Phương pháp thuộc lòng khi ban phát sứ điệp đôi khi còn được gọi là “giảng đạo bằng tấm lòng” đã trở nên phổ thông tại Pháp suốt thế kỷ 17. Phuơng pháp này sau đó cũng được sử dụng rộng rãi ở Đức và Ý. Khi sử dụng phương pháp thuộc lòng diễn giả sẽ viết trọn bài giảng xuống giấy rồi học thuộc lòng nguyên văn. [173] Moon, tr. 227.

Norman MacLeod đã sử dụng phương pháp thuộc lòng trong những năm hầu việc Chúa của mình. [174] G. R. Jordan, You Can Preach! (New York: Fleming H. Revell Co., 1951), tr. 140.

Ngày nay, nó là phương pháp ít được sử dụng nhất. [175] Monn, tr. 227.

Phương pháp này có những lợi điểm giống như phương pháp đọc bài giảng
(1)- xuyên suốt bao quát toàn bộ vấn đề;
(2)- ngôn ngữ chuẩn xác;
(3)- sự chính xác để tránh được lỗi lầm;
(4)- giữ khỏi việc dẫn chứng sai lệch;
(5)- việc triển khai và kết cấu có thứ tự;
(6)- giải thích những điều khó;
(7)- kiểm soát được mức độ dài và sự cân đối của bài giảng;
(8)- lưu bài giảng để sử dụng lại hay để in ấn.
Ngoài ra, nó còn có thêm vài lợi điểm khác:
(1)- nó giúp cho diễn giả trau dồi trí nhớ;
(2)- diễn giả có thể tiếp xúc bằng mắt và sử dụng điệu bộ. [176] Moon, tr. 227.

Broadus nói thêm:
(1)- nếu biết sử dụng phương pháp này khéo léo, diễn giả sẽ ban phát sứ điệp cách rất tự nhiên;
(2)- phương pháp này giúp diễn giả luyện ký tính. [177] Broadus, tr. 450.

Bất lợi của phương pháp này:
Garvie đưa ra hai bất lợi:
(1)- khi diễn giả rán học thuộc lòng bài giảng sẽ khiến tâm trí căng thẳng và mất nhiều thì giờ;
(2)- diễn giả giảng không được tự nhiên vì phải cố nhớ lại từng lời hoặc từng phần của bài giảng. [178] A. E. Garvie, The Christian Preacher (New York: Chas. Scribner’s Sons, 1921), tr. 462.

Moon kể ra thêm:
(1)- Diễn giả mất nhiều thì giờ vì phải viết trọn bài giảng rồi phải học thuộc nó
(2)- Nếu diễn giả phải giảng ba bài giảng trong một tuần thì khó có thể sử dụng phương pháp này;
(3)- nó quá tải cho trí nhớ trong việc tiêu dùng những cảm xúc, sự hình dung và trí năng cần thiết cho phần lớn việc ban phát hữu hiệu;
(4)- sứ điệp của diễn giả đến với người nghe như một sự độc thoại, trống trải, gián tiếp hơn là một sự truyền đạt có tính cách đàm thoại;
(5)- Diễn giả khó thêm những điều ứng khẩu cụ thể vào bài giảng trong suốt thời gian trình bày sứ điệp;
(6)- Diễn giả ngại ra nói trước công chúng và sợ bị thất bại vì sự lừa bịp của trí nhớ. [179] Moon, tr. 227.

“Chúng ta dễ quên lắm, nhất là khi chúng ta có nhiều nguyên nhân làm cho trí nhớ bị suy nhược. Biết bao người, trong sinh hoạt hằng ngày, tay cầm xâu chìa khoá mà chạy rối rít trong nhà để ‘kiếm’ chìa khóa. Huống hồ trên diễn đàn, trên tòa giảng… Thì cũng trí nhớ mà người ta thành nhà hùng biện cao thủ. Và lắm khi cũng tại vì trí nhớ biến thành cái mà người bình dân gọi là ‘tổ trác’ nên diễn giả phải toát mồ hôi lạnh. Bởi vì hoặc là quên tuyệt, hoặc là nhớ ‘mài mại mà cạy mà nạy không ra”. Đàng nào cũng nguy biến cả. [180] Việt X. Hoàng và Tuyên Đ. Nguyễn, Tòa Giảng Năm 2000: Nghệ Thuật Nghe và Giảng Lời Chúa (không ghi ngày và nhà xuất bản), tr. 241.

