Chúa Giê-xu đã áp dụng phương pháp này để chinh phục thính giả. Lúc ấy, có mấy người ở đó thuật cho Đức Chúa Giê-xu nghe về việc Phi-lát giết mấy người Ga-li-lê, lấy huyết trộn lộn với của lễ họ. Đức Chúa Giê-xu cất tiếng đáp rằng:
Các ngươi tưởng mấy người đó vì chịu khốn nạn dường ấy có tội lỗi trọng hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải; song nếu các ngươi chẳng ăn năn thì hết thảy sẽ bị hư mất như vậy. Hay là mười tám người bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đè chết kia, các ngươi tưởng họ có tội lỗi trọng hơn mọi kẻ khác ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Ta nói cùng các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn, thì hết thảy cũng sẽ bị hư mất như vậy (LuLc 13:1-5).
(8) Mở đầu bằng một thí dụ minh họa
Nhiều diễn giả thích mở dầu bài giảng của mình bằng một thí dụ minh họa. Lối nhập đề này dễ thu hút thính giả, nhất là thính giả chưa biết nhiều về diễn giả.
(9)    Dẫn vài câu thơ hoặc câu văn
Khi giảng về lễ mẹ, lễ cha, lễ hôn nhân, gia đình, ta nên mở đầu bằng việc trích dẫn vài câu thơ hoặc ca dao.
3. Điều nên tránh khi nhập đề
Tránh nhập đề quá đột ngột sinh ra cộc lốc. Thí dụ: “Tuần rồi, chúng ta học về gương tổ phụ … kỳ này ta học tiếp …[147] Lee, tr 60

Tránh quá hấp tấp làm cho thính giả lãnh hội không kịp. Ví dụ, giảng về Mari và Ma-thê trong Mat Mt 10:36-42 mà nhập đề như vầy là quá hấp tấp: “Ở riêng với Chúa là một phước hạnh lớn của Cơ Đốc Nhân”. Hoặc giảng về Đức Tin và Lý Trí trong HeDt 11:1-40, “Đức tin vượt trên lý trí và làm thầy lý trí …”.[148] Lee, tr 60

Đừng quá dài. Một bài giảng 20 phút, phần nhập đề khoảng 3 phút là tốt nhất.
Một bài giảng khoảng 30 phút, phần nhập đề 5 phút. Một diễn giả kia đã nhập đề bài giảng quá dài, không còn thì giờ cho phần thân bài và kết luận nên một thính giả phê bình: “Ông ấy đã đặt nền cho một tòa nhà chọc trời, nhưng ông đã xây một chuồng gà trên đó”. [149] Lee, tr 60

4. Những điều nên theo khi làm nhập đề.
Nhập đề cần được chuẩn bị cẩn thận và trình bày khéo léo. Ít phút đầu của một bài giảng là rất quan trọng cho nên nó đáng cho ta dành hết sức để chuẩn bị và trình bày.
Nhập đề cần phải phù hợp với bài giảng. Mỗi một lời mở đầu cần được đặt biệt phù hợp với bài giảng để hoàn thành mục đích của nó một cách tốt nhất.
Nhập đề cần mang tính đặc trưng. Nó phải được nghiêm nhặt bao gồm tất cả điều gì làm trọn mục đích của nó và phải loại trừ tất cả những gì không nhắm vào mục đích của nó.
Nhập đề cần phải đơn giản. Nó cần phải có một tiến trình tiệm tiến từ những ý tưởng đơn giản trong phần giới thiệu đến những quan niệm phức tạp hơn của phần thân bài. Nếu ta có nhiều tư tưởng, quan niệm quá sâu xa, hoặc ngôn ngữ quá thiên về kỷ thuật chuyên biệt có thể làm cho phần nhập đề không đạt được mục đích của nó.
Nhập đề cần phải đa dạng. Ta không nên áp dụng chỉ một cách nhập đề cho bài giảng, nhưng nên thay đổi nó hằng tuần. Tuần này ta mở đầu bài giảng bằng một câu chuyện, tuần sau ta mở đầu bài giảng bằng cách đặt câu hỏi, tuần khác ta mở đầu bài giảng qua việc kể lại kinh nghiệm bản thân …
Nhập đề cần phải thực tế. Trong lời mở đầu ta không nên hứa hẹn nhiều hơn hoặc ít hơn về nội dung và lợi ích mà thực sự bài giảng có thể làm trọn được. Ta phải cẩn thận trong cách dùng các câu nói phóng đại quá đáng hoặc các câu nói quá yếu hay quá khiêm nhường trong phần giới thiệu.
Nhập đề cần được trình bày với những cảm xúc thích hợp. Ta cần giới thiệu bài giảng với giọng nói mang tính cách thuộc linh và cảm xúc phù hợp với bài giảng. Giọng nói của ta có thể phản ảnh sự nhiệt thành, sự nghiêm trang, nỗi vui mừng, lòng trắc ẩn hoặc những cảm xúc khác.
II. KẾT LUẬN.
Viên phi công đã bay được hai mươi lăm phút, rồi một giờ, rồi hai giờ, rồi bốn giờ. Viên phi công chẳng có ý định sẽ bay mãi mãi trên không. Khi đến nơi đã định, thì viên phi công phải đáp xuống. Chúng ta là những hành khách trên máy bay, ta muốn viên phi công hạ cánh từ từ, nhẹ nhàng, và an toàn. Chúng ta không muốn người đáp cách vội vã, làm xóc nảy lên dữ dội khi máy bay chạm vào mặt đường, và điều quan trọng là ta không muốn máy bay bị rơi.
Thính giả của chúng ta cũng muốn có được cảm giác an toàn đó khi họ cùng đi với chúng ta trong suốt bài giảng. Họ biết bài giảng ta sắp kết thúc. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Bài giảng đó sẽ được kết thúc thế nào? Do đó, đối với người giảng Lời Chúa, chẳng những phần mở đầu là quan trọng, mà phần kết luận cũng quan trọng không kém, nếu không nói là quan trọng nhất trong bài giảng. [150]

