II. TÂN ƯỚC DẠY VỀ THIÊN CHỨC RAO GIẢNG LỜI CHÚA
Theo Thompson: “Tân ước là và luôn luôn sẽ là quyển sách giáo khoa tốt nhất của chúng ta cho thiên chức rao giảng Lời Chúa ”. [5] Claude H. Thompson, Theology of Kerygma: A Study in Primitive Preaching (Englewood Cliffs, NJ: Prencetice Hall, Inc., 1962), p. 13.

Nhờ Tân ước, ta khám phá được tính chất và nội dung của sự rao giảng mà chắc chắn sẽ không tìm thấy ở đâu khác. Tân ước đề cập đến sự rao giảng rất nhiều lần. Tân ước dùng đến ba mươi ba từ để mô tả và minh họa cho hoạt động và nội dung của thiên chức công bố Lời Đức Chúa Trời cho con người. Dưới đây ta chỉ xét qua năm từ quan trọng nhất mà Tân ước đã đề cập đến:
Thứ nhất là “laleo ”. Đây là từ đơn giản nhất và dễ hiểu nhất có nghĩa là “nói ra”, “trình bày” hoặc “nói rõ”. Trong Tân ước, từ này bày tỏ về sự rao giảng cách thân mật nhưng là một sự công bố thẳng thắn, chân thật, mặt đối mặt với dân chúng (Mat Mt 12:36; Mac Mc 8:32; Cong Cv 4:29).
Một từ quan trọng khác trong Tân ước đề cập đến sự rao giảng là “martureo ” nghĩa là “làm chứng”, “lời chứng”. Nó trình bày người giảng Lời Chúa như là một nhân chứng đứng trước quan tòa (thính giả) để thuật lại những gì người đã chứng kiến. [6] Weatherspoon, Sent Forth to Preach, p. 58.

Phi-e-rơ đã dùng từ “martureo ” khi người rao giảng tại nhà Cọt-nây. Phi-erơ nói: “Chúng ta từng chứng kiến về mọi điều Ngài đã làm trong xứ Giu-đa và tại thành Giê-ru-sa-lem” (Cong Cv 10:39). A-na-nia đã nói cho sứ đồ Phao-lô biết rằng: “. . . anh sẽ làm chứng cho Ngài trước mặt mọi người về những việc anh đã thấy và nghe” (Cong Cv 22:15). Trong sách phúc âm Giăng, vị sứ đồ chỉ dùng từ “martureo ” để nói về sự rao giảng. Chúa Giê-xu cũng thường hay dùng từ này trong sách phúc âm Giăng để mô tả về công vụ của Ngài: “. . . nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng thế: Ấy là để làm chứng cho lẽ thật” (GiGa 18:37).
Thánh Kinh Tân ước đã mô tả sự rao giảng Lời Chúa như là sự làm chứng. Người giảng Lời Chúa là làm chứng về những gì đã kinh nghiệm cho thính giả. Điều đó không có nghĩa là diễn giả chỉ nói về bản thân và những kinh nghiệm cá nhân. Nhưng có nghĩa là diễn giả sẽ làm chứng về Chúa Cứu Thế Giê-xu mà người đã kinh nghiệm để đưa dẫn người khác đến với Chúa Cứu Thế.
Từ thứ ba đề cập đến sự rao giảng trong Tân ước là “euangelizo ”. Trong Tân ước, từ này được dùng để mô tả sứ điệp Cơ Đốc cho một thế giới hư mất”. [7] Weatherspoon, Sent Forth to Preach, p. 64.

Từ này có thể dịch là “giảng phúc âm”, “mang đến tin mừng” hoặc dịch đơn sơ là “rao giảng” về tin mừng. Theo Weatherspoon, từ này vẽ ra hình ảnh của một sứ giả công bố một sứ điệp, một tin mừng cho thế giới hư mất. [8] Sách đã dẫn, tr. 65.

