ ngữ riêng biệt. Chẳng hạn khi ta đọc hai câu thơ “Bức Tranh Xuân” của thi hào Nguyễn Du:
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Theo Vũ Nho, nếu cứ đọc thầm bằng mắt ào qua, mấy ai đã chú ý đến từ “trắng”. Ngay cả khi đọc thành tiếng theo thói quen ngâm nga người ta sẽ đọc theo cách ngắt nhịp như vầy:
Cỏ non – xanh tận – chân trời,
Cành lê – trắng điểm – một vài – bông hoa
Nhưng để cho người nghe cảm thấy hết vẻ đẹp của bức tranh xuân, đặc biệt thấy được tài năng của Nguyễn Du như một họa sĩ tranh phong cảnh, ta phải để ý đến từ “trắng”. Cái màu trắng độc đáo này là do Nguyễn Du thêm vào chớ không hề có trong câu thơ chữ Hán.
Nguyễn Du ở đây vì muốn tạo ra vẻ cân đối của âm thanh và sự tương phản của màu sắc nên mới đặt từ “trắng” trong vị trí đặc biệt này. Thông thường thì người ta viết câu thơ thứ hai trên như vầy:
Cành lê điểm trắng một vài bông hoa.
Khuôn nhịp câu thơ lục bát cho phép viết như vậy. Ý nghĩa thông báo không thay đổi. Tuy nhiên sự đối chọi và hài hòa của cặp từ chỉ màu sắc “xanh” và “trắng” đã không còn như cũ nữa. Câu thơ trên trở nên tầm thường không gì đáng để ý. Nhưng khi đảo vị trí của từ “trắng” thì câu thơ trở thành độc đáo mà chỉ những người có tài năng như Nguyễn Du mới có thể làm được. Do đó, khi đọc câu thơ này, ta cũng phải hiểu ý của tác giả để có cách ngắt nhịp và nhấn giọng làm cho màu “trắng” nổi bật lên:
Cành lê – trắng – điểm – một vài – bông hoa [212] Nho Vũ, Nghệ Thuật Đọc Diễn Cảm (TP. HCM: Nhà Sách Thành Nghĩa, 1999), tr.12- 13.

Vũ Nho cũng thuật lại câu chuyện vui về cách đọc “tụng kinh” của một học sinh do một giáo viên kể lại: “Anh đang ngồi chấm bài thì nghe cậu con trai đọc oang oang: ‘Tầm bèn thủng, tằm bèn thủng, tằm bèn thủng” có đến mươi lượt.
Anh bực mình gắt:
– Con làm gì thế?
– Dạ, học thuộc lòng.
– Bài học gì kỳ thế! ‘Tằm bèn thủng’ là cái gì? – Sách in thế.
– Mang đây xem nào! Cậu con mang sách đến. Thì đúng sách in thế thật.
Hóa ra là cậu con trai đã chia đôi câu thơ ‘Tằm bèn thủng thỉnh đáp rằng’ thành câu thơ ngắn hơn cho dễ đọc”. [213] Sách đã dẫn, tr. 14.

VII. NGỮ ĐIỆU.
Ngữ điệu là những cách đọc một số từ qua nhiều lối khác nhau để biểu lộ tình cảm thầm kín của ta bằng chất lượng của tiếng nói. Mỗi từ có thể diễn tả bằng nhiều giọng và mỗi giọng có thể làm thay đổi ý nghĩa của từ bằng cách này hay cách khác. Do đó, diễn giả phải biết làm cho câu nói của mình có sắc thái, nghĩa là biết thay đổi cách đọc tùy theo yêu cầu của tư tưởng.
Saint-Laurent đề nghị chúng ta hãy cùng nhau thực tập. Ta chọn một câu ngắn, đơn giản, chỉ có bốn từ: “A, ông đã đến”. Ta có thể nói câu này bằng những ngữ điệu khác nhau để diễn đạt nhiều ý nghĩa khác nhau:
“A, ông đã đến”, tùy theo cách nói, ta sẽ có thể bày tỏ:
1. Niềm vui cực độ: Những lần ông đến thăm làm tôi rất vui mừng. Ở bên ông, tôi đã có được biết bao thì giờ êm ái. “A, ông đã đến”.
2. Khó chịu nhưng dấu kín: Tôi chắc là có việc ông mới tới phiền tôi. Tôi mong rằng chúng ta sẽ không mất nhiều thì giờ. Tôi phải miễn cưỡng mỉm cười: “A, ông đã đến”.
3. Bất bình ra mặt: Lại ông nữa, tôi đã bảo ông là đừng đến làm phiền tôi.
“A, ông đã đến”.
4. Diễu cợt: Đó là một ông bạn lúc nào cũng có những câu nói hoặc câu trả lời kỳ cục buồn cười. Lại sắp được một mẻ cười rồi. “A, ông đã đến”.
5. Chế diễu: Đó là một nhân vật thô bỉ. Không thể gặp ông ta mà không cười khinh bỉ ông ta. “A, ông đã đến”.
6. Oán trách: Tôi nhớ ông đã chơi tôi nhiều vố! Mỗi lần gặp ông tôi lại nhớ đến chúng một cách cay đắng. “A, ông đã đến” (A, lại được thấy ông).
7. Ra mặt thù địch: Tôi không cần gặp anh để anh trút cho những điều bỉ ổi. “A, ông đã đến” (A, anh đấy à).
8. Tình yêu say đắm: Anh (em) là người làm thỏa mãn cả tâm trí lẫn trái tim tôi. Tôi mong anh (em) đến quá. “A, anh (em) đã đến” (A, anh (em) đây rồi). [214] Saint-Laurent, tr. 109- 110.

