Kinh Thánh: Ma-thiơ: 22: 37-40
Câu gốc: “Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép Báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” ( Ma-thi-ơ 28: 19- 20)

tang-truong
Giới thiệu:
Là những con dân yêu mến Chúa thật sự, tôi tin chắc rằng ai cũng khao khát có một Hội Thánh mà trong đó có những tín đồ yêu thương, hiệp một đúng nghĩa và thờ phượng Chúa hết lònggiống như Hội Thánh ban đầu được chép trong Công Vụ (2: 42-47). Nếu mỗi cá nhân và những người lãnh đạo Hội Thánh, có tấm lòng thiết tha với công việc Chúa, đồng tâm hiệp ý với con cái Chúa trong Hội Thánh của mình, thờ phượng Chúa hết lòng, phục vụ nhau đúng nghĩa, yêu thương nhau tha thiết, quan tâm cầu thay cho nhau thường xuyên; tôi tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ đem nhiều tội nhân đến với Hội Thánh Chúa qua những tấm gương sống và phục vụ của mỗi chúng ta.
Dựa vào năm mục đích của Mục sư Rick Warren, (theo sách Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích) tôi xin trình bày những điều căn bản, cấp bách mà Hội Thánh của chúng ta cần phải tỉnh thức, và làm ngay, mới hy vọng cứu Hội Thánh của Đức Chúa Trời thoát khỏi tình trạng giậm chân tại chỗ, nếu như không nói là đi thụt lùivà đang bị chia cắt. Thân của Đấng Christ đang bị kẻ ác làm tan ra từng mảnh nhỏ; chỉ vị lòng tự ái, tính ích kỷ, sự kiêu ngạo hợm hĩnh;mà Chúa rất ghét của những con người có tiếng là tin Chúa, nhưng chưa được tái sinh! Họ tin Chúa bằng lý trí, chứ không phải bằng trái tim.Họ muốn núp bóng Chúa để đánh bóng cái tôi của mình trong một môi trường tốt đẹp.Đã đến lúc cần phải dọn dẹp đền thờ của Chúa sạch sẽ như Chúa Jê-sus đã từng làm.“Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi thì làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp.” (Ma-thi-ơ 21: 13b). Sau đây là năm mục đích cần áp dụng khẩn cấp cho Hội Thánh của chúng ta:
Mục đích 1: Hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Đức Chúa Trời
Ở đây nhấn mạnh đến sự thờ phượng Đức Chúa Trời.Tôi xin phép được hỏi quý ông bà anh chị em câu hỏi này; rất chân thành và có thể làm khó chịu quý vị và các bạn; nhưng xin đừng giận dỗi hay tự  ái mà bỏ ra khỏi phòng nhóm.Xin hãy kiên nhẫn! Chúa sẽ ban phước và làm ngọt dịu cho tấm lòng của mỗi chúng ta.
–  Quý ông bà anh chị em có biệt riêng thì giờ để thờ phượng Đức Chúa Trời vào ngày Chúa Nhật, là ngày yên nghỉ thánh chưa?
– Quý ông bà anh chị em có ưu tiên cho việc thờ phượng Chúa là trên hết trong ngày Chúa Nhật; hay vẫn cho ngày đó là thứ yếu?
– Khi có những công việc khác của gia đình, xã hội, cộng đồng, quý vị có sẵn sàng gát qua một bên, sắp xếp vào thời gian khác; để ưu tiên đi nhóm lại thờ phượng Chúa không?Trả lời được câu hỏi này, tức là quý vị và các bạn có thể tự nhận biết và đánh giá được tình yêu của chính mình đối với Chúa ở mức độ nào.
Cốt lỏi của vấn đề làm cho lòng bạn còn hay xét đoán, chỉ trích, kiêu ngạo, ưa quyền thế, hống hách với nhiều người, sống ngụy trang đạo đức, lời nói không thành thật, hành động trái ngược với lời Chúa dạy, tấm lòng bị lay động như thời tiết, sáng nắng chiều mưa, hôm nay nói khác, ngày mai nói khác… nói chung là giả hình! Nguyên nhân chính là đây; bởi vì bạn chưa thành thật yêu Chúa. Chưa yêu Chúa đủ thì không thể yêu những người chung quanh hết lòng được!
