1. Xem qua cấu trúc văn phạm của câu
Câu văn là một tập hợp chữ, tạo thành nghĩa đầy đủ. Danh từ là tiếng dùng để gọi tên một người hay một vật. Trong khi động tự là tiếng diễn tả một điều gì, thường là một hành động về một người, một nơi hay một vật. Bản văn ta đang nghiên cứu ICo1Cr 14:18-19, có viết: “… thà tôi lấy năm lời bằng trí khôn mà rao giảng trong Hội Thánh để được dạy bảo kẻ khác… ” Trong câu này từ “để ” biểu lộ lý do tác giả muốn dùng ngôn ngữ mọi người có thể hiểu được: Để dạy dỗ kẻ khác.
2. Quan sát các từ nối kết ( liên từ) trong câu
Để ý các từ: và, nhưng, bởi vậy, cho nên… Những từ này nối kết các từ hay câu lại với nhau, ảnh hưởng tới ý nghĩa của câu. Trong bản văn 14:18-19, tác giả bắt đầu câu văn thứ nhì bằng từ “nhưng ” để bày tỏ ý nghĩa tương phản với câu văn thứ nhất.
III. NGHIÊN CỨU NHỮNG ĐOẠN VĂN ( PARAGRAPHS) CỦA BẢN VĂN.
1. Định rõ nội dung của đoạn văn
Nhiều từ tập hợp thành một câu, nhiều câu tạo thành một đoạn văn. Đoạn văn thường bắt đầu với một ý mới trong bản văn. Để nhận ra những đoạn văn ta nên nhớ:
a. Một câu mới không nhất thiết luôn là một đoạn văn mới
Các bản thảo nguyên văn Thánh Kinh không có chia chương, câu. Những phân chia ta thấy trong các bản dịch sau này là để cho dễ đọc và dễ nghiên cứu. Vì vậy, các câu có thể hoặc không thể bắt đầu với một ý mới trong bản văn.
b. Thể loại văn cũng ảnh hưởng tới cấu trúc của đoạn văn
Trong bài trước ta biết Thánh Kinh được viết với nhiều loại văn khác nhau như: thư tín, thi phú, ký thuật, châm biếm, cách ngôn… chẳng hạn I Cô-rinh-tô thuộc thể văn thư tín. Nhưng thể văn thư tín ngày xưa khác với thể văn thư tín ngày nay, và cách thành lập đoạn văn cũng không giống nhau. Vì thế, ta cần để ý xem đoạn văn bắt đầu ở đâu.
2. Quyết định sứ điệp của bản văn
Sứ điệp của một đoạn văn ủng hộ cho toàn thể chủ đề của bản văn. Thí dụ 14:18-19 làm thành một ý tưởng mới ủng hộ cho lý lẽ của tác giả rằng, trong Hội Thánh chỉ nên nói những lời cho người khác hiểu được, chớ không nên nói những lời bằng ngôn ngữ không ai hiểu được. Đoạn văn đứng trước gồm các câu 13-17 là những minh họa về việc nói những ngôn ngữ không ai hiểu được. Các câu 18-19 bày tỏ về kinh nghiệm riêng của tác giả không hề nói tiếng lạ trong Hội Thánh để tránh người khác hiểu lầm. Đoạn văn kế tiếp trong các câu 20-21 là lời thách thức độc giả hãy trở nên người trưởng thành về phương diện này.
Một khi ta định rõ được nội dung của toàn thể bản văn, thì sẽ không khó để quyết định sứ điệp của từng đoạn văn.