Spann, tr. 273- 274.

Thật vậy, trong một bài giảng, phần quan trọng nhất là kết luận. Nhập đề là dẫn người nghe đến chổ thích nghe những gì người giảng sắp trình bày. Kết luận là dẫn thính giả đến quyết định làm theo những gì diễn giả đã trình bày. Kết luận là cơ hội tốt nhất và cuối cùng để làm trọn mục đích của bài giảng. Bỏ qua sự chuẩn bị và trình bày phần kết luận trong tinh thần cầu nguyện cũng giống như một nông dân cặm cụi làm cả năm rồi lại thờ ơ lãnh đạm với mùa thâu hoạch. [151] Moon, pp 182-183.

1. Mục đích của lời kết luận.
Thứ nhất, mục đích của lời kết luận là kết luận. Người giảng phải đem ý chính của bài giảng tóm tắt lại cho thính giả rồi kết thúc. Một Chúa Nhật nọ, trên đường về nhà, người cha hỏi cậu con trai mười tuổi của mình đã nghĩ thế nào về vị mục sư mới đổi tới. Cậu con đáp: “Con thích vị mục sư mới nhiều hơn vị mục sư cũ”. Người cha nói: “Tại sao con thích vị mục sư mới này nhiều hơn?” Cậu con giải thích: “Bởi vì ông mục sư mới này khi nói: ‘Để kết luận’, thì ông kết luận liền. Còn vị mục sư cũ khi nói: ‘Sau hết’, thì một hồi lâu lại nói: ‘Sau hết’, rồi lại nói: ‘Sau hết’ mà không bao giờ chịu chấm hết!”
Thứ hai, mục đích của lời kết luận là khuyến khích thính giả hành động. Linh mục Massillon, một nhà hùng biện Pháp hồi thế kỷ 17 nói: “Một linh mục có tài giảng đạo khi nào các tín đồ nghe giảng, lặng lẽ ra khỏi nhà thờ và tự nhủ: Tôi sẽ hành động như cha đã giảng”. Ông có tài khêu gợi trí hoạt động của thính giả, cho nên khi nghe ông giảng đạo xong, vua Louis 14 khen: “Trẫm đã được nghe nhiều nhà hùng biện và đã thấy mến họ, nhưng khi nghe cha giảng thì trẫm thấy bất mãn về mọi hành vi của trẫm”. Nghĩa là nhà vua nhận rằng nghe giảng xong, người muốn tu thân sửa mình, muốn hăng hái hoạt động. [152] Lê Hiến Nguyễn, Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng, tr. 94.

Dưới đây là nhiều cách kết luận khác nhau:
a. Lập lại bản văn
Theo T. Harwood Pattison, lời kết luận hiệu quả là khi nó được xây dựng trên nền tảng Thánh Kinh. [153] T. Harwood Pattison, The Making of the Sermon for the Classroom and the Study (Philadenphia:
The American Baptist Publication Society, 1941), p.180.

D. L. Moody khi giảng Lu-ca 18, ông dùng câu 13 như là câu gốc, “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy tôi, vì tôi là kẻ có tội”. Trong phần kết luận ông lặp lại câu Thánh Kinh đó nhiều lần để nhấn mạnh:
Hỡi bạn là tội nhân, nếu bạn xin Đức Chúa Trời thương xót bạn thì hãy cầu khẩn Ngài tha thứ mặc dù cuộc sống bạn không tốt. Bạn hãy cầu xin Chúa thương xót, Ngài sẽ trả lời bạn ngay. Ước mong mỗi linh hồn hư mất trong đền thờ tối nay đều cầu nguyện: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy con, vì con là kẻ có tội”. Trong giờ này, bạn có muốn được Đức Chúa Trời thương xót không? Hỡi bạn là thanh niên, bạn có cầu xin với Ngài tối nay không? Bạn là thiếu nữ có muốn kêu xin với Chúa tối nay: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy con, vì con là kẻ có tội” hay không? Nguyện tình yêu Đức Chúa Trời làm tan vỡ lòng mỗi chúng ta tại đây tối nay, và nguyện mỗi người đều đến kêu xin với Chúa: “Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót lấy con, vì con là kẻ có tội”. [154] L. T. Remlap, ed., The Gospel Awakening (Chicago: Alexander McConnell, 1879), p.508.