Kinh nghiệm của Churchill có thể xác nhận thực sự này. Huân tước Beaverbrook kể lại: Cách đây khoảng năm chục năm, có lần Churchill đã bỏ lối thông thường của ông đi, tức là phương pháp cầm giấy mà đọc, dại dột học thuộc lòng bài diễn văn về một đạo luật quan trọng để vô Quốc hội tuôn ra. Nửa chừng ông “bí”, quên bẳng đi mất, đứng thừ mặt ra. Ông gắng sức ghê gớm để nhớ lại, rồi đành chịu, cúi đầu chào, và xin lỗi: “Tôi đa tạ quý vị đã tỏ lòng đại lượng với tôi”. Ông ta đi về chỗ… vài phút sau ông rời phòng nhóm. [181] Beaverbrook, The Three Keys to Success (Tay Trắng Làm Nên). Bản tiếng Việt do Nguyễn Hiến Lê dịch (TPHCM: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2000), tr. 92.

Phillips Brooks có lần đã nói: “Giảng thuộc lòng là phương pháp nhiều người đã sử dụng, nhưng tôi hy vọng sẽ không có ai khuyến khích người khác giảng theo lối này”. [182] Phillips Brooks, Lectures on Preaching (Grand Rapids: Baker Book House, 1969), tr. 171.

III. ỨNG KHẨU TRƯỚC HỘI CHÚNG.
Theo Moon, phương pháp ứng khẩu được sử dụng nhiều trong Hội Thánh của các thế kỷ đầu. Trong thời Tân ước, thời cải chánh của thế kỷ 16, cuộc phục hưng ở Anh Quốc vào thế kỷ 18, cuộc Tỉnh Thức Lớn tại Hoa Kỳ và nhiều cuộc phấn hưng sau đó cho đến thời đại chúng ta, thì phương pháp ứng khẩu đã và đang là lối giảng Lời Chúa hiệu quả nhất. [183] Moon, tr. 228.

John Calvin được kể là nhà truyền đạo đoạt giải quán quân về giảng ứng khẩu. Nhiều diễn giả khác cũng sử dụng phương pháp này như Campbell Morgan, Charles Spurgeon, George Truett, John Wesley, Harol Ockenga. . . [184] Koller, Expository preaching Without Notes, tr. 35- 38.

Từ “ứng khẩu” ra từ tiếng La-tinh ex tempore nghĩa là “vào thời điểm được cảm thúc”. Ý nghĩa của từ “ứng khẩu” và từ “không xếp đặt trước” đều giống nhau. Từ “không xếp đặt trước” theo tiếng La-tinh in promtu có nghĩa là “sẵn sàng”. Theo tự điển hai danh từ đó đều có nghĩa là “nói hoặc trình bày mà không nghiên cứu, suy gẫm trước hoặc chuẩn bị trước”. Tuy nhiên, những người viết diễn văn và bài giảng Phúc âm bây giờ sử dụng từ “ứng khẩu” đễ diễn tả việc nói hay giảng từ những điều ghi chép ngắn gọn sau khi đã chuẩn bị đầy đủ. Phương pháp ứng khẩu là sự dung hòa giữa phương pháp đọc (bản viết tay) và học thuộc lòng (trí nhớ). [185] Moon, tr. 228.

