(1)- Nhiều người có thành kiến với nó vì khó áp dụng;
(2)- Nhiều người không coi trọng văn mạch và thất bại trong việc nối kết lẽ thật lại với nhau;
(3)- Nhiều người lẫn lộn nó với các phương pháp khác;
(4)- Nhiều người cho rằng nó quá dài. [48] Sách đã dẫn, tr. 107.

Lịch Sử Giảng Giải Kinh
Ta sẽ xét cách sơ lược về thiên chức giảng giải kinh qua từng giai đoạn của lịch sử để học hỏi kinh nghiệm của người xưa. Đồng thời cũng để tránh những lỗi lầm người đi trước đã mắc phải.
I. THỜI CỰU ƯỚC.
James F. Stitzinger cho rằng trong Thánh Kinh có hai loại giảng luận: giảng mặc khải (revelatory preaching) và giảng giải nghĩa (explanatory preaching). Ta đã biết thế nào là giảng giải nghĩa. Còn giảng mặc khải là công bố Lời mặc khải của Đức Chúa Trời cho con người. Lời Đức Chúa Trời được công bố qua nhiều cách khác nhau: các tiên tri truyền lại những Lời họ nhận từ Chúa, các thầy tế lễ giảng luật pháp, các nhà thông thái và lãnh đạo tinh thần thì đưa ra những lời khuyên khôn ngoan. [49] James F. Stitzinger, The History of Expository Preaching, quoted in John MacArthur, Rediscovering Expository Preaching, p. 36.

PhuDnl 31:1-33:29 ghi chép bài giảng mặc khải của Môi-se cho dân Y-sơ-ra-ên. Sứ điệp từ giã này được công bố một cách rõ ràng và đầy ơn từ môi miệng của một người đã có lần đã thú nhận là “không có tài ăn nói, vì miệng lưỡi hay ấp a ấp úng ” (XuXh 4:10).
Hai bài giảng mặc khải và giải nghĩa của Giô-suê cho toàn dân và các nhà lãnh đạo Y-sơ-ra-ên trong Gios Gs 23:1-24:33 cũng được xem là những bài giảng hùng hồn và đầy cảm động.
Đa-vít đã giảng Lời Chúa với những bài Thi thiên mặc khải. Đọc các Thithiên của ông (Thi-thiên các chương 8, 9, 16, 22, 24, 34, 68, 75, 89, 105, 136, 145) ta thấy ông giải luận sâu sắc về bản chất và đặc tính của Đức Chúa Trời.
Sa-lô-môn đã giảng Lời Chúa trong hình thức những châm ngôn. Người đã “cân nhắc, tra-soát và sắp đặt thứ tự nhiều câu châm ngôn” để dạy dỗ dân chúng (TrGv 12:10). Sa-lô-môn cũng có những bài giảng giải nghĩa về triết lý của cuộc đời qua sách Truyền-đạo. Và đây là lời tổng kết của triết lý ấy: “… Khá kính sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều răn Ngài; ấy là trọn phận sự của ngươi. Vì Đức Chúa Trời sẽ đem đoán xét các công việc, đến nỗi việc kín nhiệm hơn hết, hoặc thiện hoặc ác cũng vậy ” (12:13-14). Sự giảng giải Lời Chúa của người đã giục giã, kích thích thính giả. Hệ thống tư tưởng của người vững như đinh đóng cột.
Có lẽ nổi bật nhất trong thời Cựu-ước là sự giảng giải Lời Chúa của các tiên tri. Sứ điệp của các tiên tri không phải chỉ là lời báo trước những sự việc sẽ xảy ra trong tương lai, mà còn là sứ điệp kêu gọi dân chúng ăn năn và vâng lời Chúa. [50] Sách đã dẫn, tr. 38-40.

