Ta có thể kết luận bằng cách chỉ cho thính giả biết cách sống với lẽ thật của phân đoạn Thánh Kinh ta vừa giảng. Đây không phải là lần đầu tiên ta ứng dụng. Ta nên đưa ra ứng dụng suốt bài giảng. Còn ở đây là sự ứng dụng sau cùng bao gồm tất cả những gì ta đã giảng.
g. Kinh nghiệm bản thân.
Nếu ta biết khéo léo dùng kinh nghiệm bản thân thì lời kết luận bài giảng chúng ta rất có ảnh hưởng cho thính giả. Người mù được chữa lành đã làm chứng lại phép lạ người đã từng trãi, “Trước tôi đã mù mà bây giờ lại sáng” (GiGa 9:25). Trong bài giảng từ giả của Giô-suê cho dân Y-sơ-ra-ên, ông kết luận bằng kinh nghiệm bản thân: “Nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Gios Gs 24:15).
h. Kết luận bằng cách giúp thính giả nhớ ý bài giảng ( expositional idea).
Một mục sư kia đã giảng về “Giá Trị Của Tình Yêu Thương” trong ICo1Cr 13:1-3,&nbsp8-13. Ý bài giảng của ông là: “Tình yêu thương có giá trị rất lớn trong nước trời”.
Vị mục sư đã kể câu chuyện này để kết luận bài giảng ở trên:
Ngày nọ, Stanley Jones và Mahatma Gandhi trò chuyện nhau về cách nào Cơ Đốc Giáo có thể trở thành quốc giáo tại Ấn độ. Phần cuối của câu chuyện là lời Gandhi nói với Jones. Gandhi nói: “Tôi đề nghị anh nên nhấn mạnh đặc biệt đến tình yêu thương, vì tình yêu thương là trung tâm và linh hồn của Cơ Đốc Giáo”.
Rồi vị mục sư chấm dứt với ý bài giảng (Expositional idea): “Tình yêu thương có giá trị rất lớn trong nước trời”.
Những cách thức Truyền đạt lời Chúa

Sách (Cong Cv 18:24-28) kể lại: Có một người Do-thái đến Ê-phê-sô tên là A-bô-lô, quê tại Á-lịch-sơn, Ai-cập. Ông là một nhà hùng biện, uyên bác về Thánh Kinh Cựu ước. Được học Đạo Chúa, ông đầy nhiệt tâm giảng dạy về Chúa Giê-xu cách chính xác, dù ông chỉ học đến “lễ báp têm của Giăng”. Ông bắt đầu giảng giải Phúc âm trong hội trường cách dũng cảm. Bê-rít-sin và A-qui-la nghe ông giảng, liền đón về nhà, giúp ông thấu triệt Đạo Chúa. Khi A-bô-lô định đi Hy-lạp, anh em viết thư khuyến khích tín hữu tại đó đón tiếp ông. Đến nơi, ông giúp ích rất nhiều cho các tín hữu. A-bô-lô công khai tranh luận với người Dothái, dùng lập luận đanh thép và viện dẫn Thánh Kinh để chứng minh Giê-xu là Chúa Cứu Thế.
Sách Công-vụ các sứ-đồ cũng tường thuật thêm về nhiều nhà truyền giảng khác. Khi Phi-e-rơ giảng Lời Chúa thì dân chúng cảm động sâu xa (2:37,&nbsp40). Lần nọ, khi đứng trước Hội Đồng Quốc Gia, Phi-e-rơ đã giảng với giọng đầy tự tin khiến mọi người đều ngạc nhiên (4:5-13). Lời giảng của Ê-tiên thì rõ ràng, áp dụng thẳng vào thính giả khiến họ vô cùng sợ hãi (7:1-60). Tại Lít-trơ, Phao-lô giảng Lời Chúa rất đầy ơn đến nỗi dân chúng reo hò tôn ông là Thủy thần (14:8-13). Trước mặt vua Ac-ríp-ba, dù là một tù nhân, Phao-lô mạnh dạn đứng lên giảng cho vua nghe với giọng nói đầy thuyết phục đến độ vua phải công nhận: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ” (26:28).
Trong chương này, ta sẽ xét qua các phương cách ban phát sứ điệp. Thường thì có ba cách nói trước công chúng: Đọc bài giảng, học thuộc lòng bài giảng, và ứng khẩu trước hội chúng.
I. ĐỌC BÀI GIẢNG.
Theo Moon, phương pháp đọc trong việc ban phát Lời Chúa đôi khi còn gọi là “phép viết tay” đã phổ thông tại Anh Quốc vào đầu thế kỷ 16, sau đó ở Anh và Hoa kỳ. Theo phương pháp này, diễn giả viết ra bài giảng trước, rồi sau đó đọc cho hội chúng. [156] Moon, tr. 226.