Bất cứ lúc nào lời Đức Chúa Trời được trích dẫn, nó luôn là khí cụ đầy quyền năng và kết quả. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ xác nhận: “… Lời Đức Chúa Trời là Lời sống và linh nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào, đến đỗi chia hồn, linh, cốt tủy, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng” (HeDt 4:12). Đức Chúa Trời bảo đảm với dân Ngài là Lời Ngài gieo ra luôn luôn kết quả, và sinh sôi nẩy nở không ngừng ở bất luận môi trường nào (EsIs 55:11).
Với lòng tin quyết này, diễn giả có thể lặp lại bản văn với lòng tự tin. Phương pháp này giúp để nhắc cho Hội thánh về ý chính của sứ điệp và thúc giục họ hành động.
b. Tóm tắt ý chính của bài giảng.
Khi áp dụng phương pháp này, ta nhớ là chỉ tóm lại ý chính của bài giảng chớ không phải giảng thêm bài thứ hai. Môi-se, trong bài giảng ở Phục-truyền luật-lệ ký 11 về sự phước lành và sự rủa sả, ông đã kết luận theo lối này:
Kìa, ngày nay ta đặt trước mặt các ngươi sự phước lành và sự rủa sả: sự phước lành, nếu các ngươi nghe theo các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, mà ta truyền cho ngày nay; sự rủa sả, nếu các ngươi không nghe theo các điều răn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi, nhưng xây bỏ đường ta chỉ cho ngày nay, đặng đi theo các thần khác mà các ngươi không hề biết (PhuDnl 11:26-28).
c. Dùng thí dụ
Một thí dụ tốt sẽ giúp ta có một kết luận tốt. Một thí dụ gồm tóm tất cả những gì ta đã nói sẽ giúp thính giả nhìn thấy Lời Chúa thật sống động trong đời sống thực tế.
Nhiều nhà truyền đạo lừng danh đã dùng thí dụ để kết luận bài giảng. Henry A. Ironside là bậc thầy trong việc dùng thí dụ để kết luận bài giảng. D. L. Moody cũng áp dụng phương pháp này. Wilbur Smith viết: “Trong thế kỷ 19 không có nhà truyền đạo danh tiếng nào dùng thí dụ thường xuyên và có hiệu quả cho bằng Dwight L. Moody”. [155] Wilbur M. Smith, ed., The Best of D. L. Moody (Chicago: Moody Press, 1971), p.16.

Tuy nhiên, có thể nói diễn giả bật nhất trong việc dùng thí dụ phải là Chúa Giê-xu. Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-xu kết thúc bằng thí dụ này:
Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá. Kẻ nào nghe lời ta phán đây, mà không làm theo, khác nào như người dại cất nhà mình trên cát. Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy, thì bị sập, hư hại rất nhiều (Mat Mt 7:24-27).
d. Dẫn lời danh nhân hoặc lời Thánh Kinh.
Glenn O’Neal gợi ý bốn nguồn để trích dẫn:
(1) Ta có thể trích dẫn những lời của các nhân vật danh tiếng như là các nhà lãnh tụ tôn giáo, chính trị, hoặc nhà cải cách xã hội.
(2) Ta có thể trích dẫn những lời của các nhân vật vô danh đã đề cập nhiều điểm hệ trọng liên quan đến đề tài.
(3) Ta có thể trích dẫn ngay cả những lời hay giáo lý của người chống đối hoặc không cùng quan điểm của đề tài để thách đố hội chúng.
(4) Ta cũng có thể kết luận bằng cách trích dẫn lời của những nhân vật hoặc tác giả Thánh Kinh. Tuy nhiên, ta phải để ý các lời trích dẫn phải thích hợp với đề tài và không quá dài.
Charles Koller đã kết kết luận bài giảng “Living With Your Frustration” bằng cách trích dẫn lời EsIs 40:31 “Nhưng ai trông đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi”.
e. Dẫn bài thơ hoặc bài thánh ca
Ta có thể kết luận bằng trích một đoạn thơ hay để làm cho thính giả thích thú.
Nếu giảng về sự tiền định biết trước, ta nên kết thúc bằng các câu thơ của thi hào Nguyễn Du:
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
f. Áp dụng

Top