II. THỜI CHÚA GIÊ-XU VÀ CÁC SỨ ĐỒ.
Người giảng giải kinh nổi bật nhất trong thời kỳ này là Chúa Giê-xu. Thánh Kinh cho biết một trong những mục đích Chúa đến thế gian là để giảng và dạy (Mac Mc 1:14; Mat Mt 9:35). Ngài đã bắt đầu thiên chức này ngay từ lúc còn niên thiếu (LuLc 2:46-50). Khi hành chức vụ công khai trên đất, những bài giảng của Ngài như bài giảng trên núi (Mat Mt 5:1-7:29) và bài giảng tại thành Na-xa-rét đã trở thành kiểu mẫu cho những người hầu việc Chúa trong mọi thời đại. Chúa Giêxu thường hay giảng giải: “Các ngươi có nghe luật pháp Môi-se dạy… nhưng ta phán cho các ngươi… “[51] Sách đã dẫn, tr. 40-41.

Ngài cẩn thận giải thích Thánh Kinh Cựu-ước. Chúa Giê-xu “bắt đầu từ Môi-se rồi đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa…” (LuLc 24:27).
Các môn đệ của Chúa cũng là những diễn giả giải kinh. Họ đã giải luận về những gì họ đã xem thấy và kinh nghiệm trong ánh sáng Thánh Kinh Cựu-ước. Trong ngày lễ Ngũ Tuần Phi-e-rơ đã giảng bài đầu tiên giải luận về những sự kiện lạ lùng đang xảy ra qua sự ứng nghiệm lời tiên tri trong sách Giô-ên của Cựu-ước.
Ê-tiên, người đầu tiên chết vì đạo, đã giảng giải Cựu-ước cho những người Do-thái vô tín.
Phi-líp được Thánh Linh hướng dẫn đi gặp thái giám Ê-thi-ô-bi để giảng giải Lời Chúa cho ông.
Phao-lô đã dâng trọn cuộc đời cho việc giảng dạy, nhất là giảng về Chúa Cứu Thế chịu đóng đinh trên cây thập tự (ICo1Cr 1:23). Phao-lô quyết định không giảng gì khác ngoài Đức Chúa Giê-xu Christ và Đức Chúa Giê-xu Christ chịu đóng đinh trên cây thập tự (2:2).
Khi kết thúc thời Tân-ước, các diễn giả không còn giảng mặc khải mà chỉ giảng giải nghĩa. [52] Sách đã dẫn, tr. 42.

III. THỜI CÁC GIÁO PHỤ HỘI THÁNH.
Thời các giáo phụ khởi đầu từ cuối thời các sứ đồ cho đến giữa thế kỷ thứ 2. Các giáo phụ như Polycarp, Clement ở Rô-ma, Ignatius, Hermas, Barnabas, Papias… đã hết lòng giảng giải Lời Chúa cho dân chúng. Sự giảng giải của các giáo phụ rất đơn giản thường là hướng về sự chết và sống lại của Chúa Cứu Thế. Vào thời kỳ này việc công nhận các sách thánh vào Kinh điển chưa thực hiện xong nên sự giảng dạy còn bị giới hạn.
IV. THỜI CÁC NHÀ BIỆN GIÁO.
Thời các giáo phụ được tiếp nối với thời của các nhà biện giáo Cơ Đốc. Những vị này đã mạnh dạn đứng ra biện minh cho niềm tin Cơ Đốc Giáo. Một nhà biện giáo nổi tiếng được nhiều người biết đến vào cuối thế kỷ thứ 2 là Origin. Ông ra đời trong một gia đình tin kính Chúa tại Alexandria khoảng năm 185 SC. Origin được dạy dỗ Thánh Kinh từ lúc còn thơ ấu. Kế đến ông theo học thần đạo trong một trường do Clement làm viện trưởng. Sau đó ông trở thành giáo sư và nhà biện giáo cho đến lúc qua đời vào năm 254. Origin giải kinh theo trường phái ngụ ý (Allegorical schools). [53] James M. Hopin, Homiletics, tr. 58-59.