VIII. ĐIỆU BỘ.
Ngày xưa, có người hỏi Démosthène điều kiện thứ nhất của người muốn thành công trên diễn đàn là điều kiện nào: Ông nói: Tác động”. Còn điều kiện thứ hai? “Cũng tác động”. Và điều kiện thứ ba? “Luôn luôn là tác động” [215] Hoàng, tr. 299.

Kauffman cho rằng, diễn giả chẳng những truyền thông bằng lời nói và giọng nói mà còn bằng cử chỉ (điệu bộ). Hội chúng quan sát mục sư khi họ lắng nghe Lời Chúa. Đôi khi cử chỉ của diễn giả nói rõ hơn là lời nói của diễn giả.
Đó được gọi là ngôn ngữ “không lời”. Ta chuyên chở một sứ điệp bằng những cử chỉ và cung cách hành động của mình. Theo một sự nghiên cứu, chỉ có bảy phần trăm ấn tượng là đến từ những gì diễn giả nói ra. Ba mươi tám phần trăm là từ giọng nói của diễn giả, trong khi đó năm mươi lăm phần trăm hiệu quả của diễn giả là từ gương mặt diễn cảm của diễn giả. Nói cách khác sự diễn cảm trên gương mặt diễn giả là vô cùng quan trọng. [216] Kauffman, tr. 148- 149.

Kauffman giải thích tiếp: trong khi nghe diễn giả giảng, thính giả đồng thời cũng quan sát diễn giả. Cử chỉ và gương mặt diễn giả còn nói lớn hơn và nhiều hơn lời nói của diễn giả. Một diễn giả có thể nói rằng: “Đây là một sứ điệp quan trọng từ Đức Chúa Trời” nhưng nếu người đó ban phát sứ điệp một cách buồn chán và hành vi cử chỉ người đó không mang nội dung của sứ điệp, thì người nghe sẽ tin nơi cử chỉ của diễn giả hơn là lời nói của diễn giả. [217] Sách đã dẫn, tr. 149.

Nguyên nhân thất bại trong việc truyền đạt Lời Chúa

Có nhiều nguyên nhân:
I. NGƯỜI TRUYỀN ĐẠO KHÔNG CÓ ĐỜI SỐNG DƯỠNG LINH ĐÚNG MỨC
Không có thì giờ ở riêng với Chúa để học Lời Ngài và tương giao với Ngài chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến người chăn bầy thất bại trong việc ban phát Lời Chúa. Jame Clarke nói: “Tôi tin chắc rằng nền tảng của sự giảng dạy là là đặt trên đời sống dưỡng linh của người truyền đạo. Điều này không có nghĩa là những ân tứ, cá tính, kiến thức thần học, sự nghiên cứu học hỏi, và sự tập luyện nói trước công chúng là chẳng quan trọng. Nhưng có nghĩa là cho dù một người có được các điều kể trên mà không có đời sống dưỡng linh đầy đủ, người đó cũng không thể trở thành một nhà truyền đạo thành công”. [218] Jame W. Clarke, Dynamic Preaching (Westwood: Fleming H. Revelle Comp., 1960), tr. 93.