IV. NGHIÊN CỨU CẢ SÁCH ( BOOK) CỦA BẢN VĂN.
1. Đọc qua cả sách
Nếu có thể được, ta nên đọc qua toàn sách một lần. Điều này sẽ giúp ta nắm được tổng quan của cả sách, và giúp ích rất nhiều cho ta trong việc thông giải. Chẳng hạn ta đọc cả thư I Cô-rinh-tô, sẽ biết Hội Thánh tại đó đang gặp phải nhiều vấn đề, và một trong các vấn đề đó là việc “nói tiếng lạ ”. Hơn nữa cả thư I Cô-rinh-tô còn cho biết căn nguyên của những vấn đề này là do sự kiêu hãnh và thiếu tình yêu thương anh chị em (chương 8-13). Sự hiểu biết này sẽ giúp ta rất nhiều trong việc thông giải lời Chúa.
2. Tìm biết ai là tác giả
Phần lớn các sách trong Thánh Kinh đều cho biết ai là tác giả của sách đó. Chẳng hạn đọc (1:1), ta biết Phao-lô là tác giả của thư tín này. Tuy nhiên ở nhiều sách khác, ta không biết tác giả là ai vì người viết không đề cập đến. Trong trường hợp đó, ta nên tham khảo các sách giải nghĩa Thánh Kinh.
3. Tìm biết độc giả hay người nhận ( recipient -s)
Giống như trên, hầu hết các sách đều nêu rõ người nhận. Chẳng hạn ta đọc (1:2), sẽ biết người nhận thư tín này là các tín hữu tại Hội Thánh Côrinh- tô.
4. Định rõ mục đích của sách
Đọc cách sách trong Thánh Kinh, ta thấy tác giả đôi khi nói rõ ràng mục đích, đôi khi không nói rõ mà chỉ đề cập cách ngụ ý. Đọc I Cô-rinh-tô ta thấy Phao-lô nêu rõ mục đích: “… bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh” (1:11); và “Luận đến các điều hỏi trong thơ anh em…” (7:1). Phaolô được người nhà Cơ-lô-ê cho biết Hội Thánh Cô-rinh-tô có sự tranh chấp nhau về nhiều vấn đề, mà một trong các vấn đề đó là việc nói tiếng lạ, nên ông viết thư I Cô-rinh-tô để giải thích về việc sử dụng ân tứ đó. Tuy nhiên, trong trường hợp không biết được mục đích của tác giả, ta nên tham khảo sách giải nghĩa Thánh Kinh.
V. NGHIÊN CỨU SỰ TƯƠNG QUAN ( CORRELATION) CỦA BẢN VĂN.
Mặc dù Thánh Kinh do nhiều người viết nhưng chỉ có một tác giả là Đức Chúa Trời. Vì vậy các sách trong Thánh Kinh không hề mâu thuẫn nhưng luôn phù hợp với nhau. Điều này có nghĩa là người nghiên cứu Thánh Kinh nên so sánh các phân đoạn Thánh Kinh có tương quan nhau để tìm ra lẽ thật chính yếu của Thánh Kinh. Đức Chúa Trời không mặc khải về chính Ngài và kế hoạch của Ngài một lần, mà là nhiều lần trong nhiều cách và thời gian khác nhau. Vậy ta nên lấy phần Thánh Kinh này làm bối cảnh, hầu có thể hiểu phần Thánh Kinh khác.
1. Nghiên cứu các bản văn có tương quan với nhau
a. So sánh nội dung của các bản văn liên hệ
Ta nên nghiên cứu các câu Thánh Kinh liên hệ với nhau trong Thánh Kinh tự điển, Thánh Kinh phù dẫn hoặc sách giải nghĩa Thánh Kinh để giúp cho việc học Lời Chúa của mình. Ví dụ ta muốn tìm biết các phân đoạn Thánh Kinh đề cập về vấn đề nói tiếng lạ, thì những câu trong (Cong Cv 2:1,&nbsp4-6). giúp ta rất nhiều trong việc tìm hiểu về vấn đề này.
b. So sánh thời gian của các bản văn liên hệ
Nhờ vào các sách giải nghĩa Thánh Kinh, ta biết sách Công-vụ các sứ-đồ được viết trước thư I Cô-rinh-tô khoảng 25 năm. Và vì việc nói tiếng lạ trong Công-vụ các sứ-đồ 2 xảy ra trước tiên, nên phần Thánh Kinh này định rõ mục đích của việc nói tiếng lạ chớ không phải ở thư I Cô-rinh-tô.