Ông cho rằng thân thể con người gồm ba phần: thể xác, linh hồn, và tâm thần (ITe1Tx 5:23) nên ta phải thông giải Thánh Kinh với ba nghĩa: nghĩa đen, nghĩa đạo đức, và nghĩa thuộc linh. Ví dụ, Origin thông giải con tàu Nô-ê với ba nghĩa: sự cứu khỏi nước (nghĩa đen), sự cứu người tin Chúa khỏi tội lỗi (nghĩa đạo đức), và sự cứu Hội Thánh qua Chúa Giê-xu (nghĩa thuộc linh). Phương pháp ngụ ý của Origin được hầu hết các Hội Thánh áp dụng đến thời Trung cổ. Ông là người tiên phong đưa ra những nguyên tắc giảng giải kinh, mặc dù ngày nay lối giải kinh trên không còn được nhiều người áp dụng.
Trong thời kỳ này cũng có xuất hiện một nhà truyền giảng nổi tiếng trong lịch sử tên là John ở An-ti-ốt. Ông có thiên tài hùng biện nên được gọi là Chrysostom, người có “môi miệng vàng” hoặc Thánh Giăng Kim khẩu. Chrysostom đã giảng giải kinh các sách Sáng-thế Ký, Thi-thiên, Ma-thi-ơ, Giăng, Công vụ các sứ-đồ, Rô-ma, I, II Cô-rinh-tô và các thư tín khác của Phao-lô. Đặc điểm của ông là giảng giải Thánh Kinh cách dễ hiểu và ứng dụng thẳng thắn vào thính giả. Chrysostom có lần đã nói: “Quý vị khen ngợi điều tôi giảng, tiếp nhận những lời khuyên của tôi bằng sự hoan hô náo động; nhưng xin quý vị hãy chứng tỏ sự tán thành bằng hành động vâng phục Chúa; đó là sự khen ngợi duy nhất mà tôi tìm kiếm”. [54] James F. Stitzinger, The History of Expository Preaching, p. 45. Quoted in Phillip
Schaff, Selected Library of the Nicene and Post-Nicene Father (reprint, Grand Rapids:
Eerdmans, 1983), 9:22.

Từ lúc thanh xuân, Chrysostom sớm thụ huấn nhà tu từ học trứ danh Libanius, và được mọi người chú ý vì những tiến bộ xuất chúng của người. Ban đầu Chrysostom có ý định trở thành một luật sư biện hộ cho tòa án, nhưng sau đó được Chúa kêu gọi nên ông dứt khoát dấn thân vào con đường phục vụ Chúa. Chrysostom chuyên tâm nghiên cứu Thánh Kinh dựa vào nguyên tác nên sự giảng dạy của ông rất sâu sắc, thu hút nhiều người nghe. Schaff gọi người là “ông hoàng của những nhà giải kinh.” [55] Schaff., p. 816

Kerr đã viết rằng: “Chrysostom là một nhà truyền giảng siêu đẳng. Người chẳng phải là một học giả hoặc nhà thần học nổi tiếng, nhưng là một nhà giải kinh đại tài, một mục sư, một người của Đức Chúa Trời, và là một tín đồ trung kiên.” [56] H. T. Kerr, Preaching in the Early Church, p. 175.

Broadus, trong quyển History of Preaching cũng khẳng định: “Chrysostom chính là ông hoàng của những diễn giả giải kinh.”. [57] John A. Broadus, The History of Preaching, p. 79.

Vào cuối thế kỷ thứ 4 và đầu thế kỷ thứ 5, một nhân vật khác xuất hiện có tên là Aurelius Augustine, được nhiều người biết qua danh hiệu Giám mục thành Hippo. Augustine sinh năm 354 S.C. tại Tagaste, vùng Numedia, Bắc Phi. Lúc nhỏ, Augustine là một cậu bé được học biết về Chúa qua người mẹ tin kính. Nhưng mãi đến năm 33 tuổi ông mới được tái sanh trở nên người Cơ Đốc chân chính. Augustine soạn rất nhiều sách thần học và giải kinh. Augustine chú trọng đến việc luận giải từng câu Thánh Kinh để tìm ý nghĩa thuộc linh của nó. Ví dụ, Thi Tv 3:5 nói về việc “nằm xuống, ngủ, và tỉnh thức. ” Augustine cho rằng tác giả Thi-thiên nói về việc Chúa Cứu Thế chịu chết và sống lại. Cũng thế, trong 104:19 chép: “Mặt trời biết giờ lặn. ” Augustine giải thích rằng câu này có nghĩa là Chúa Giê-xu nhận biết trước thì giờ Ngài chịu chết.
Ngoài các bài viết về thần học, Augustine đã để lại hơn 600 bài giảng. Ông luận giải Thi-thiên, giảng trong các sách Phúc âm Giăng, thư I Giăng, và các sách Phúc âm khác. Một số bài giảng của Augustine có thể gọi là bài giảng giải kinh, nhưng sự thông giải của ông giống như nhiều người thời đó, thường mang tính chất ngụ ý và trừu tượng. [58] James F. Stitzinger, The History of Expository Preaching, quoted in John MacArthur, Rediscovering Expository reaching, p. 44.

