a. Làm sáng tỏ đề tài
Hoyt nói rằng hầu hết các diễn giả đều có kinh nghiệm một lần hoặc nhiều lần nhìn thấy sự thay đổi nơi nét mặt thính giả khi họ lắng nghe để hiểu được điều diễn giả nói qua định nghĩa hay lý luận. Nhưng nét mặt thính giả thình lình sáng ra vì hiểu được điều diễn giả nói nhờ vào các minh họa mà diễn giả đưa vào. [113] Arthur S. Hoyt, The Work of Preaching (Cincinati: Jennings and Graham, 1919), p. 246.

b. Khiến cho lẽ thật thêm sinh động
Một bài giảng nếu chỉ gồm toàn là những ý niệm trừu tượng thì bài giảng trở nên thiếu thực tế và mất linh động. Hood nói rằng: “Đối với việc giảng dạy thì một thí dụ minh họa có giá trị hơn một ngàn lời trừu tượng”. [114] Paxon Hood, The Throne of Eloquence: Great Preachers, Ancient and Modern (New York: Funk and Wagnalls), p. 433.

Sự giảng dạy của người truyền đạo thường hướng về những lẽ thật thiên thượng nên hay diễn đạt bằng những ý niệm trừu tượng. Do đó, để cho hội chúng hiểu được các lẽ thật ấy, người truyền đạo phải nhờ những thí dụ minh họa. Làm việc này chẳng những giúp cho các ý tưởng người giảng đạo trở nên sáng tỏ mà còn khiến cho lẽ thật trở nên thực tế trong tâm trí và tấm lòng thính giả.
Chẳng hạn, một nhà thần học nói về tội lỗi học (harmartiology), thay vì nói đến tội lỗi qua những từ ngữ trừu tượng cho một nhóm thính giả ít quen thuộc với bộ môn mình, người phải bước ra khỏi sự trừu tượng đó để nói về sự giết người, nói dối, trộm cắp, hoặc ngoại tình. Nếu không thể hay không chịu làm việc này, thì dù người có được đánh giá cao trong tư cách một học giả, người vẫn thất bại với tư cách một diễn giả. [115] Robinson, p. 151.

c. Giúp cho lý lẽ thêm vững mạnh
Phần minh họa sẽ giúp cho luận cứ của diễn giả càng thêm vững mạnh, nhất là những lý luận theo phép loại suy. Broadus nói Phao-lô đã áp dụng theo lối này. Trong Rô-ma 6 và 7, Phao-lô dùng ba minh họa để chỉ ra một giả sử vô lý vì cho rằng sự xưng công nghĩa bởi đức tin sẽ khuyến khích người ta phạm tội:
(1) Người tin Chúa đã chết về tội lỗi và sống một cuộc đời mới.
(2) Trước kia họ đã đem thân làm nô lệ cho tội lỗi, bây giờ dâng thân ấy làm nô lệ cho sự thánh khiết.
(3) Người tin Chúa không còn cưới (lấy) luật pháp nhưng lấy chồng mới là Christ. [116] Broadus, p. 197.