Đối với Đức Chúa Trời là Đấng cao cả hơn hết, nhân từ hơn hết, yêu thương bạn và tôi hơn hết; nhưng chúng ta lại thờ ơ, lạnh lẽo, chỉ có lợi dụng Ngài cốt để xin xỏ khi có nhu cầu; thì làm sao chúng ta tử tế yêu thương những người chung quanh mà chúng ta đối mặt mỗi ngày được?
Chưa hết, còn về thái độ thờ phượng Chúa? Đang khi thờ phượng Ngài,tâm trí của chúng ta không tập trung vào chính Ngài, mà nghĩ đến điều này điều nọ, có lúc lại cười giỡn, nói chuyện riêng, hoặc có những cử chỉ khiến tâm trí bị xao lãng_ đó là thái độ thiếu tôn nghiêm trong khi thờ phượng Chúa. Tất cả những hành động đó đều không xứng hợp với sự thờ phượng Chúa. Ngoài ra, cần nhấn mạnh là chúng ta chỉ thờ phượng Đức Chúa Trời, không thờ phượng bất cứ con người nào. Chúng ta đến nhà thờ cốt chỉ để thờ phượng Đức ChúaTrời, chứ không phải vì mang ơn ông A, bà X. Chúng ta tôn vinh Chúa, không đề cao, đánh bóng cá nhân hay tôn vinh bất cứ ai. Sự vinh quang thuộc về Chúa, không ai có quyền cướp lấy sự vinh quang của Ngài được.Kinh Thánh chép rằng: “Người phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi.” (Ma-thi-ơ 4 :10b).
Hãy lưu ý rằng sự thờ phượng đi trước sự phục vụ.Thờ phượng Đức Chúa Trời là mục đích đầu tiên của Hội Thánh. Đôi khi chúng ta mãi mê công việc của Hội Thánh cho đến nỗi, chúng ta không còn có đủ thì giờ để cầu nguyện, tương giao với Chúa nơi phòng riêng, thì rõ ràng chúc ta sẽ thiếu sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, làm việc tùy tiện theo cái nhìn và trí khôn của loài người. Như vậy, sẽ mất phước và kết quả không phải là ý Chúa.
“Xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta được lệnh phải kỷ niệm sự hiện diện của Đức Chúa Trời bằng cách tôn cao Chúa và tán dương danh Ngài. Thi Thiên 34: 3 chép rằng: “Hãy cùng tôi tôn trọng Đức Giê-hô-va, chúng ta hãy cùng nhau tôn cao danh của Ngài. Chúng ta không thể thờ phượng đó như là một nhiệm vụ, mà chúng ta phải thờ phượng là vì cớ chúng ta yêu mến và thể hiện tình yêu thương của mình đối với Đức Chúa Trời.”(1)
Đức Chúa Trời không hài lòng khi con dân Chúa thờ phượng Ngài, bởi những nghi thức truyền thống do con người đặt ra. Ngài muốn chúng ta thờ phượng Chúa phải lẽ đặt nền tảng trên lời dạy của Kinh Thánh.
Đức Chúa Trời không chấp nhận sự thờ phượng sai lầm và vô ích: chỉ có bề ngoài trên môi miệng, còn trong lòng thì trống không. (Mác 7: 6-8); đặt truyền thống trên Kinh Thánh: “Các ngươi bỏ điều răn của Đức Chúa Trời mà giữ lời truyền khẩu của loài người.”; giấu kín tội lỗi: Chúa cảnh báo rằng, Ngài sẽ không nghe, không nhậm lời khi con cái Chúa không xưng ra những tội lỗi của mình. (Ê-sai 1: 11-15; Thi Thiên 66: 18); Đời sống không nhất quán: Khi những ngày còn lại trong tuần lễ không nhất quán với ngày Chúa Nhật; mối thông công bị rạn nứt: Mối thông công sẽ không trọn vẹn khi trong lòng còn cay đắng, buồn giận anh em. (Ma-thi-ơ 5: 23, 24); động cơ ích kỷ và sai lầm; hờ hững không thật sự hoà lòng trong mối thông công.”(2)
Mục đích 2: Yêu kẻ lân cận như mình
Chúng ta có thể nói ngay rằng hễ ai dễ gần gũi anh chị em mình, dễ thông cảm những vấp phạm của kẻ khác, dễ bỏ qua những người làm tổn thương mình, rõ ràng đó là những người sống gần Chúa trong sự cầu nguyện, đọc lời Chúa mỗi ngày, có mối tương giao riêng với Chúa thường xuyên. Còn hễ ai vẫn còn thích xét đoán, chỉ trích, “bới lông tìm vết” anh chị em mình, không bao giờ thăm viếng ai lúc khó khăn, đau ốm, tù đày, chẳng quan tâm đến nhu cầu của người khác, sống cho mình, nhưng luôn tự hào cho mình là hoàn hảo, đó là những người sống xa Chúa; có thể lắm chưa thuộc về Ngài, nhưng còn nặng nề với thế gian.
