Bài giảng Cố Mục sư Đoàn Văn Miêng
Đức tin là những điều mình chưa thấy, và phần thưởng của đức tin là sẽ thấy những điều mình sẽ tin. Đức tin là một trực giác, tức là một sự cảm xúc trực tiếp với sự việc, không nhờ lý trí, không nhờ kinh nghiệm.
“Đức tin” là danh từ, mà “Tin” là động từ. “Ăn năn” và “Tin” là hai điều quan trọng để được cứu rỗi. Một tội nhân đã ăn năn thì phải tin.
I. Ý NGHĨA CỦA ĐỨC TIN:
1. Đức tin là một huyền nhiệm.
ITimôthê 3:9: “Nhưng phải lấy lương tâm thanh sạch giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin”.
Đức tin là một sự mầu nhiệm, có nghĩa là người ta không hiểu được bằng lý trí, song bằng sự khải thị của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Ngay trong thế giới cũng có những điều mầu nhiệm. Khoa học gia trứ danh NEWTON nói rằng: “Tôi biết hấp lực của quả đất, nhưng nếu người ta hỏi tôi: “Hấp lực là gì?” Tôi không trả lời được”. Khoa học biết trong một giọt nước có hàng triệu nguyên tử, nhưng không thể đưa nguyên tử cho người ta thấy, vì nó nhỏ quá trí hiểu của chúng ta. Đức tin thấy và biết những điều mà giác quan không thấy và biết được. Người ta thường gọi đức tin là giác quan thứ sáu. Nhờ giác quan, ta có thể nghe, thấy, nếm, ngửi và biết được. Chúng ta ta có năm giác quan là thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Nhờ tai để nghe, nhờ mắt để thấy, nhờ mũi để ngửi, nhờ lưỡi để nếm, nhờ tay để rờ nhưng nhờ đức tin là giác quan thứ sáu, chúng ta nghe được, thấy được, rờ được, nếm được và ngửi được những gì mà các giác quan không làm được. Như vậy, đức tin là một giác quan cao quý hơn hết.
2. Đức tin là sự biết chắc
Hêbêrơ 11:1 – “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.” Bởi đức tin chúng ta biết vũ trụ nầy có một Đấng Tạo Hóa đã làm nên, mặc dầu chúng ta không thấy vì lúc bấy giờ chúng ta chưa có. Bởi đức tin, chúng ta biết mình có ông cố, ông sơ, trên còn có những ông khác nữa. Mặc dầu chúng ta không thấy, nhưng bởi đức tin chúng ta biết chắc rằng các ông ấy thuộc hàng tổ phụ của chúng ta. Bởi đức tin, chúng ta biết có cõi lai sanh là Thiên đàng và Địa ngục. Mặc dầu chúng ta chưa thấy, nhưng bởi đức tin, chúng ta biết chắc rằng là có và sẽ thấy những nơi ấy.
Đức tin là những điều mình chưa thấy, và phần thưởng của đức tin là sẽ thấy những điều mình sẽ tin. Đức tin là một trực giác, tức là một sự cảm xúc trực tiếp với sự việc, không nhờ lý trí, không nhờ kinh nghiệm.
Bằng cớ khi các môn đồ nghe Chúa Giêxu gọi: “Hãy theo ta; Ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người”. Một câu nói như vậy làm cho họ bỏ chài lưới, bỏ thuyền nhỏ, nhà cửa mà theo Chúa trên con đường giảng đạo. Người đàn bà Samari đi ra giếng múc nước, nghe Chúa phán một vài câu, bà chạy vào làng la lên rằng: “Hãy đến xem một người đã bảo tôi mọi điều tôi đã làm, há không phải là Đấng Cứu Thế sao?”. Hoạn quan Êthiôbi khi gặp Philíp, được giảng giải cho mấy lời của Êsai đã chép về Đấng Cứu Thế Giêxu, thì tin và thưa với Philíp: “Tôi muốn chịu Báp têm ngay có được không?”. Người Đề lao tại thành Philíp cảm xúc tội lỗi thì hỏi Phaolô: “Tôi phải làm chi để được cứu rỗi?” Phaolô đáp: “Nếu ông tin Chúa Giêxu thì ông và cả nhà ông sẽ được cứu rỗi.” Người ấy bảo: “Tôi tin”.
Chúng ta có cái trực giác do Đức Chúa Trời đặt trong lòng chúng ta, làm cho chúng ta có thể tin được điều Chúa phán một cách tự nhiên. Có những thổ dân ăn thịt người, nhưng khi nghe đến Tin lành thì họ tin, họ không dùng lý trí, họ không có kinh nhgiệm gì, nhưng Lời của Chúa đã tác động đến họ một cách mạnh mẽ, đến nỗi họ sẵn sàng quỳ xuống ăn năn và không còn sống như trước nữa.
Mỗi chúng ta đều có đức tin, mặc dầu không phải ai cũng giải thích được, vì nó mầu nhiệm, vượt quá lý trí và kinh nghiệm của mình.
II. ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỨC TIN:
Chúng ta tin ai? Có người nói: “Ai tôi cũng tin, tin ai cũng được, miễn là có đức tin”. Nói như vậy thành ra tin một cách mù quáng. Tin nhãm, tin càng, tin những điều không hiểu. Phaolô bảo rằng: “Tôi biết Đấng tôi tin”. “Tôi tin ai?”
1. Tin Đức Chúa Trời:
IGiăng 5:10 — “Ai tin đến con Đức Chúa Trời, thì có chứng ấy trong mình, còn ai không tin Đức Chúa Trời thì cho Ngài là nói dối, vì chẳng tin đến chứng Đức Chúa Trời đã làm về Con Ngài”.
Giăng 14:1 — “Lòng các ngươi chớ hề bối rối, hãy tin Đức Chúa Trời cũng hãy tin Ta nữa”. Như vậy đức tin phải có đối tượng, tức là không phải ai cũng tin, nhưng tôi chỉ tin Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đấng Toàn tri, Toàn năng, Toàn thiện, Toàn mỹ, đã dựng nên
“Đức tin là những điều mình chưa thấy, và phần thưởng của đức tin là sẽ thấy những điều mình sẽ tin. Đức tin là một trực giác, tức là một sự cảm xúc trực tiếp với sự việc, không nhờ lý trí, không nhờ kinh nghiệm.” Mục sư Đoàn Văn Miêng.
trời đất, muôn vật và loài người. Ngài đáng cho tôi tin. Nếu tôi không tin Ngài thì tôi phạm một tội rất nặng là cho Ngài nói dối.
Bằng cớ qua các anh hùng đức tin. Trong Kinh Thánh có rất nhiều người, song chúng ta kể ra vài người:
a. Ápraham (Rôma 4:19-22) — “Người thấy thân thể mình hao mòn, vì đã gần đầy trăm tuổi, và thấy Sara không thể sanh đẻ được nữa, song đức tin chẳng kém. Người chẳng có lưỡng lự hoặc hồ nghi về lời hứa Đức Chúa Trời, nhưng càng mạnh mẽ trong đức tin, và ngợi khen Đức Chúa Trời, vì tin chắc rằng điều chi Đức Chúa Trời đã hứa, Ngài cũng có quyền làm trọn được. Cho nên đức tin của người được kể là công bình”.
Ápraham được Chúa hứa cho một con trai, và qua con trai đó sẽ có một dòng dõi đông như sao trên trời, như cát bãi biển. Ápraham đã chờ đợi hơn hai mươi năm, đến lúc ông đã già gần trăm tuổi, bà Sara gần 90 tuổi, thì theo luật tự nhiên, người đàn bà vào tuổi đó không thể sanh được con. Dầu vậy Ápraham không đặt đức tin vào sức mạnh của mình và vợ, mà đặt đức tin vào Lời Đức Chúa Trời đã hứa. Vì Ngài có quyền làm trọn Lời hứa của Ngài một cách chi tiết, đầy đủ. Đức tin không nương tựa vào hoàn cảnh, không nương tựa vào bất cứ ai, mà hoàn toàn nương tựa một mình Đức Chúa Trời.
b. Phao-lô (Công vụ 27:22-25) – “Nhưng bây giờ ta Ta khuyên các ngươi hãy vững lòng; trong các ngươi chẳng mất ai hết, chỉ mất chiếc tàu mà thôi. Vì đêm nay một Thiên sứ của Đức Chúa Trời là Đấng ta thuộc về và hầu việc, có hiện đến cùng ta phán rằng. Hỡi Phaolô đừng sợ chi hết; ngươi phải ứng hầu trước mặt Sêra, và nầy, Đức Chúa Trời đã ban cho ngươi hết thảy những kẻ cùng đi biển với ngươi. Vậy, hỡi các ông, hãy vững lòng tin cậy Đức Chúa Trời rằng sẽ xảy ra như lời Ngài đã phán vậy”.
Phaolô đi trong thuyền buồm với 276 người khác, và chẳng may dọc đường ông bị bão dữ tợn, đến nỗi hơn 10 ngày không thấy mặt trời, mặt trăng hay là ngôi sao nào. Hết thảy mọi người đều thất vọng, chỉ chờ chết mà thôi, không ăn uống chi. Nhưng sau một đêm, Phaolô đứng giữa 276 người mà quả quyết rằng Đức Chúa Trời sẽ cứu hết thảy. Mặc dầu trời dần tối, dầu Ngài đã hứa nhưng bão cứ thổi, sóng nổi lên chiếc tàu nghiêng ngửa, hoàn cảnh chung quang không có gì thay đổi cả. Tuy nhiên, Phaolô không nhìn vào mọi sự đó, nhưng nhìn vào Đức Chúa Trời là Đấng đã hứa, Ngài đã làm đúng như vậy.