2. Áp dụng sự dạy dỗ của Lời Chúa
a. Định rõ những nguyên tắc dạy dỗ của bản văn
Như đã đề cập ở trên, việc nói tiếng lạ trong Công-vụ các sứ-đồ xảy ra trước hơn ở I Cô-rinh-tô. Nếu nghiên cứu thêm về hiện tượng “nói tiếng lạ”, ta thấy Công-vụ các sứ-đồ chương 2 ghi chép đầu tiên về biến cố này. Vì thế, mục đích nguyên thủy của việc nói tiếng lạ đã bày tỏ trong Công-vụ các sứ-đồ chương 2 là “để truyền đạt sứ điệp cho người khác bằng ngôn ngữ của họ”.
Sau đó, các tín hữu tại Cô-rinh-tô đã tỏ ra quá lạm dụng việc nói tiếng lạ, nên Phao-lô viết thư này để sửa lại những sai lầm đó. Lời dạy của Phao-lô trong I Côrinh- tô 14 về tiếng lạ phù hợp với mục đích nguyên thủy của việc nói tiếng lạ trong Công-vụ các sứ-đồ chương 2. Đó là lý do Phao-lô lập lại nhiều lần từ ngữ “gây dựng người khác, ” hoặc “gây dựng Hội Thánh”. Cho nên, nguyên tắc về sự gây dụng người khác được dạy rõ trong ICo1Cr 14:4-5, “Kẻ nói tiếng lạ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội Thánh. Tôi ước ao anh em đều nói tiếng lạ cả, song tôi còn ước ao hơn nữa là anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri là trọng hơn kẻ nói tiếng lạ mà không giải nghĩa để cho Hội Thánh được gây dựng ”.
b. Áp dụng các nguyên tắc dạy dỗ vào đời sống
Qua sự nghiên cứu về vấn đề tiếng lạ trong ICo1Cr 14:18-19 và các phần Thánh Kinh liên hệ, ta rút ra được những nguyên tắc dạy dỗ để áp dụng vào đời sống như sau: Các hành động dẫn đến sự trực tiếp gây dựng người khác phải là vấn đề quan tâm hàng đầu trong Hội Thánh. Sự giảng, dạy lời Chúa, hát ngợi khen Chúa… phải được thực hiện để gây dựng người khác chớ không phải gây dựng lấy mình. Đối với những người trực tiếp tham dự vào những công tác này, thì sự dạy dỗ đã rõ ràng. Còn đối với những người chỉ gián tiếp tham dự vào, như người lo việc tiếp tân, người giữ trẻ, người trông coi nhà thờ… thì nguyên tắc dạy dỗ cũng được tỏ bày, là nhờ các việc ấy cũng gián tiếp gây dựng người khác (ICo1Cr 12:1-31).Bước 3: TÌM Ý LUẬN GIẢI

Một đứa bé sinh thiếu tháng là một hài nhi được sinh ra trước khi chưa làm xong sự chuẩn bị. Thực sự này cũng đúng với những bài giảng. Một bài giảng thiếu tháng là bài giảng được đem ra giảng trước khi hoàn tất sự chuẩn bị. Một đứa trẻ không phải được thai nghén, phát triển, và sinh ra trong một đêm. Cũng vậy, bài giảng không thể được thai nghén và đem ra giảng sau một đêm.
Billy Graham đã dâng trọn cuộc đời cho thiên chức giảng Phúc âm, có lần nói rằng: “Nếu tôi có thể bắt đầu lại chức vụ, tôi sẽ sử dụng nhiều thì giờ hơn cho việc nghiên cứu và ít thì giờ hơn cho việc giảng dạy”.