d. Khơi dậy sự chú ý của thính giả
Muốn cho sự truyền đạt có hiệu quả, ta phải khơi dậy sự chú ý của thính giả. Cách hay nhất để thực hiện là đưa ra một câu chuyện lý thú hoặc những minh họa.
e. Giúp thính giả nhớ lâu
Phần minh họa thích hợp sẽ khiến người nghe khó quên ý chính bài giảng mà ta đã minh họa.
Ngoài ra, Moon còn thêm chín yếu tố nữa để nói lên giá trị của phần minh họa
(1) Phần minh họa kích thích trí tưởng tượng.
(2) Chúng gợi lên sự đáp ứng về mặt cảm tình: Ta phải giảng cho con người bao gồm cả cảm tình, lý trí, và ý chí. Những minh họa sẽ lôi cuốn phần cảm tình cách mạnh mẽ.
(3) Chúng đem lại tính hợp thời cho việc giảng đạo: Các minh họa nối kết khoảng trống giữa thời đại Thánh Kinh với thời đại của chúng ta.
(4) Chúng tạo ra sự thích hợp: Những minh họa làm nên chiếc cầu giữa thời cổ xưa, nền văn hóa Đông Phương mà sứ điệp Thánh Kinh đã khởi đầu với nền văn hóa hiện đại của chúng ta.
(5) Chúng dùng điều đã biết để dạy điều chưa biết: Trong cách này, ta thường dùng điều cụ thể để nói điều trừu tượng.
(6) Chúng tạo ra một khoảng nghỉ ngơi tâm lý: Đối với cả người giảng lẫn người nghe, phần minh họa đem lại một cơ hội để giải trí ngắn trong khi phải tập trung tâm trí theo dõi tiến trình của một bài giảng.
(7) Chúng tạo sự đa dạng cho bài giảng: Phần minh họa đem lại sự đa dạng cần thiết trong nội dung và phương pháp, và chúng bắt phục nhiều tánh khí khác nhau của thính giả.
(8) Chúng tạo ra sự ứng dụng gián tiếp: Ứng dụng trực tiếp thường được dùng trong việc giảng Lời Chúa, nhưng một vài vấn đề khó xử, hoặc dễ gây tranh cãi lại cần đến sự ứng dụng gián tiếp qua phần minh họa.
(9) Chúng là phương tiện nhắc lại các khái niệm: Một trong những kỷ thuật dạy học tốt nhất là sự lập lại, và phần minh họa là phương tiện để nhắc lại các khái niệm. [117] Moon, pp. 176-177

Broadus, p. 197.
3. Nguồn của phần minh họa
a. Thánh Kinh
Thánh Kinh là nguồn quan trọng nhất mà ta có thể sử dụng cho phần minh họa. Broadus cho rằng Thánh Kinh là nguồn minh họa thích hợp cho mọi đề tài của bài giảng. [118] Broadus, p. 207.

Lee nói: “Kinh Thánh không những là một quyển sách mà cũng là một thư viện, trong đó có luật pháp, lịch sử, lời tiên tri, thi phú, văn chương, khoa học, bài giảng, bài hát, đàm thoại, câu đố, dị tượng, ký sự, ngụ ngôn, thí dụ, tiểu sử, niên sử, thư tín”. [119] Lee, p. 20.