Theo sự thăm dò, khoảng tám mươi phần trăm những người giảng Lời Chúa đều sử dụng phương pháp này. Chúng cũng cho thấy rằng phần lớn thính giả thích phương pháp ứng khẩu hơn.
Lợi điểm của phương pháp ứng khẩu:
(1)- nó sử dụng tối đa năng lực diễn thuyết của diễn giả như giọng nói, sự tiếp xúc bằng mắt, điệu bộ, và cảm xúc;
(2)- diễn giả có thể ban phát Lời Chúa cách tự nhiên như chuyện trò;
(3)- diễn giả có thể thiết lập một sự tiếp xúc cá nhân, trực tiếp tạo cho thính giả sự thân mật;
(4)- diễn giả kết hợp được những điều mình nghĩ đến trong giây phút được cảm động;
(5)- diễn giả có thể bỏ đi những điều mình đã chuẩn bị vì có lẽ lúc đó không còn cần thiết;
(6)- diễn giả có thể tiếp nhận được và đáp ứng được sự hồi trả từ phía thính giả trong lúc trình bày sứ điệp;
(7)- diễn giả có thể rút ngắn bài giảng nếu thì giờ không cho phép;
(8)- thính giả thích thú lắng nghe vì nhận thấy diễn giả truyền đạt Lời Chúa cách tự nhiên. [186] Moon, tr. 228-229.

Garvie nói thêm: diễn giả giảng theo phương pháp này sẽ có thể nhìn thấy sự đáp ứng của thính giả và sự hồi đáp ấy khiến cho diễn giả thêm phấn chấn. [187]

Garvie, The Christian Preacher, tr. 464.

Esenwein và Carnagey kết luận: “Đây là lối giảng dạy lý tưởng. Phương pháp này giúp diễn giả có thể đến gần với thính giả hơn và đem lại hiệu quả cho người giảng”. [188] Esenwien and Carnagey, The Art of Public Speaking (Springfield, MA: Crrespondence School,
1915), tr. 179.

Chrysostom luôn giảng Lời Chúa theo lối ứng khẩu. Sau khi suy gẫm chín mùi một chủ đề, người lên tòa giảng ứng khẩu thao thao bất tuyệt.
Bất lợi của phương pháp này:
(1)- diễn giả có thể xao nhãng cầu nguyện và thiếu sự chuẩn bị đầy đủ cho sứ điệp;
(2)- diễn giả trình bày sứ điệp kém trau chuốt hơn các phương pháp đọc và phương pháp học thuộc lòng;
(3)- diễn giả có thể mắc lỗi trong lời nói và sai sót trong nội dung bài giảng;
(4)- sự thành công của phương pháp này có thể lệ thuộc quá nhiều vào những cảm giác của diễn giả trong thời gian ban phát sứ điệp;
(5)- bài giảng của diễn giả có thể không được phân chia cân xứng;
(6)- diễn giả khó có thể kiểm soát mức độ dài của bài giảng, và có lẽ phương pháp này khuyến khích diễn giả giảng quá dài. [189] Moon, tr. 229.

