Bạn có nhớ cảm giác của lần đầu tiên đi máy bay phản lực chăng? Tôi nhớ kỹ lắm. Hơn hai mươi năm trước, lần đầu tôi được đi máy bay là từ Thái Lan đến Canada. Mọi sự đều làm tôi ngạc nhiên. Trong lần đi máy bay đầu tiên đó, khi vừa ngồi vào ghế, tôi bèn lục lọi coi qua hết mọi thiết bị để trước mặt, và đọc tất cả sách hiện có tại ghế ngồi (chỉ xem hình vì khả năng tiếng Anh ở trình độ… lớp năm!). Sau đó, tôi đi tới đi lui để xem máy bay rộng lớn và tối tân thế nào.
Nhưng tất cả cảm giác đó biến mất dần khi chiếc máy bay bắt đầu rồ máy, lăn bánh, và cất cánh bay lên. Lúc đó, tôi có cảm giác rất hồi hộp lẫn lo sợ. Nhưng sau đó, khi chiếc máy bay cất lên, ổn định vị trí nó trên cao, hoàn tất việc cất cánh, thì tôi mới cảm thấy bớt căng thẳng.
Việc cất cánh là một phần quan trọng trong hành trình của chuyến bay khi chúng ta đi du lịch bằng đường hàng không. Khi chiếc phản lực cất cánh tốt, ta cảm thấy chuyến du lịch của mình rất tốt. Nếu ta gặp phải sự cất cánh lắc lư, chao đảo, rung chuyển, ta không còn cảm thấy thích thú về chuyến du lịch của mình. [133] Mượn ý của Spann, tr. 267- 268.
Phần nhập đề bài giảng cũng rất giống với sự cất cánh của máy bay. Ta cần học cách chuẩn bị cho phần cất cánh của bài giảng ta thật tốt. Như vậy thính giả mới có cảm tình tốt với bài giảng ta sắp giảng.
Nhập đề là phần mở đầu của bài giảng với mục đích khơi dậy sự chú ý của thính giả; thiết lập mối liên hệ giữa phần Thánh Kinh và đề tài của bài giảng; bày tỏ chủ đích của bài giảng; và giới thiệu phần thân đề của bài giảng. [134] Jesse K. Moon, Các Nguyên Tắc Giảng Lời Chúa (Saint, Geneve: Phân Viện hàm Thụ Quốc Tế, không ghi ngày), tr. 75.
1. Sự quan trọng của phần nhập đề
Phần nhập đề của bài giảng rất quan trọng. Nếu vài phút đầu của bài giảng, diễn giả không chinh phục được thính giả thì sẽ mất họ trong suốt mấy mươi phút tiếp theo. E. O. White nói: “Nếu phần nhập đề thất bại (fails), cả bài giảng sẽ thất bại theo”. [135] E. O. White, A Guide to Preaching (Grand Rapids: Wm. B. Eerdmans Publishing Co., 1973), p.113.

Blackwood bày tỏ sự quan trọng của phần nhập đề như vầy: “Nhập đề là phần khó nhất của việc chuẩn bị bài giảng. Ngoại trừ phần kết luận, nhập đề là phần quan trọng nhất”. [136] Andrew Blackwood, The Fine Art of Preaching (New York: The Macmillan co., 1943), p. 99.

Gibbs viết: “Nhập đề thường được gọi là năm phút quyết định. Trong thời gian này, diễn giả sẽ có thể được hoặc mất thính giả”. [137] Alfred P. Gibbs, The Preacher and His Preaching (Ft. Dodge, Iowa: Walterick Printing Co., 1939),p. 172.