Chúa Giê-xu khẳng định: “Hãy cứ ở trong Ta thì Ta sẽ ở trong các ngươi ” (GiGa 15:4). Vấn đề quan trọng ở đây là nếu chúng ta cứ ở trong Chúa (có đời sống ở riêng ở riêng với Chúa và tương giao với Ngài) thì Ngài sẽ ở trong chúng ta. Chúa nhấn mạnh đến bổn phận của người hầu việc Chúa là phải tiếp tục ở trong Ngài. Nếu chúng ta cứ ở trong Chúa thì Ngài sẽ luôn ở trong chúng ta. Điều này là chắc chắn không còn nghi ngờ gì cả. Chúa biết các môn đệ mang lấy bản tánh xác thịt yếu đuối và có thể không còn ở trong Ngài. Tại đây Chúa nhắc nhở chúng ta nếu muốn cho sự truyền đạt Lời Chúa có hiệu quả, chúng ta phải ở trongChúa, tức là có đời sống dưỡng linh đúng mức. Chúa hứa: “Hãy cứ ở trong Ta, thì Ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho thì tự mình không kết quả được; cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta, thì cũng không kết quả được ” (GiGa 15:4).
Ngày nay có nhiều người thất bại trong việc truyền đạt bài giảng là do nguyên nhân này. Khi ta không có đời sống ở riêng với Chúa mà đứng lên giảng dạy thì có nghĩa là ta đang giả bộ mang sứ điệp của Đức Chúa đến cho dân Ngài. Đó là sứ điệp của chúng ta chớ không phải của Chúa. Sứ điệp đó là sự ngụy tạo của chúng ta chớ không phải đến từ ngôi cao đời đời của Đức Chúa Trời. Một người như thế đã bị thất bại trong sự truyền đạt Lời Đức Chúa Trời cho dù sự giảng dạy đó chứa đầy nghệ thuật nói trước công chúng.
II. NGƯỜI TRUYỀN ĐẠO BỊ CÁM DỖ ĐỂ NGHĨ RẰNG KHI LỜI CHÚA ĐƯỢC RAO GIẢNG THÌ TỰ NHIÊN HỘI CHÚNG PHẢI TIẾP NHẬN
McNeil nói rằng: “Lỗi lầm lớn nhất trong sự giảng dạy của người truyền đạo ngày nay là cho rằng những lời mình rao giảng ra hội chúng sẽ nghe, hiểu và công nhận đó là phúc âm”. [219] Jesse J. McNeil, The Preacher-Prophet in Mass Society (Grand Rapids: Wm. B. Eerdmans Publishing Comp., 1961), tr. 40.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao hội chúng không đón nhận Lời Chúa do người truyền đạo rao giảng? Có nhiều lý do:
(1)- Sứ điệp không thích hợp với nhu cầu người nghe
Sự quan tâm lớn nhất của con người ngày nay là sự hiện hữu của họ. Con người muốn tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề như: Loài người từ đâu mà có? Tại sao họ hiện hữu? Cách nào để sống có ý nghĩa cho đời này và đời sau? Nhưng hội chúng chỉ nghe các diễn giả hoàn toàn chỉ giảng về đời sau mà không có chút gì liên quan đến cuộc sống hiện tại của họ. Hằng tuần con dân Chúa đến thờ phượng, họ ao ước được nghe diễn giả ứng dụng Lời Chúa cho cuộc sống hiện tại và những nan đề trong cuộc sống của họ đang gặp phải, nhưng chỉ nghe toàn là “chuyện đời sau”. Thính giả “ăn cơm dưới đất mà bắt ngồi nghe toàn là chuyện trên trời”. Một sứ điệp như thế là không thích hợp với nhu cầu người nghe. Thính giả chẳng những cần biết chuyện trên trời mà còn cần biết chuyện dưới đất. Hội chúng phải biết làm sao để có thể sống cuộc đời đầy ý nghĩa ngay lúc còn ở dưới đất này.
Một sứ điệp không thích hợp với nhu cầu người nghe thì sẽ trở thành lời ru ngủ cho thính giả. Một sứ điệp như thế sẽ trở thành viên thuốc ngủ cho người nghe. Warns nói: “Dĩ nhiên thính giả không đến đỗi phải ngủ ngáy to tiếng, cũng không phải ngủ gật (dù đôi khi cũng có) nhưng là ngủ trong tâm trí. Thính giả ngồi đó nghe giảng nhưng tâm trí đi lang thang đâu đó chớ không có để ý đến bài giảng”. [220] Halford E. Luccock, Communicating the Gospel (New York: Harper and Brothers Publishers,1953), tr. 125.