Đây là phương pháp đòi hỏi nhiều thì giờ cho việc chuẩn bị bài giảng và cần phải ghi chép kỹ lưỡng. Nhiều nhà truyền đạo trứ danh đã sử dụng phương pháp này: Jonathan Edwards đã giảng bài giảng nổi tiếng với nhan đề Sinners in the Hands of an Angry God qua phương pháp đọc. Clark kể lại: Edwards bị cận thị, đứng trên bục giảng một tay cầm đèn cầy còn tay kia cầm bài giảng để đọc. [157] James W. Clarke, Dynamic Preaching (Westwood: Fleming H. Revell Company, 1960), tr. 45- 46.

Còn J. H. Jowett đã đọc bài giảng cách khéo léo đến nỗi nhiều thính giả không nhận biết ông sử dụng phương pháp đọc. [158] Andrew W. Blackwood, Expository Preaching for Today (Nashville: Abingdon-Cokesbury Press,1953), tr. 157.

Bill Sunday cũng áp dụng phương pháp này rất tài tình. [159] Arthur S. Phelps, Speaking in Public (Cleveland: P. M. Barton Co. Pub. Inc., 1930), tr. 177.

Ngoài ra còn có MacLaren, Beecher, Storrs đều đọc bài giảng cách đầy quyền năng. [160] Arthur S. Hoyt, The Work of Preaching (New York: The Macmillan Company, 1905), tr. 276.

Ngày nay thì có Bossuet là một thiên tài nhưng luôn soạn trên giấy để đọc. [161] Việt X. Hoàng, tr. 165.

Lợi điểm của phương pháp này: Broadus kể ra vài lợi điểm:
(1)- diễn giả chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng cho đến khi hoàn tất;
(2)- diễn giả tự tin khi đứng lên giảng Lời Chúa;
(3)- diễn giả có thể lưu bài giảng để dùng trong tương lai. [162] Broadus, On the Preration and Delivery of Sermons (New York: Harper and Brothers, 1944), tr.434- 441.

Hoyt thì cho rằng soạn bài giảng trên giấy
(1)- sẽ giúp diễn giả khai triển bài giảng cách có thứ tự;
(2)- không bỏ sót các phần liên kết lẽ thật với nhau;
(3)- có thể giữ lại bài giảng để dùng trong tương lai. [163] Arthur S. Hoyt, The Work of Preaching (New York: The Macmillan Company, 1905), tr. 274.164

Moon đưa ra thêm nhiều lợi điểm khác:
(1)- xuyên suốt bao quát toàn bộ vấn đề;
(2)- ngôn ngữ chuẩn xác;
(3)- có sự chính xác để tránh được lỗi lầm;
(4)- giữ khỏi việc dẫn chứng sai lệch;
(5)- việc triển khai và kết cấu có thứ tự;
(6)- giải thích những điều khó;
(7)- kiểm soát được mức độ dài và sự cân đối của bài giảng;
(8)- tự tin hơn là sợ thất bại vì nỗi ngại phải ra mắt công chúng;
(9)- lưu bài giảng để sử dụng lại hay để in ấn. [164] Moon, tr. 226.

McComb nhấn mạnh rằng có nhiều người không soạn trên giấy không được.
Họ chỉ giảng với duy nhất phương pháp này, nếu cấm họ soạn trên giấy để đọc thì họ sẽ bỏ chức vụ. Đối với những người này không nên bàn vấn đề ứng khẩu. Hễ nói trước công chúng thì các vị ấy nhất định phải soạn trên giấy. [165] S. McComb, Preaching in Theory and Practice (Oxford: Oxfort press, 1926). tr. 153- 156.