Những người còn sống trong xác thịt như vậy, thì đừng mong họ yêu thương những người lân cận trong Chúa.Cho nên chuyện chứng đạo, yêu mến linh hồn tội nhân chỉ là chuyện xa vời đối với họ.Tuy họ đến nhà thờ đều đặn có lẽ vì những động cơ khác, chứ trong họ thực sự chưa có sự sống của Đức Chúa Trời. Trong khi đó Kinh Thánh dạy rằng: “Ấy chính Ngài đã cho người này làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể của Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 4: 11, 12)
Mục đích 3: Môn đồ hóa muôn dân
Trong Mathiơ 28: 19 chép rằng: “Vậy hãy đi dạy dỗ muôn dân” Đây là mệnh lệnh mà mỗi con dân Chúa phải có trách nhiệm rao báo lời của Ngài, huấn luyện, giúp đỡ cho những người tin Chúa học biết lời Ngài cách thấu đáo, trước hết là làm theo lời Chúa, để không bị dỗ dành bởi các tà giáo hay đạo lạc. Lời của Chúa đem lại sự bình an, hy vọng giúp cho con dân Chúa lớn lên trong đức tin, dạy họ nếp sống xứng hợp với luật pháp Chúa.
Trách nhiệm của mỗi chúng ta là chia sẻ Phúc âm ở bất cứ nơi đâu, dù gặp thời hay không gặp thời cũng phải tìm mọi cách để rao báo Tin Lành.Hội Thánh không truyền giáo là Hội Thánh không vâng theo mạnh lệnh của Chúa, là Hội Thánh lười biếng, giậm chân tại chỗ, là Hội Thánh chết!
Muốn thi hành được đại mạng lệnh này, thì trước hết chúng ta phải có một đời sống xứng đáng. Nếu con người cũ trong cái tôi của chúng ta chưa hề thay đổi, vẫn còn bao ẩn giấu bao nhiêu tội lỗi, xấu xa; chúng ta sẽ không chia sẻ Tin lành cho ai được vì sự mặc cảm và xấu hổ của bản thân mình. Vậy nên, trước hết phải có đời sống thích hợp, và cầu xin Đức Thánh Linh ở cùng mình mới có thể thực hiện mạnh lịnh này có kết qủa.
Mục đích thứ 4: Làm báp-tem cho họ
Báp -tem cũng là một phần nằm trong Đại Mạng Lệnh của Chúa Jê-sus khi Ngài hiện ra cùng các môn đồ tại xứ Ga-li-lê.( Ma-thi-ơ 28: 19). Trong Công vụ 8:26-40, Phi-líp đã dạy quan thái giám Ê-thi-ô-bi những chân lý sâu xa hơn về Lời Đức Chúa Trời. Chính hoạn quan đã la lên “Kìa, ở đây có nước. “Chúng ta dẫn linh hồn người ta đến với Đấng Christ,nhưng chúng ta cũng phải dạy họ sự bảo đảm của sự cứu rỗi.” (Công vụ 8:39)
Sứ điệp của Giăng là Mác 1:4,5 “Giăng đã tới trong đồng vắng vừa làm vừa giảng phép báp-tem ăn năn, cho được tha tội. Cả xứ Giu-đê và hết thảy dân sự thành Giê-ru-sa-lem đều đến cùng người, xưng tội mình và chịu người là báp-tem dưới sông Giô-đanh.” Giăng chỉ làm báp-tem cho những người có kết quả xứng đáng với sự ăn năn. Lu-ca 3:7-14. Các kết quả cần có là: lòng từ thiện, tử tế, yêu thương, rộng rãi, nhân từ, công chính, trung tín, nhu mì, yên lặng, bình tĩnh, thỏa lòng. Bảng liệt kê nầy có những nét tương đồng với các bông trái Thánh Linh được liệt kê trong Ga-la-ti 5:22.