Ta càng đọc Thánh Kinh nhiều chừng nào để làm quen với các nhân vật, lời dạy dỗ, những sự kiện trong đó, thì phần minh họa của ta càng có hiệu quả.
b. Lịch sử
Lịch sử là nguồn tài liệu vô cùng phong phú cho phần minh họa. Về nguồn này ta có thể phân ra nhiều loại:
– Lịch sử hiện tại: Lịch sử hiện tại là lịch sử đang xảy ra lúc này. Các biến cố hiện tại đang làm thành lịch sử và sẽ được ghi lại trong sử liệu. Vì thế, các báo chí, tạp chí tường thuật những biến cố đang xảy ra trở thành một nguồn tài liệu vô cùng quý giá cho phần minh họa. Nguồn này có giá trị đặc biệt vì nó ghi lại các sự việc mới xảy ra nên thính giả rất chú ý lắng nghe.
– Lịch sử cổ đại và hiện đại: Đây là nguồn tài liệu vô tận cho những ai muốn dùng cho phần minh họa bài giảng. Ta có thể trích dẫn lịch sử cổ đại để minh chứng cho lời tiên tri đã được ứng nghiệm. Nó có thể soi sáng cho bối cảnh của Cựu lẫn Tân Ước. Lịch sử cổ đại và hiện đại có vô số những thí dụ mà ta có thể chọn để minh họa cho những lẽ thật ta muốn giảng.
c. Kinh nghiệm bản thân
Đây là một trong những nguồn quan trọng nhất cho phần minh họa bài giảng. Những kinh nghiệm ta đã trải qua, bây giờ dùng chúng làm minh họa cho bài giảng sẽ khiến thính giả thích thú lắng nghe. Nhờ nguồn minh họa này mà những gì ta giảng không còn là lý thuyết, trừu tượng, nhưng là những điều ta đã từng trãi, đã sống nên có thể dễ dàng thuyết phục người nghe. Và vì là những kinh nghiệm bản thân nên ta có thể trình bày cách sống động cho hội chúng. Càng ở trong chức vụ lâu chừng nào, ta càng có nhiều kinh nghiệm cá nhân để chia sẻ cho thính giả. Tuy nhiên, ta nên cẩn thận và tránh dùng cơ hội này để đề cao bản thân hay nói về cái tôi quá nhiều. Nhiều người đã vấp phải lỗi lầm này vì đã lạm dụng tòa giảng để nói về bản thân, gia đình nên nhận lấy kết quả trái ngược.
Theo Robinson, những minh họa cá nhân sẽ khiến bài giảng thêm ấm áp và sống động, nhưng có ba quy tắc để sử dụng chúng. Thứ nhất, minh họa đó phải thật.
Thứ hai, Nó cũng phải khiêm tốn. Hội chúng không thích những câu chuyện ở ngôi thứ nhất khi mà người giảng thường xuyên nổi bật lên như một anh hùng hay vai chính. Ta phản ứng tiêu cực với một người hay nói nhiều mà còn cứ khoác lác mình thông minh, hài hước và thuộc linh. Khi sự khoe khoang đó đến từ bục giảng, thì không còn cách nào thay đổi được phản ứng ấy. Dĩ nhiên, hầu hết các từng trải không khiến chúng ta thành kẻ chiến thắng cũng chẳng trở thành những nhân vật phản diện thì có thể đem tường thuật lại với sự khiêm tốn và giúp ích rất nhiều. Ngoài ra, nếu sử dụng minh họa cá nhân thì nên kể mà đừng kèm theo lời cáo lỗi. Khi diễn giả nói: “Xin quý vị thứ lỗi cho một minh họa cá nhân”, thì đã gây sự chú ý đến điều không đáng chú ý. Nếu không nên sử dụng minh họa ấy thì có xin lỗi cũng không giúp ích gì.
Thứ ba, khi ta dùng những kinh nghiệm cá nhân cũng không được phép xâm phạm một tâm sự thầm kín. Nhiều tín hữu rán chịu đựng để chia sẻ nỗi ưu tư với vị mục sư, rồi sửng sốt thấy chúng xuất hiện trong một phần bài giảng của ông. Ngay cả khi một trường hợp cá nhân nào đó có thể đem ra chia sẻ mà không làm tổn thương ai, cũng hãy xin phép trước khi đem ra kể lại. Cho dù ta có thể nghĩ mình đang tâng bốc ai đó khi tường thuật lại trường hợp của họ, nhưng việc làm ấy cũng thể khiến họ phẩn nộ trước chuyện phơi bày công khai này. [120] Robinson, pp. 159-160.

d. Tiểu sử
Ta có thể dùng tiểu sử danh nhân để làm minh họa bài giảng. Qua những kinh nghiệm có thật của con dân Chúa có thể đem lại sự khích lệ và thách đố cho thính giả.
e. Đọc sách
Những truyện tranh hài, những vần thơ hát ru trẻ em, các tạp chí, báo chí, tiểu thuyết, sách thần học, lịch sử, thảy đều cung cấp nguồn tư liệu cho bài giảng. Đọc những bài giảng của các mục sư đầy ơn cũng sẽ thu thập được nhiều minh họa thích hợp, và điều này còn quan trọng hơn việc sưu tầm những câu chuyện trong các tuyển tập vì có khi các câu chuyện trong đó không ăn nhập gì với điều chúng minh họa. [121] Robinson, p. 160.