IV. PHƯƠNG PHÁP DUNG HÒA.
Xét qua các phương pháp ban phát sứ điệp ở trên, ta thấy phương pháp nào cũng có ưu và khuyết điểm. Không có phương pháp nào là hoàn hảo. Vì thế, tôi muốn đề nghị một phương pháp tạm gọi là phương pháp dung hòa. Tôi sẽ cố gắng loại ra các khuyết điểm của phương pháp đọc, học thuộc lòng, và ứng khẩu rồi phối hợp các ưu điểm của ba phương pháp trên để đúc kết thành phương pháp dung hòa này. Để thực hiện phương pháp dung hòa, ta sẽ thảo ra ba bản nháp (bản thảo) cho bài giảng.
Bản nháp đầu tiên ta sẽ ghi xuống tất cả ý tưởng có liên quan đến bài giảng mà không cần phải theo thứ tự. Kế đến, ta sẽ dựa vào bản nháp thứ nhất này để thảo ra bản nháp thứ hai. Trong bản nháp thứ hai đó, ta sẽ rút gọn và sắp xếp dàn bài và ý tưởng có thứ tự bao gồm phần nhập đề, thân bài, và kết luận. Sau cùng, ta sẽ dựa vào bản nháp thứ hai để thảo ra bản nháp thứ ba. Trong đó ta viết ngắn gọn và ghi chú đầy đủ các phần chánh, phần phụ, lời chuyển tiếp, thí dụ minh họa, và những phần cần ghi nhớ của bài giảng. Khi hoàn tất bản nháp thứ ba, ta có thể bỏ bản nháp thứ nhất và thứ hai, chỉ giữ lại bản nháp thứ ba để giảng và lưu giữ cho tương lai dùng.
Lợi điểm của phương pháp này là có sự chuẩn bị đầy đủ. Diễn giả chỉ có thể ban phát sứ điệp hiệu quả khi đã có sự chuẩn bị chu đáo. Trong khi chuẩn bị cho việc ban phát sứ điệp, diễn giả nghiên cứu kỹ bản nháp thứ ba, ghi nhớ những chỗ cần chú ý như phần nhập đề, kết luận, thí dụ minh họa, ý luận giải, và ý bài giảng. Trước khi đứng lên giảng, ta sẽ coi lại bản nháp thứ ba một lần (hoặc nhiều lần) để có cái nhìn tổng thể bài giảng. Đến giờ giảng, ta đem theo hoặc không cần đem theo bản nháp đó và sẽ giảng ứng khẩu về những gì đã được chuẩn bị. Thực hành việc truyền đạt Lời Chúa

Nghệ thuật nói trước công chúng đôi khi còn được cho là “thuật hùng biện”. Có thể gọi giảng thuyết là “thuật hùng biện thánh” vì nó bao gồm nghệ thuật trình bày sứ điệp Thánh Kinh. Triết gia Hy-lạp Plato cho rằng thuật hùng biện là “nghệ thuật ảnh hưởng linh hồn qua lời nói”. [190] Harry Farra, “The Preacher Among the Rhetoricians,” Christian Ministry, vol. 7, no. 1(1976), tr.
22-24

Người xưa cũng đã định nghĩa thuật hùng biện là “sắp đặt chân lý thành một hệ thống có hiệu quả”. Chúa Giêxu phán: “Ta là đường đi, lẽ thật ( chân lý), và sự sống; chẳng bởi ta thì không aiđược đến cùng Cha ” (GiGa 14:6). Đây là chân lý mà nhà truyền đạo tìm kiếm để tác động trên linh hồn người ta.
Nhiều người ít quan tâm đến phương cách giảng Lời Chúa. Farra kêu gọi mọi người hãy chú trọng đến thuật trình bày sứ điệp Thánh Kinh. Ông nói: “Khi nào con người còn thở, thì còn phải nói trước công chúng qua hình thức này hoặc hình thức khác”. [191] Sách đã dẫn, tr. 22-24.

Farra kể lại ông có dịp quan sát thì thấy người ngoài Chúa thi nhau cố gắng học về nghệ thuật nói trước công chúng, trong khi người Cơ Đốc coi thường việc này. Ông buồn bã tự hỏi: “Tại sao người ngoài Chúa lại được hướng dẫn và huấn luyện về truyền thông kỹ lưỡng hơn những sứ thần của Đức Chúa Trời?” [192] Sách đã dẫn, tr. 22-24.

Việc thiếu quan tâm đến nghệ thuật nói trước công chúng không phải là vấn đề mới. Giám mục Maurus Magnentius (780-856 S.C.) đã nhìn thấy thực trạng này giữa vòng các tu sĩ trong giáo phận của ông. Vì thế, ngay từ năm 847 vị giám mục đã kêu gọi người hầu việc Chúa chớ coi thường về nghệ thuật giảng Lời Chúa. [193] Sách đã dẫn, tr. 22-24.

Dưới đây là những điều ta cần nhớ trước khi đứng lên giảng Lời Chúa.
I. THỰC TẬP GIẢNG.

Top