Nếu việc chuẩn bị bài giảng cần nhiều thì giờ, thì người giảng Lời Chúa phải dành ra phần lớn thời gian để nghiên cứu Thánh Kinh. Người không thể giảng theo lối giải kinh cho đến khi người hiểu được phân đoạn Thánh Kinh mình muốn giảng nói gì. Do đó, để trình bày Lời Chúa cách chính xác, điều ta cần làm là tìm ý luận giải.
I. ĐỊNH NGHĨA: “ Ý LUẬN GIẢI” ( EXEGETICAL IDEA).
Để biết thế nào là ý luận giải ta sẽ lần lượt phân tích
(1) ý tưởng (idea),
(2) sự luận giải (exegesis), và
(3) ý luận giải (exegetical idea).
1. Ý tưởng ( Idea)
Theo Robinson, ý tưởng là sự tinh túy của đời sống. Từ những tiểu tiết trong đời sống, nó phân tách những thứ có chung trong đó và liên hệ chúng với nhau. [69] Sách đã dẫn, tr. 39.

Robinson giải thích: Một em bé cầu nguyện cho buổi ăn sáng thì tạ ơn Chúa về sữa, món ngũ cốc, nước cam, trứng, bánh mì, bơ, và thạch (jelly); nhưng người lớn kết hợp tất cả những thứ riêng biệt này bằng một từ đơn là thức ăn. Năng lực để phân tách và tổng hợp, tức là năng lực để tư duy bằng những ý tưởng, phát triển cùng với sự trưởng thành. [70] Sách đã dẫn, tr. 39.

Một người chỉ có thể phát ngôn có hiệu quả là khi người biết xây dựng sứ điệp của mình quanh một ý tưởng rõ nét. Đôi khi ta thật khó khăn để diễn đạt những ý tưởng. Những ý tưởng cứ ẩn nấp trong sâu kín của tâm trí ta giống như bóng ma khó nắm bắt được. Ta nói: “Tôi biết mình muốn nói ý gì, chỉ có điều không thể diễn tả thành lời được”. Dầu khó diễn tả ý tưởng thành lời, người giảng vẫn phải thực hiện điều đó. Nếu những ý tưởng chẳng diễn đạt được thành lời, ta không thể hiểu, chẳng thể đánh giá hoặc truyền đạt chúng. Nếu ta không chịu-hoặc không thể-suy nghĩ cho rõ ràng thông suốt để nói ra chính những điều mình muốn nói, thì ta chẳng có việc gì để làm trên tòa giảng cả. Ta giống như ca sĩ không biết hát, một diễn viên chẳng biết diễn hoặc một nhân viên kế toán không biết làm phép cộng. [71] Sách đã dẫn, tr. 40-41.

2. Sự luận giải ( exegesis)
Sự luận giải (exegesis) là sự khéo léo áp dụng những nguyên tắc giải kinh vào phân đoạn Thánh Kinh đang nghiên cứu trong nguyên văn để tìm ra ý nghĩa thật của nó.
3. Ý luận giải ( Exegetical Idea)
Ý luận giải là ý tưởng được khám phá dựa trên sự xác định ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh trong bối cảnh lịch sử và văn chương.
II. HAI THÀNH PHẦN TẠO NÊN Ý LUẬN GIẢI.
Hai thành phần tạo nên ý luận giải là:
Chủ đề ( subject) + ý bổ sung ( complement) = Ý luận giải ( exegetical idea).
Công thức này giúp ta có thể tìm ra ý luận giải rồi trình bày nó cách ngắn gọn và chính xác về những gì tác giả Thánh Kinh đang nói.