Ngoài ra, cũng nên đọc những sách về triết học, nghệ thuật, khoa học, thể thao . . . Lee nói thêm “cũng phải đọc các sách có liên quan đến Kinh Thánh như Thánh Kinh Từ Điển, Thánh Kinh Phù Dẫn, Thánh Kinh Lược Khảo, Kinh Tiết Sách Dẫn, các sách giải nghĩa Kinh Thánh, các sách bồi linh, lịch sử, khảo cổ, báo chí trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh. Phải quý chuộng các văn phẩm Cơ Đốc, vì từ một quyển sách cho đến một truyền đạo đơn đều có giá trị giúp ta soạn bài giảng”. [122] Lee, tr. 22.

f. Tài liệu đã thâu góp
Robinson nói chỗ mà người truyền đạo chắc chắn hướng đến thường xuyên nhất để tìm tư liệu hậu thuẩn, chính là các hồ sơ người đã sưu tập. Những gì người có thể lấy ra từ hồ sơ của mình cho một bài giảng nào đó sẽ hoàn toàn tùy thuộc vào những gì người đã đưa vào hồ sơ. [123] Robinson, tr. 161.

Người ta đã triển khai nhiều hệ thống để giúp người truyền đạo lưu giữ những gì người đã đọc và nghiên cứu.
Theo Robinson, thường thì phải giữ hai loại hồ sơ. Thứ nhất là loại hồ sơ theo khổ giấy viết thư để cất vào tích trữ những ghi chú bài giảng, các quyển sách mỏng có khổ nhỏ, hoặc ngay cả những trang giấy xé ra từ những sách không cần dùng đến nữa. Phần hồ sơ này có thể chia ra theo đề tài và theo sách của Thánh Kinh. Bạn có thể liên lạc với thư viện của một Chủng viện Thần học nơi địa phương bạn ở để hỏi về hệ thống lưu giữ hồ sơ và sách vở của họ rồi có thể dựa vào đó áp dụng cho mình.
Thứ hai là loại hồ sơ gồm những thẻ nhỏ 3×5 inch (cỡ 8×13 cm). Một phần của hồ sơ này có thể chia ra theo các sách của Thánh Kinh, xếp các tấm thẻ trong từng sách theo đoạn và câu. Bạn sẽ lưu trữ trong phần này những minh họa, những ghi chú giải kinh, sách tham khảo liên quan đến những phân đoạn nào đó trong Thánh Kinh. Phần kia của hồ sơ thẻ nhỏ 3×5 sẽ được chú dẫn theo đề tài. Hồ sơ này có thể chia nhỏ ra xếp theo mẫu tự đầu tiên và nguyên âm đầu tiên của đề tài đó.
Aa Ae Ai Ao Au
Ba Be Bi Bo Bu
Ca Ce Ci Co Cu
v.v…
Những minh họa về đề tài “atonement” sẽ được lưu hồ sơ dưới mục Ao (A là mẫu tự đầu tiên, và o là nguyên âm đầu tiên trong chữ atonement). Lợi điểm của hệ thống này là tính đơn giản và đa năng của nó. Hầu hết những tư liệu nào đáng giữ để làm tài liệu hỗ trợ cho một bài giảng-những mẫu chuyện thật, các lời trích dẫn, những bài thơ, các ghi chú giải kinh, những so sánh, các sách tham khảo-đều có thể cất vào hồ sơ trên những thẻ nhỏ 3×5 inch. [124] Robinson, tr. 161-162.
Knott đề nghị thêm các phương pháp sưu tập tư liệu như vầy:
Thứ nhất là hệ thống các phong bì lớn có bảng mục lục theo chủ đề. Khi ta gặp một bài báo có giá trị trong các nhật báo hoặc tạp chí, ta cắt chúng ra rồi bỏ vào các phong bì ấy. Sau đó, khi cần tài liệu cho một bài giảng hay diễn thuyết, ta chỉ cần lấy các tài liệu có sẵn trong những phong bì đó, xem lại và sắp xếp chúng mà thôi. Nhờ cách làm này, ta giảm bớt được đến mức tối thiểu mà công tác soạn bài giảng và diễn thuyết đòi hỏi mình.