Từ quan trọng kế tiếp có liên hệ đến sự rao giảng là “paraklesei ”. Nó được dịch là “khẩn cầu”, “van nài”, “khuyên bảo”, “an ủi”, “yêu cầu”. Từ này nói lên sự hiện diện và tham dự của Thánh Linh trong công tác rao giảng. Đọc Tân ước, ta thấy Chúa Giê-xu, Phao-lô, Phi-e-rơ đã an ủi, khuyên bảo thính giả. Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ Tuần đã “khuyên bảo” dân chúng rằng: “Các ngươi khá cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này ” (Cong Cv 2:40). Chúa Giê-xu nói rằng Ngài sẽ ban cho các môn đệ một “Đấng An ủi khác”. Sự giảng dạy trong Tân ước được mô tả như sự khuyến khích dân chúng hành động, làm cho họ mạnh mẽ trong thuận và nghịch cảnh, và khuyên bảo họ đáp ứng đối với ân sủng của Đức Chúa Trời.
Từ thông dụng nhất được dùng trong Tân ước để chỉ về sự rao giảng là “kerusso ”. Từ này có nghĩa là “công bố”. Nó được dùng để chỉ về công tác rao giảng. Từ này nói lên rằng sự rao giảng là “sự tuyên bố”, “sự thông báo”, và “sự tuyên cáo”. Trong Tân ước, sự rao giảng nhấn mạnh đến sự kiện rằng có gì đã xảy ra. Nó tuyên bố rằng Đức Chúa Trời đã làm điều gì đó cho con người.
III. SỰ KHÁC BIỆT CỦA HAI TỪ ‘GIẢNG’ VÀ ‘DẠY’ TRONG THÁNH KINH
Giảng và dạy Lời Chúa là hai công tác không thể thiếu trong Hội Thánh địa phương. Khởi đầu thời Tân ước các sứ đồ đã chú trọng đến công tác giảng và dạy. Các tín hữu đầu tiên đã “bền lòng giữ lời dạy của các sứ đồ ” (2:42). Nhà chép phúc âm Lu-ca còn cho thấy các nhà lãnh đạo Do Thái chống đối các sứ đồ vì “hai người dạy dân chúng và rao truyền, nhân Chúa Giê-xu, sự từ kẻ chết sống lại ” (4:2).
Thánh Kinh ghi rất nhiều về công tác giảng và dạy trong Hội Thánh. Tân ước đã dùng ba mươi ba từ để chỉ về công tác giảng Lời Chúa mà ta đã xét qua năm từ chánh yếu ở trên. Nhiều diễn giả lại cho rằng có sự khác biệt giữa giảng và dạy. Giảng là công bố tin mừng cho người chưa tin. Vì thế, khi ta nói đến giảng (uangelizo) có nghĩa là ta nói về sự chết và sống lại của Christ cho thính giả. Còn bất cứ khi nào ta đứng lên trước Hội Thánh nói về Lời Chúa, đó là dạy. Dạy là giải thích các lẽ thật và giáo lý Cơ Đốc cho người đã tiếp nhận Chúa.
Mặc dù nhiều diễn giả cố gắng để phân biệt về sự khác nhau của giảng và dạy, nhưng đó không phải là việc dễ làm. Trong Tân ước, từ “didasko ” là “dạy” và từ “kerusso ” là “giảng”. Nhưng đọc các sách phúc âm, ta thấy kerusso và didasko thường được dùng để trao đổi hoặc thay thế cho nhau. Ví dụ, ta so sánh (Mac Mc 1:21,&nbsp22,&nbsp27) với (Mac Mc 1:38); hoặc so sánh (Mat Mt 4:17) và (Mac Mc 1:14) với (LuLc 4:15), sẽ thấy hai từ giảng và dạy này nếu không được dùng đồng nghĩa, thì cũng đã được dùng cùng một cách với nhau để mô tả việc rao giảng về Chúa Cứu Thế.
Đọc sách Công-vụ các sứ-đồ và những thư tín, ta lại thấy lần nữa hai từ giảng và dạy được dùng gần như giống nhau. Hai từ này có thể mang ý nghĩa hơi khác biệt nhau nhưng dường như hai ý nghĩa đó chồng chéo lên nhau và có quan hệ mật thiết với nhau. Trong (Cong Cv 15:35), Phao-lô và Ba-na-ba tại An-ti-ốt đã “giảng tin lành và dạy đạo Chúa”, tức là đã “didasko và euangelizo”, nhưng Lu-ca không cho thấy có sự khác biệt về nội dung lẫn thính giả. Hai từ này có thể mang ý nghĩa khác nhau nhưng văn mạch của phân đoạn Thánh Kinh này không giúp ta thấy được sự khác biệt đó.
Trong (ITi1Tm 2:7), Phao-lô nói rằng ông được cử làm “thầy giảng (derivative of kerusso), làm sứ đồ, và giáo sư cho dân ngoại (derivative of didasko)”. Lần nữa ta thấy không có sự phân biệt rõ giữa hai từ ngữ đó.
Trong (IITi 2Tm 4:2), Phao-lô truyền lệnh cho Ti-mô-thê “hãy giảng đạo”. Tuy nhiên, khi ta đọc hết câu Thánh Kinh ngắn ngủi này ta thấy Phao-lô dùng tới ba thuật ngữ để chỉ về công tác rao giảng của Ti-mô-thê là kerusso, parakaleo và didasko
Nhiều học giả Tân ước dựa vào các phân đoạn Thánh Kinh trên để kết luận rằng ta không nên đề ra sự khác biệt giữa giảng và dạy. Hai từ này đôi khi đã được dùng gần như giống nhau hoặc chồng chéo lên nhau. Trong Hội Thánh đầu tiên khi một người đứng lên nói, thì người đó có thể đang làm công việc giảng, dạy, an ủi, khuyên lơn, dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị. Vì thế, nội dung và mục đích của giảng và dạy là giống nhau. Mục tiêu của giáo sư Kinh Thánh và người giảng giải kinh là để “truyền thông một ý niệm Thánh Kinh rút ra từ việc nghiên cứu một phân đoạn Thánh Kinh theo văn phạm, lịch sử và văn chương trong văn mạch của nó mà Thánh Linh trước hết áp dụng cho cá nhân và kinh nghiệm người giảng rồi từ người giảng qua người nghe”. [9] Haddon W. Robinson, Biblical Preaching: The Development and Delivery of Expository Messages.Grand Rapids: Baker, 1980. tr. 20.

Top