Trong trường hợp ý luận giải chưa nói lên hết được ý chính của toàn thể phân đoạn Thánh Kinh ta đang nghiên cứu, thì có một luật quan trọng ta phải theo: luôn luôn sửa đổi lại ý luận giải cho hợp với toàn phần của phân đoạn Thánh Kinh. Không bao giờ bóp méo Lời Chúa để biến phân đoạn Thánh Kinh đang nghiên cứu đó cho hợp với ý luận giải.
1. Chủ đề ( Subject).
Ta có thể gọi subject là chủ ngữ, chủ đề, hoặc ý chính. Chủ đề là lời giải đáp cho câu hỏi: Tác Giả Đang Nói Về Điều Gì? (What is this man talking about?) Để trả lời cho câu hỏi này, ta phải diễn tả cho thật chính xác chủ đề của toàn thể phân đoạn Thánh Kinh đang nghiên cứu. Dưới đây là vài ví dụ cho chủ đề:
– Sự cứu rỗi là gì?
– Chúa Giê-xu là ai?
– Nguyên nhân niềm vui của người tin Chúa là gì?
Ta tìm ra chủ đề chưa đủ, mà phải tìm thêm ý bổ sung thì một ý tưởng mới được trọn vẹn.
2. Ý bổ sung ( Complement)
Ý bổ sung là lời giải đáp cho câu hỏi: Tác Giả Đang Muốn Nói Gì Về Điều Người Đang Nói Ra? (What is he saying about what he is talking about?) hoặc: Tác Giả Đang Muốn Nói Gì Về Chủ Đề (What is he saying about the subject?)
Trả lời được câu hỏi này, ta sẽ tìm ra ý bổ sung của bản văn ta đang nghiên cứu. Từ “bổ sung” không có liên quan tới định luật văn phạm nhưng chỉ có quan hệ đến một sự xác nhận hay khẳng định cho điều tác giả đang nói tới.
Ví dụ:
– Sự cứu rỗi là một món quà Đức Chúa Trời tặng không.
– Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời.
– Niềm vui của người tin Chúa là không còn phải giữ luật pháp.
Ta thấy mỗi chủ đề đều có một ý bổ sung để có thể hoàn tất một ý tưởng. Đôi khi ta có hơn một ý bổ sung. Ví dụ ta nói câu này: “Người sanh bởi Đức Chúa Trời”. Câu này đã đầy đủ chưa? Chưa, vì nó chỉ có chủ đề mà không có ý bổ sung. Bây giờ ta thêm vào ý bổ sung. “Người sanh bởi Đức Chúa Trời là người không còn tiếp tục phạm tội và giữ mình về hình tượng”. Câu này đã đủ ý chưa? Đủ rồi. Có bao nhiêu ý bổ sung? Hai. Hai ý bổ sung là gì? “người không còn tiếp tục phạm tội và giữ mình về hình tượng”. [72] Spann, tr. 177- 178.

Cũng vậy, khi ta tìm ý luận giải cho phân đoạn Thánh Kinh (bản văn) tức là ta đang tìm chủ đề (tác giả đang nói về điều gì) và tìm ý bổ sung (tác giả muốn nói gì về điều người đang nói ra?) Việc khám phá ý luận giải là việc rất quan trọng. Nó sẽ làm một cuộc cách mạng trong sự giảng dạy của chúng ta.
Một trong những lý do khiến nhiều diễn giả bỏ qua việc tìm ý luận giải là vì nhận thấy nó mới lạ và rất khó áp dụng. Tuy nhiên, đây là việc làm cần thời gian, sự kiên nhẫn, và phải đổ mồ hôi.
III. PHƯƠNG CÁCH ĐỂ TÌM Ý LUẬN GIẢI.
Để có thể tìm được ý luận giải thật chính xác, ta phải dành thì giờ cầu nguyện, suy nghĩ, và quan sát thật kỹ về phân đoạn Thánh Kinh đang nghiên cứu. Sự quan sát là hành động chú ý và viết xuống những sự kiện hoặc biến cố với mục đích nghiên cứu hay điều tra. Kỹ năng này là rất quan trọng trong tiến trình khám phá bất kể là ta khám phá về khoa học, địa chất học, hay nghiên cứu Kinh Thánh.