Khi ta có lời nhập tốt, thì lời nhập đề đó sẽ tự nói với hội chúng rằng: Hãy ngồi xuống, tập trung tâm trí, và lắng nghe.
2. Cách nhập đề bài giảng
Có nhiều cách nhập đề khác nhau. Thường thì diễn giả có thể bắt đầu bài giảng bằng những cách như sau:
a. Nhập đề bằng Thánh Kinh
Karl Barth cho rằng diễn giả nên dùng Thánh Kinh để nhập đề. Ông đưa ra ba lý do:
(1) Tín hữu đến nhà thờ chỉ để nghe giảng Lời Chúa,
(2) Chỉ cần mở đầu ít lời về phân đoạn Thánh Kinh sẽ giảng kèm theo các tiết mục thờ phượng là đủ cho phần nhập đề, và
(3) Một lời mở đầu như thế sẽ hướng ý nghĩ của người nghe vào Lời Đức Chúa Trời. [138] Karl Barth, The Preaching of the Gospel. Trans. B. E. Hooke (Philadelphia: Westminster Press,1963), pp. 78-79.

Có hai cách nhập đề bằng Thánh Kinh: dựa vào bản văn (textual) để nhập đề hoặc dựa vào bối cảnh của bản văn (contextal) để nhập đề. Sự khác nhau của hai cách trên là như vầy: Cách dựa vào bản văn thì không nói gần nói xa, nhưng nương vào bản văn nói ngay vào vấn đề một cách ngắn gọn và khéo léo. Nhập đề theo lối này gồm ba phần: khai đề, đặt vấn đề và chuyển đề.
Khai đề là dọn đưòng cho vấn đề sẽ được đặt ra cách rõ rệt bằng cách trình bày vài ý tưởng tổng quát liên quan đến vấn đề. Đặt vấn đề là dựa vào điểm quan hệ để giới thiệu vấn đề. Chuyển đề là báo cho thính giả biết phần thân bài ta sẽ giảng những gì. Thí dụ khi giảng về đề tài Cầu Nguyện, ta sẽ nhập đề:
Khai đề: Phân đoạn Thánh Kinh hôm nay cho biết mỗi Cơ Đốc Nhân đều có thể cầu nguyện hằng ngày.
Đặt vấn đề: Nhưng quý vị sẽ hỏi làm sao tôi có thể cầu nguyện hằng ngày? Thế nào tôi có thể làm điều đó được?
Chuyển đề: Câu trả lời được tìm thấy qua những chỉ dẫn trong (phân đoạn Thánh Kinh).
Thứ nhất, ta có thể cầu nguyện hằng ngày bằng cách . . .
Thứ hai, ta có thể cầu nguyện hằng ngày bằng cách . . .
Lối nhập đề kế tiếp là dựa vào bối cảnh của bản văn ta đang nghiên cứu. Ta có thể dựa vào bối cảnh lịch sử của bản văn như thời gian, tình huống, và nơi chốn để dùng làm nhập đề. [139] David James Burrel, The Sermon Its Construction and Delivery (New York: Fleming H. Revell
Company, 1913), pp. 118-119

Hoặc có thể xét qua bối cảnh văn hóa của bản văn như tập quán và phong tục của dân chúng để mở đầu cho bài giảng.
Ngoài ra, ta có thể nhập đề bằng cách dựa vào cấu trúc của bản văn hoặc bối cảnh của bản văn.
Ta cũng có thể mở đầu bài giảng bằng cách nhấn mạnh ý nghĩa của một từ theo nguyên văn Hy-bá hoặc Hy-lạp để tạo sự chú ý của thính giả. Ví dụ nếu giảng về “Sự sáng tạo thế giới trong sáu ngày”, ta có thể mở đầu bài giảng bằng cách nhấn mạnh từ Hy-bá “yom” nghĩa là “ngày”. Ta nói chữ “yom” thường có nghĩa là 24 giờ, nhưng đôi khi cũng có nghĩa là một năm, một triều đại của vị vua, một đời người, một thời gian của lịch sử, hoặc một ngàn năm. [140] Sách đã dẫn, tr. 118-119.