Khi chúng ta sống trong hoàn cảnh khó khăn, ma quỷ đe dọa làm cho đức tin của chúng ta yếu đuối. Nhưng đức tin là không bao giờ nhìn vào hoàn cảnh, mà nhìn vào chính mình Đức Chúa Trời. Ngài đã hứa, chúng ta nắm chặt lấy Lời hứa của Ngài. Chúng ta có quyển Sách Lời hứa trong tay, hãy đọc, hãy suy gẫm, hãy làm theo để hưởng được Lời hứa của Chúa, dầu hoàn cảnh có ra sao.
3. Tin Chúa Giê-xu.
Giăng 14:1 — “Lòng các ngươi chớ hề bối rối, hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin Ta nữa”. Tin Chúa Giêxu giáng thế làm người, chịu Chết để cứu chuộc chúng ta. Phải tin Chúa Giêxu như đã tin Đức Chúa Trời.
a. Đội trưởng La mã (Mathiơ 8:8-10) — “Thầy đội thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà, xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành. Vì tôi ở dưới quyền người khác, tôi cũng có quân lình dưới quyền tôi nữa ;tôi biểu tên nầy rằng: hãy đi thì nó đi ; biểu tên kia rằng: hãy đến, thì nó đến ; và dạy đầy tớ tôi rằng: hãy làm việc nầy, thì nó làm. Đức Chúa Giêxu nghe lời đó rồi, lấy làm lạ, mà phán cùng những kẻ đi theo rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta chưa hề thấy ai trong dân Ysơraên có đức tin lớn dường ấy”.
Câu 13 — “Đức Chúa Giêxu bèn phán cùng thầy đội rằng: hãy về, theo như điều ngươi tin thì sẽ được thành vậy. Và chính trong giờ ấy, đứa đầy tớ được lành”. Đội trưởng Lamã có quyền trên 100 lính, bởi đức tin, ông biết Chúa có quyền trên cả vũ trụ, nên không cần đến tận nơi mới làm việc được, một lời phán của Ngài là đủ rồi. Đức Tin là như thế !
b. Người đàn bà mắc bệnh lưu huyết (Mathiơ 9:20-22) — “Nầy có một người đàn bà mắc bệnh mất Huyết đã mười hai năm, lại gần sau lưng mà rờ trôn áo Ngài. Vì người đàn bà ấy tự nghĩ rằng: Nếu ta chỉ rờ áo Ngài, thì cũng sẽ được lành. Đức Chúa Giêxu xây mặt lại, thấy người đàn bà, thì phán rằng: Hỡi con, hãy vững lòng tin, đức tin con đã làm cho con được lành, liền trong giờ đó, người đàn bà lành bệnh”. Không cần Chúa đặt, bà chỉ cần rờ đến trôn áo là đủ. Với đức tin, bà được quyền năng của Chúa lưu ra chữa lành liền.
Tâm linh của chúng ta phải đụng đến Chúa. Có những người đã được tiếp xúc với Mục sư, với Tín hữu, đã gia nhập Hội thánh mà có thể chưa bao giờ đụng đến Chúa Giêxu, chưa bao giờ bởi đức tin mà rờ trôn áo Chúa, nên bệnh thuộc thể cũng như thuộc linh chưa được lành, tức là chưa kinh nghiệm quyền năng của Ngài. Xin Chúa đụng đến những linh hồn của những người đó để họ gặp Ngài, tương giao với Ngài, hưởng được quyền năng của Ngài.
c. Hai người mù (Mathiơ 9:27-29) — “Đức Chúa Giêxu ở đó ra đi, có hai người mù theo Ngài mà kêu rằng: Hỡi con cháu Đavít, xin thương xót chúng tôi cùng. Khi Ngài đã vào nhà rồi, hai người mù đến. Ngài bèn phán rằng: Hai người tin ta làm được điều hai người ước sao? Họ thưa rằng:Lạy chúa, được. Ngài bèn rờ mắt hai người mà phán rằng: Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy. Mắt hai người liền mở ra”.
Chúa ban cho chúng ta quyền năng và ân điển tuỳ theo đức tin của chúng ta. Chúng ta tin đến mức nào thì hưởng được quyền năng và ân điển đến mức đó. Nếu chúng ta đem cái chén mà múc nước thì chén đầy, nếu chúng ta đem một cái gì lớn nhất mà mình có, nó cũng đầy. Nếu chúng ta đào một cái mương nhỏ, nước đầy đường mương. Nếu chúng ta dùng xẻng múc một con rạch, rạch đầy; mở một con sông, sông cũng đầy. Ân điển của Chúa cũng vậy. Ngài sẵn sàng ban cho, miễn là chúng ta tin. Đây không nói về hình thứ vật chất mà thôi đâu. Khi Chúa Giêxu làm phép lạ đó là để chứng minh Ngài là Đấng Cứu Thế, hầu cho ai tin nhận Ngài được tha thứ tội, được cứu rỗi linh hồn. (Còn tiếp)…
Cố Mục Sư Đoàn Văn Miêng