Trước khi đề cập đến phương cách tìm ý luận giải, ta nên đọc kỹ câu chuyện dưới đây để học về tinh thần kiên nhẫn quan sát.
Một học trò của giáo sư Louis Agassiz đã kể lại thế nào thầy mình đã dạy sinh viên cách quan sát. Giáo sư J. L. Agassiz (1807- 1873) là một nhà tự nhiên học đã nghiên cứu nhiều loại sinh vật tại Âu Châu cũng như Mỹ Châu. Ông trở nên nổi tiếng nhờ công việc nghiên cứu các loại cá. Ông đã lập Viện Bảo Tàng Thiên Nhiên tại Viện Đại Học Harvard. Ông thiết lập phòng thí nghiệm sinh vật tại đảo Buzzard, ngoài khơi Vịnh thuộc bờ biển Massachusetts để cung cấp một chỗ nghiên cứu thú vật trong môi sinh tự nhiên của chúng. Giáo sư Agassiz không tin vào sự tiến hóa của các giống vật và đã chỉ trích thuyết tiến hóa của Darwin.
Vốn là nhà địa chất học, ông chứng tỏ rằng trước đây quả đất phần lớn đã bị băng hà bao phủ. Giáo sư Agassiz sinh tại Montier en Vuly, Thụy sĩ. Ông tốt nghiệp tại đại học Zurich, Heidelberg, và Munich. Giáo sư Agassiz đến Hoa Kỳ năm 1846 và năm 1848 trở thành giáo sư sinh vật học và địa chất tại Harvard.
Em sinh viên kể tiếp: Cách đây 15 năm, tôi vào phòng thí nghiệm của giáo sư Agassiz và trình với ông rằng, tôi là một sinh viên của môn lịch sử thiên nhiên. Giáo sư Agassiz hỏi tôi vài điều về mục tiêu của tôi khi ghi danh học môn này, quá khứ tôi, tôi định làm gì với kiến thức học được, và sau cùng tôi có muốn học một chuyên ngành nào không?
Tôi trả lời là muốn học đầy đủ về sinh vật học nhưng tôi định chuyên ngành về côn trùng.
Giáo sư Agassiz hỏi: Khi nào anh muốn bắt đầu?
Tôi trả lời: Ngay hôm nay. Giáo sư có vẻ hài lòng. Ông ta hăng hái đáp: Tốt lắm. Ông liền lấy một bình lớn đựng vật thí nghiệm trong nước cồn vàng, rồi nói:
Anh lấy con cá này, quan sát nó. Cá này gọi là Haemulon, rồi tôi sẽ hỏi anh, xem anh đã quan sát được những gì.
Ông rời phòng thí nghiệm, nhưng sau đó trở lại dặn dò và thêm lời chỉ dẫn về con cá.
Không ai xứng đáng được gọi là một nhà tự nhiên học nếu người ấy không biết cách chăm sóc vật thí nghiệm. Những ngày đầu tiên đó không phải là những ngày của các cuộc triển lãm bình thí nghiệm. Tất cả những sinh viên khoa học đều nhớ những bình thí nghiệm ngắn cổ, cũ kỹ, đầy sáp, nút bị sâu bọ ăn mòn, đầy bụi bặm. Môn côn trùng học còn sạch sẽ hơn môn ngư học. Tuy vậy, vị giáo sư không ngần ngại thò tay vào bình lấy cá, dù bình đầy côn trùng và tanh mùi cá. Vì thế, tôi không dám coi thường chỗ này và coi nước cồn trong bình như là nước nguyên chất tinh khiết vậy. Tuy nhiên, tôi cũng không giấu được cảm tưởng thất vọng đôi chút vì quan sát con cá không có vẻ gì là côn trùng học cả. Các bạn hữu cũng chẳng nể nang, thích thú gì về tôi. Thật ra, họ khó chịu vì dù xức nước hoa, tôi vẫn không đánh tan mùi tanh của cá trên người tôi.