Alexander Maclaren thường áp dụng lối nhập đề bằng Thánh Kinh. Để làm quen với lối nhập đề này, ta nên đọc nhiều bài giảng của MacLaren.
b. Nhập đề ngoài bối cảnh Thánh Kinh
Nhập đề bằng Thánh Kinh là ta bắt đầu từ nơi người xưa đã sống. Còn nhập đề ngoài bối cảnh Thánh Kinh là ta bắt đầu từ nơi người nay đang sống. Perry viết: “Ta nên khai triển phần nhập đề bằng ngôn ngữ trong đời sống hằng ngày của thính giả”. [141] Lloyd M. Perry, Biblical Preaching for Today’s World (Chicago: Moody Press, 1973), p.57

Ta có thể áp dụng các cách nhập đề này như sau:
(1) Kinh nghiệm bản thân
Những từng trải bản thân giúp tạo lập sự tín nhiệm của diễn giả và chúng cũng giúp cho thính giả có cơ hội để đồng cảm với diễn giả trong những tình huống diễn giả đã có kinh nghiệm. [142] J. David, An Introduction to Contemporary Preaching (Grand Rapids: Baker Book House, 1972),p.140

G. Campbell Morgan thường áp dụng phương pháp này cách hiệu quả. O’Neal đưa ra nhiều lý do nên áp dụng phương pháp này:
(1) Những kinh nghiệm bản thân thường dễ khơi dậy sự chú ý của thính giả,
(2) Chúng dễ kể lại vì người giảng biết chi tiết của vấn đề,
(3) Chúa Giê-xu và các tác giả Thánh Kinh thường dùng những kinh nghiệm bản thân để trình bày chân lý [143] Glenn O’Neal, Make the Bible Live (Winona Lake, Indiana: BMH Books, 1972), p. 69-70

. Tuy nhiên đối với chúng ta là người Việt khi áp dụng lối trên, ta nên cẩn thận, tránh đề cập đến cái tôi nhiều quá sẽ khiến thính giả khó chịu.
(2) Những sự băn khoăn thường ngày
Williamson cho rằng phương cách tốt nhất để giúp cho hội chúng chú ý đến bài giảng là mở đầu bằng cách đề cập đến những vấn đề thính giả thích thú, những nan đề của họ, hoặc những nhu cầu và mong ước của họ. [144] Arleigh B. Williamson, Speaking in Public (New York: Prentice-Hall, Inc., 1950), p.224

Ta có thể mở đầu bằng cách đề cập đến những mong ước qua các ước mơ như: yêu thương người khác, được người khác yêu mến, được người khác chấp nhận, được bình an trong tâm hồn, được khỏe mạnh, có được cuộc sống ý nghĩa, sống không sợ chết, được việc làm bảo đảm, có gia đình hạnh phúc và kinh nghiệm sự thành công …
Ta cũng có thể mở đầu bằng cách đề cập đến các mục tiêu của người tin Chúa như: tìm kiếm ý muốn Chúa cho đời sống, phương pháp học Kinh thánh, kinh nghiệm tăng trưởng thuộc linh, tương giao với các tín hữu khác, dắt đưa tội nhân về với Chúa. [145] O’Neal, p. 39-40.