Giảng với bài giảng viết sẵn có thể đem lại nhiều lợi ích cho diễn giả nếu biết sử dụng đúng đắn. Dưới đây là vài chỉ dẫn thêm cho việc giảng bằng bài giảng viết sẵn.
Thứ nhất, diễn giả nên sử dụng văn nói. Một bài giảng viết sẵn khác với một bài luận được nộp cho giáo sư trong lớp. Vì thế, ta phải khai triển bài giảng bằng văn nói chớ không phải văn viết. Ta sẽ viết giống như ta nói, nếu không nó chẳng đem lại lợi ích gì cho chính mình.
Thứ hai, nên truyền đạt rõ ràng và dễ hiểu. Một người đọc sách có nhiều lợi điểm hơn người nghe giảng. Lợi điểm đó là người đọc sách có thể dừng lại, suy nghĩ, đọc lại, tra tự điển. . . trong khi người nghe giảng không có lợi điểm đó. Người nghe giảng hoàn toàn tùy thuộc vào sự truyền thông bằng lời của diễn giả. Nếu diễn giả truyền đạt rõ ràng họ sẽ hiểu, bằng không thính giả sẽ chẳng hiểu chi hết.
Thứ ba, diễn giả nên dùng đại danh từ “chúng ta” hoặc “quý ông bà anh chị em và tôi”. Những nhà truyền đạo có kinh nghiệm khuyên ta nên dùng đại danh từ “chúng ta” để nói với thính giả. Nếu ta là diễn giả trẻ tuổi thì nên nói “quý ông bà anh chị em và tôi”. Ta nên tránh dùng từ “ông, bà, anh, chị, em” vì nó giống như ta đang dạy dỗ hoặc phán xét thính giả. Tuy vậy, khi cần ta cũng có thể dùng nó nhưng tốt nhất ta nên dùng đại danh từ “chúng ta” bao gồm người giảng lẫn người nghe. Thính giả thích nghe đại danh từ “chúng ta” vì như vậy bày tỏ diễn giả cũng đang cùng một hành trình thuộc linh với thính giả.
Thứ tư, diễn giả nên sử dụng lời nói tích cực. Dĩ nhiên ta không thể giảng phúc âm nếu không nói lời tiêu cực. Ta phải rao giảng rõ ràng rằng: “Bạn là một tội nhân”, “tiền công của tội lỗi là sự chết” hoặc “tất cả việc lành của chúng ta như một chiếc áo nhớp trước mặt Đức Chúa Trời”. Nhưng các lời tiêu cực trên phải được dùng để chuyển đến tin mừng. Tin buồn là “tiền công của tội lỗi là sự chết”, nhưng tin mừng của phúc âm là: “sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Christ, Chúa chúng ta ” (RoRm 6:23). [166] Spann, tr. 288- 291.

Bất lợi của phương pháp này: Hoyt cho rằng phương pháp đọc khiến cho diễn giả bị nô lệ bài viết, lời nói mất tự nhiên, kém hùng khí, không hấp dẫn. [167] Hoyt, The Work of Preaching, tr. 285- 287.

Broadus nói thêm: diễn giả khó có thể dùng ánh mắt để tiếp xúc với thính giả. [168] Broadus, On Preparation and Delivery of Sermons, tr. 441.

McComb nhận xét phương pháp này có hai bất lợi:
(1)- bản thảo bài giảng sẽ là một chướng ngại vật ngăn cách giữa người giảng và người nghe; (2)- phương pháp này không được hội chúng ưa chuộng. Nếu đưa ra trưng cầu trước hội chúng thì có đến chín mươi lăm phần trăm không thích phương pháp đọc. [169]

McComb, tr. 154- 155.

Garvie nhận định: “Trừ khi diễn giả sử dụng phương pháp đọc có nghệ thuật, nếu không người nghe sẽ có ấn tượng không tốt về người giảng”. [170] A. E. Garvie, The Christian Preacher (New York: Chas. Scribner’s Sons, 1921), tr. 463.

Buttrick bày tỏ: “Có những nhà truyền đạo trứ danh giảng theo phương pháp đọc. Tuy nhiên, trong hầu hết các Hội Thánh, phương pháp này đã trở thành một sự ngăn cách giữa diễn giả và thính giả”. [171] George A. Buttrick, Jesus Came Preaching (New York: Chas. Scriners’s Sons, 1931), tr. 162.

Moon kể ra thêm những bất lợi khác: (1) Phương pháp đọc có khuynh hướng giới hạn những khả năng hùng biện, cản trở sự thân mật và nó dẫn đến sự thiếu tự nhiên và trống trải; (2) nó đánh mất những sự truyền đạt không lời bằng ánh mắt tiếp xúc và bằng những điệu bộ;
(3)- nó ngăn trở sự tiếp nhận và đáp ứng sự hồi trả từ thính giả trong lúc trình bày;
(4)- nó ngăn trở người giảng trong việc thu xếp cho thích hợp với trạng thái và nhu cầu nhất thời của thính giả;
(5)- nó đòi hỏi sự chuẩn bị dài dòng. [172] Moon, tr. 226.

II. HỌC THUỘC LÒNG BÀI GIẢNG.

Top