V. THỜI TRUNG CỔ.
Trong lịch sử Hội Thánh, đây là thời kỳ không có nhiều người giảng theo phương pháp giải kinh. [59] James F. Stitzinger, The History of Expository Preaching, quoted in John MacArthur,
Rediscovering Expository Preaching, p. 45.

Các học giả thời đó đã phối hợp giữa thần học và triết học với sự ứng dụng luận lý học của Aristotle vào việc thông giải Thánh Kinh qua những sự suy đoán, phân tích, và lý luận. [60] James F. Stitzinger, The History of Expository Preaching, quoted in John MacArthur, Rediscovering Expository Preaching, p. 45.

Kết quả là người ta đã coi thường phương pháp giảng giải kinh.
VI. THỜI CẢI CÁCH
Hai nhà giải kinh quan trọng theo lối trực giải vào thời Cải chánh là Martin Luther và John Calvin.
Martin Luther (1483-1546). Nguyên tắc giải kinh của Luther có thể tóm tắt như vầy:
– Thánh Kinh có uy quyền tuyệt đối và tối hậu vượt qua uy quyền của Giáo hội.
– Người giải kinh phải có đức tin nơi Chúa và được Ngài soi sáng.
– Chú trọng đến nghĩa đen và nghĩa thuộc linh của Thánh Kinh.
– Phải chú ý đến văn phạm, bối cảnh lịch sử và văn hóa của bản văn.
– Phải luôn ghi nhớ rằng Chúa Giê-xu là đại đề của Thánh Kinh.
– Thánh Kinh có ý nghĩa rõ ràng và vì vậy con dân Chúa có thể tự học hỏi, nghiên cứu mà không cần tùy thuộc vào giáo hội.
John Calvin (1509-1564). Ông là tác giả bộ sách thần học nổi tiếng The Institutes of Christian Religion và bộ giải nghĩa 52 sách trong Thánh Kinh. Người ta gọi Calvin là nhà thần học và là nhà giải kinh lừng danh nhất của thời Cải chánh. Nguyên tắc giải kinh của Calvin là không chấp nhận giải kinh theo lối ngụ ý, nhưng chú trọng đến văn phạm và lịch sử. Trong lời mở đầu của quyển Giải Nghĩa Thư Rô-ma, Calvin viết: “Công việc trước nhất của người thông giải là phải để tác giả Thánh Kinh nói những gì người muốn nói, đừng gán cho tác giả những lời mà ta nghĩ rằng họ đáng phải nói.”
VII. THỜI CẬN ĐẠI VÀ HIỆN ĐẠI.
Tại Hòa Lan có John Cocceius (1603- 1669). Ông sinh tại Bremen và theo học tại University of Franeker, sau đó trở về làm giáo sư cho trường cũ đến năm 1650. Cocceius viết nhiều sách giải nghĩa Thánh Kinh và nhiều bài giảng giải kinh. Ông tin rằng công việc chính yếu của người hầu việc Chúa là thông giải và áp dụng Lời Đức Chúa Trời cho chính mình và cho Hội chúng.
Tại Anh Quốc vào thế kỷ 17, tức là “thời đại vàng son của sự giảng dạy”, thì ở giữa vòng những người Thanh giáo có Thomas Adams. Ông được gọi là “Shakespeare của những người Thanh giáo”. Adams đã để lại nhiều bài giảng nhưng người ta không được biết nhiều về cuộc đời của ông. Quyển sách rất có giá trị của Adams mà nhiều người thường hay nhắc đến là quyển “Khảo Học Thư II Phi-e-rơ”.
John Bunyan (1628- 1688) là tác giả quyển sách nổi tiếng “Pilgrim’s Progress”, [61] Sách đó đã được dịch sang tiếng Việt với nhan đề Thiên Lộ Lịch Trình.

Top