Phao-lô đã áp dụng lối trên khi đề cập đến những nhu cầu và mong ước của thính giả. Khi viết cho các tín hữu Do-thái, Phao-lô trích dẫn Cựu ước. Tại A-thên, Phao-lô nhìn thấy người Hy-lạp thờ lạy rất nhiều thần nên biết họ rất mộ đạo. Vì thế, trong phần nhập đề bài giảng, Phao-lô đề cập đến lòng ao ước thờ phượng của họ:
Hỡi người A-thên, phàm việc gì ta cũng thấy các ngươi sốt sắng quá chừng. Vì khi ta trải khắp thành các ngươi, xem xét khí vật các ngươi dùng thờ phượng, thì thấy có một bàn thờ có chạm chữ rằng: THỜ CHÚA KHÔNG BIẾT. Vậy, Đấng các ngươi thờ không biết đó, là Đấng ta đương rao truyền cho (Cong Cv 17:22-23).
(3) Lời khơi dậy sự chú ý
Ta có thể dùng những lời lẽ khơi dậy sự chú ý để nhập đề. Dưới đây là vài lối nhập đề theo phương pháp này:
(a)- Những lời ảnh hưởng đến tâm lý người nghe. Na-than đã áp dụng lối nhập đề này để nói với Đa-vít:
Trong một cái thành kia có hai người, người này giàu còn người kia nghèo. Người giàu có chiên bò rất nhiều; nhưng người nghèo nếu chẳng kể một con chiên cái nhỏ mà người đã mua, thì chẳng có gì hết. Người nuôi nó; nó cùng lớn lên với con cái người tại nhà người, ăn đồ người ăn, uống đồ người uống, và ngủ trên lòng người; nó như một con gái của người vậy. Vả, có người khách đến thăm người giàu; người giàu tiếc không muốn đụng đến chiên bò của mình đặng dọn một bửa ăn cho người khách đã đến, bèn bắt con chiên con của người nghèo và dọn cho khách đã đến thăm mình (IISa 2Sm 12:1-4).
Khi nghe những lời này (câu chuyện này) Đa-vít nổi giận nói với Na-than:
Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, người đã phạm điều ấy thật đáng chết! Hắn phải thường bốn lần giá chiên con, vì đã làm như vậy, và vì không có lòng thương xót (12:5-6)
Khi Na-than thấy Đa-vít hoàn toàn chú ý đến lời mình nói, Na-than đưa vào vấn đề: “Vua là người đó!” (12:7).
(b)- Những lời thách thức. Chúa Giê-xu sử dụng lời thách thức trực tiếp khi giảng giải cho Ni-cô-đem về sự tái sanh:
Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời (GiGa 3:3).
(4) Đặt câu hỏi
Ta có thể mở đầu bài giảng bằng các câu hỏi: Tại sao? Ai đó? Ở đâu? Cách nào? Chi đó? Khi nào? Chẳng hạn khi giảng về sự phục hưng đặt nền tảng trên II Sử-ký 7, Lee đã nhập đề:
Tại sao Hội thánh chúng ta khô hạn? Sự sống phong phú Đấng Christ ở đâu? Tại sao ác quỷ, thế gian, và xác thịt ngày càng lấn lướt và như muốn nuốt chửng Hội thánh Ngài? Tại sao chúng ta không thấy phước hạnh từ cá nhân đến tập thể? Bao nhiêu câu hỏi tại sao ấy sẽ tìm được câu trả lời ở đâu ngoài Kinh thánh! Hãy quay lại với bài học lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên để biết Đức Chúa Trời nghĩ gì về Hội thánh ngày nay.
(5) Trích dẫn lời một danh nhân hoặc lời Kinh thánh
O’Neal đưa ra các nguồn có thể dùng để trích dẫn:
– Ta có thể trích dẫn những lời của các nhân vật danh tiếng như là các nhà lãnh tụ tôn giáo, chính trị, hoặc nhà cải cách xã hội.
– Ta có thể trích dẫn những lời của các nhân vật vô danh đã đề cập nhiều điểm hệ trọng liên quan đến đề tài.
– Ta có thể trích dẫn ngay cả những lời hay giáo lý của người chống đối hoặc không cùng quan điểm của đề tài để thách đố hội chúng.
– Ta cũng có thể nhập đề bằng cách trích dẫn lời của những nhân vật hoặc tác giả Thánh Kinh. Tuy nhiên, ta phải để ý các lời trích dẫn phải thích hợp với đề tài và không quá dài.
(6) Chuyện vui
Ta có thể dùng chuyện vui để mở đầu bài giảng. Nhưng ta nên nhớ điều này: “Làm cho thính giả cảm động thì dễ, làm cho họ nở một nụ cười là điều khó. Chỉ vụng về một chút là câu chuyện hóa vô duyên, nhạt như bả mía. Bạn đừng tưởng hễ câu chuyện buồn cười thì khi kể lại thính giả phải cười đâu. Chính là cách kể mới làm cho người nghe ôm bụng mà cười”. [146] Lê Hiến Nguyễn, Nghệ Thuật Nói Trước Công Chúng (Sài gòn: Khai Trí, 1970), tr 69-70.

Vậy, nếu ta không có tài khôi hài thì đừng làm cho thính giả cười.
(7) Những biến cố mới xảy ra

Top