Ta nên theo gương Chúa Giê-xu để rao giảng những sứ điệp thích nghi. Chúa Cứu Thế tùy tiện thích nghi các lời dạy của Ngài cho từng giới, từng trình độ, từng hoàn cảnh người nghe. Đọc các sách phúc âm ta thấy Chúa Giê-xu “nói đến người gieo giống, người thợ gặt ở đồng áng, người trồng nho, người công nhân đang thất nghiệp ở ngã ba đường. Cỏ lát giữa đồng lúa. Ghe thuyền, lưới đánh cá. Bão tố đe dọa ngư ông. Bột và men. Muối và đất. Tổ chim hang chồn. Chim sẻ, bồ câu, diều hâu, rắn, bò cạp. Mục tử, chiên, chiên con. Đám cưới, đám tang. Cảnh huy hoàng của vua chúa và cảnh đói rách của bần nhân, người mồ côi, góa bụa, bị tù đày đàn áp, bóc lột. Kẻ giả hình, bịp bợm kiêu căng và người chân thật. Đứa con nề nếp và đứa con phung phá. Người rất đạo đức và kẻ đàng điếm, tội lỗi. Bọn giả hình và người ăn trộm. Lũ cướp bóc. Cửa hẹp và cửa rộng. Nhà giàu và nhà nghèo. Không thể kể hết được và gần như vô số sự kiện, hiện tượng, sự việc, đồ vật, cảnh trí thiên nhiên lẫn nhân sinh”. [221] Việt X. Hoàng và Tuyên Đ. Nguyễn, Tòa Giảng Năm 2000: Nghệ Thuật Nghe và Giảng Lời Chúa (không ghi ngày và nhà xuất bản), tr. 33.

Vai trò của Thánh Linh Trong công tác rao giảng Lời Chúa Người hầu việc Chúa nên nhận biết rằng sứ điệp mà người giảng ra chính là sứ điệp của Đức Chúa Trời cho con người. Nó là sứ điệp thiêng thượng. Nhà truyền đạo muốn cho sứ điệp đó mang phước hạnh đến cho con người, thì ngoài nghệ thuật nói trước công chúng, diễn giả trước hết phải nhờ quyền năng Thánh Linh để công bố sứ điệp ấy.
Nếu không có sự giúp đỡ từ trên cao, diễn giả không làm được gì. Sứ điệp của người chỉ giống như “đồng kêu lên hay chập chõa vang tiếng” mà thôi. Đức Chúa Trời, do tình yêu và ân sủng, đã cung cấp cho nhà truyền đạo Đấng quyền năng là Chúa Thánh Linh để sứ điệp đó có thể mang phước hạnh đến cho nhiều người.
I. CÁCH THÁNH LINH GIÚP NHÀ TRUYỀN ĐẠO TRUYỀN THÔNG SỨ ĐIỆP
Theo Whitesell, Thánh Linh có thể giúp cho nhà truyền đạo truyền thông sứ điệp có hiệu quả qua những phương cách sau:
1. Thánh Linh giúp nhà truyền đạo tìm những đề tài và phân đoạn Thánh Kinh thích hợp để giảng cho hội chúng.
2. Thánh Linh giúp nhà truyền đạo trong việc chọn lựa thí dụ minh họa, sử dụng tài liệu thích hợp, và nhắc người nhớ lại các phần Thánh Kinh liên hệ.
3. Thánh Linh hướng dẫn ý tưởng của diễn giả trong khi viết ra bài giảng để giảng.
4. Thánh Linh giúp cho diễn giả sửa đổi bài giảng cho đến khi hoàn chỉnh.
5. Thánh Linh ban cho diễn giả sự tự tin khi đứng lên giảng Lời Ngài.
6. Trong lúc giảng, Thánh Linh hướng dẫn tâm trí diễn giả để ban cho người ý tưởng mới, và giúp người quên hoặc bỏ đi những phần tài liệu không cần thiết.
7. Thánh Linh ứng dụng sứ điệp cho người nghe.
8. Thánh Linh giúp thính giả chú ý lắng nghe sứ điệp Thánh Kinh do diễn giả rao giảng.
9. Thánh Linh cáo trách thính giả về tội lỗi, sự công bình, và sự phán xét.
Đồng thời ban cho thính giả đức tin để tiếp nhận Lời Chúa.
10. Thánh Linh đặt Lời Đức Chúa Trời trong tâm trí và tấm lòng người nghe, đồng thời khiến cho Lời Chúa sanh bông trái trong họ. [222] Faris D. Whitesell, Evangelistic Preaching and the Old Testament (Chicago: Moody Press, 1947),tr. 84- 85.

Tuy nhiên, Zuck nhắc nhỡ các diễn giả là:

Top