Thứ hai là giữ lại những ghi chú vụn vặt, vắn tắt trong một cuốn tập hay quyển sổ. Chủ đích của việc làm này là ghi lại những câu vắn tắt đề cập các sự kiện, những bài thơ, những trích dẫn lấy ra nơi các thư từ giao thiệp có ý nghĩa luân lý đạo đức hoặc thuộc linh, hoặc bất cứ những gì đáng cho ta lưu trữ. Ta có thể dùng một quyển sổ lớn cỡ như tập lưu ảnh để lưu giữ tư liệu này và với thời gian nó sẽ trở thành một kho tàng đích thực về tư tưởng. Ta có thể áp dụng một cách phân loại, xếp hạng thật tổng quát nào đó cho hệ thống này.
Phương pháp cuối cùng là dành cho những người hay đi đây đó hoặc thường xuyên dự các hội nghị. Đôi với các vị này thì phải có một quyển sổ ghi chú bỏ túi áo. Khi nghe diễn thuyết, người có thể dùng nó để ghi vội những thí dụ minh họa cách vắn tắt, các bố cục bài giảng, ý chính bài diễn văn, những câu nói trào phúng, các nhận xét và nhiều điều có giá trị khác nữa. Phương pháp này thường chứng minh là có cả một kho tàng tư tưởng khi ta đi đây đó, hoặc khi ta phải xa nhà, do đó, không thể có được những nguồn tài liệu khác trong tầm tay. Điều chắc chắn là bất cứ ai có đời sống dành để tách rời lúa mì khỏi vỏ trấu và rơm rác, thì bao giờ cũng có một điều gì mới mẻ và lý thú để nói ra. Cho nên, ta cần phải thu thập tài liệu để nhờ đó mà có óc chọn lọc thuộc linh hầu có thể lưu trữ đầy đủ nhất những gì của quá khứ để sử dụng cho hiện tại, và cũng tốt cho tương lai nữa. [125] Knott, tập 1, chương 10, tr. 2-3.
Người xưa cũng áp dụng lối này từ lâu. Người ta nói Lý Hạ, một thi sĩ đời Đường có cái túi gấm. Ở trên lưng lừa cũng đeo theo, hễ được câu thơ nào thì đều bỏ vào túi ấy. [126] Việt X. Hoàng, Thuật Hùng Biện (Gia Định: Phương Nam Ấn Quán, 1963), tr. 152.
Robinson nói thêm rằng ta đang sống ở thế kỷ 21 nên có nhiều cách để lưu giữ tư liệu qua máy vi tính. Các nhà chuyên môn đã soạn nhiều chương trình phần mềm (solfware) khác nhau cho mục sư dùng. Hiện nay, người ta đưa ra thị trường những máy vi tính mỗi ngày càng được thâu nhỏ hơn, gọn hơn, nhẹ hơn, nhưng sức chứa hồ sơ càng nhiều hơn trước, rất tiện lợi nếu cần phải mang đi đây đó. [127] Robinson, tr. 162.
Robinson kết luận: Người truyền đạo cần một hệ thống lưu trữ hồ sơ. Bất kỳ hệ thống nào giúp lưu trữ thông tin thì đều tốt hơn là không có hệ thống lưu trữ nào cả. Hệ thống lưu trữ hồ sơ cũng cần đến người truyền đạo. Không một hệ thống nào hoạt động được ngoại trừ người truyền đạo quyết định làm việc với nó. Tác giả những câu Châm-ngôn là A-gu-rơ đã khen về sự khôn ngoan của loài kiến: “Con kiến dầu là loại yếu hèn, lo sắm sẵn vật thực mình trong mùa hạ” (ChCn 30:25). Các nhà truyền đạo sẽ soạn bài giảng mỗi ngày càng tốt hơn hi học được bài học từ loài kiến. [128] Robinson, tr. 162.
III. CHỨNG MINH

Top