Sau mười phút, tôi đã xem tất cả tất cả những gì có thể xem nơi con cá. Tôi đi tìm vị giáo sư nhưng ông đã rời khỏi bảo tàng viện từ lâu. Sau một hồi tìm kiếm vị giáo sư và dạo xem một số các sinh vật kỳ lạ ở một ngành học khác, tôi trở lại phòng thí nghiệm. Con cá của tôi bị khô đi, tôi phải dùng cồn phết vào con cá để “hồi sinh nó”. Tôi cũng lo không biết con cá có trở lại giống như con cá “bình thường” như lúc trước không. Sau đó, tôi chẳng biết làm gì hơn là nhìn chăm chăm con cá câm của tôi. Nữa giờ, một giờ, hai giờ trôi qua, con cá trở nên nặng nề. Tôi lật con cá qua, lật lại, xoay quanh, nhìn vào mặt nó. Tôi nhìn phía trước, phía sau, phía trên, phía dưới con cá một cách rùng rợn. Tôi thật tuyệt vọng. Dù còn sớm, tôi lại muốn nghỉ để ăn trưa. Tôi để con cá vào bình và cảm thấy tự do khoảng một tiếng đồng hồ.
Sau giờ ăn trưa, tôi trở qua phòng thí nghiệm và biết rằng giáo sư Agassiz đã về bảo tàng viện nhưng ông lại đi vắng và sẽ không trở lại ít nhất là mấy tiếng đồng hồ. Bạn tôi thì rất bận rộn, không ai muốn trò chuyện. Buồn tình tôi lại lấy con cá trong bình ra và nhìn nó một cách chán nản. Tôi không được nhìn kính phóng đại để quan sát, tôi chẳng được phép dùng dụng cụ gì cả. Tôi chỉ có đôi mắt, đôi tay, và con cá. Tôi cảm thấy ngành học này giới hạn quá. Tôi thò tay vào miệng và cổ họng cá, xem răng cá có bén không. Tôi bắt đầu đếm vảy từng hàng nhưng rồi lại cho rằng việc này vô ích. Cuối cùng tôi chợt nghĩ ra một ý hay-vẽ con cá. À, bây giờ tôi mới thấy thêm nhiều điểm lạ về con cá. Lúc ấy vị giáo sư trở lại.
À, phải đấy, cây bút chì là một vật tốt để quan sát. Tôi rất vui vì thấy anh giữ cho cá ướt và cẩn thận đậy nút bình thí nghiệm. Nào-với vài lời khen-ông hỏi tôi: Con cá ra sao? Ông chăm chú nghe tôi kể lại cơ cấu các phần của con cá mà hầu hết tôi chưa biết tên là gì. Nào là vi, đầu, môi, mắt, đuôi, thân cong cong của con cá… Khi tôi kể xong, vị giáo sư im lặng như là đợi tôi nói thêm nữa. Rôi ông thất vọng bảo tôi: Anh chưa quan sát kỹ lưỡng. Ông tiếp: Anh chưa thấy những phần hiển nhiên nhất của con cá. Quan sát nữa đi. Thế rồi ông rời phòng thí nghiệm trong sự bàng hoàng của tôi.
Tôi thật bất ngờ, chết điếng! Có cái gì nữa nơi con cá chết tiệt này! Nhưng tôi cũng quyết tâm khám phá hết cái mới lạ này đến cái mới lạ khác, cho đến khi tôi thấy lời phê bình của vị giáo sư là đúng.
Buổi chiều ngày hôm đó qua nhanh! Vào cuối ngày, vị giáo sư hỏi tôi: Anh đã quan sát kỹ chưa?

Top