Báp-tem không có nghĩa là tái sanh hay tha tội. Lễ báp-tem xác nhận biến cố đã xảy ra trước đó. Lễ báp-tem là biểu hiệu bên ngoài của sự ăn năn thật và đức tin bên trong. Nó có nghĩa là vâng theo mạng lịnh Đấng Christ. Mác 16:16 “Ai tin và chịu báp-tem thì được rỗi.” Lưu ý “tin” đi trước “báp-tem.” Nó có nghĩa là noi theo gương của Chúa Jêsus. I Phi-e-rơ 2:21 “Vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ vì anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài.” (Giăng 13:15)
Hội Thánh có trách nhiệm ban thánh lễ báp-tem cho những người đã tin nhận Chúa Jê-sus. Và tất nhiên những người nhận báp-tem cũng phải hiểu biết căn bản về tín lý. Đồng thời cũng phải có những biểu hiện với kết quả xứng đáng. Theo Mục sư Rick Warren thì ý nghĩa của báp-tem không chỉ tượng trưng cho đời sống mới của chúng ta; mà còn thể hiện sự liên hiệp của một người vào trong thân thể của Đấng Christ. (3) ( Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích tr. 108)
Mục đích 5: Dạy họ vâng giữ
Một trong những mục đích của Hội Thánh là dạy dỗ những tín nhân trưởng thành qua lời của Chúa. Con cái Chúa đến nhà thờ không chỉ thờ phượng Chúa qua âm nhạc, dâng tiền, thông công với nhau mà còn phải được nuôi dưỡng bởi lời của Chúa. Thân thể chúng ta cần thực phẩm để nuôi sống, thì tâm linh cần lời của Chúa để lớn lên. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng, cho dù bạn có lo tất cả những công tác quan trọng trong nhà thờ; nhưng thiếu lời của Chúa thì đời sống không thể đem lại kết quả cho Ngài. Lời của Chúa là kim chỉ nam cho con cái Chúa, là đường lối dẫn dắt con cái Chúa bước đi trong cuộc sống hằng ngày.
Thi Thiên 119: 97,98,105 giải bày những giá trị của lời Chúa như sau:
” Tôi yêu mến luật pháp Chúa biết bao!
” Trọn ngày tôi suy gẫm luật pháp ấy
” Các điều răn Chúa làm cho tôi khôn ngoan hơn kẻ thù nghịch tôi
” Vì các điều răn ấy ở cùng tôi luôn luôn….
” Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi,
” Ánh sáng cho đường lối tôi .
Kết luận
Truyền giáo không chỉ là trách nhiệm, nhưng còn là đặc ân. Không niềm vui nào sánh bằng khi dắt đưa được một linh hồn đến với Chúa; hoặc tỉnh thức những anh chị em đang ngủ mê trong sự yếu đuối và bóng tối ma quỉ che khuất.
Ngày nay, hàng ngàn Hội Thánh, hàng vạn tín đồ đang tận dụng thời gian và mọi phương tiện để rao báo Tin lành. Còn quý vị và các bạn đang làm gì cho Chúa? Tôi tin rằng khi Chúa tái lâm, Ngài sẽ không hỏi bạn tin Chúa khi nào, theo Chúa bao nhiêu năm rồi, có bằng cấp gì về thần học, tốt nghiệp trường nào? Nhưng chắc Ngài sẽ hỏi bạn đã dắt đưa được bao nhiêu người đến với Chúa?
Nguyện xin lời của Chúa dẫn dắt Hội Thánh của chúng ta, thực hiện đầy đủ những phần quan trọng trong Đại Mạng Lệnh của Chúa Jê-sus. Sứ mạng của Hội Thánh là đem người về với Chúa và nhận được sự cứu rỗi, chứ không phải chỉ đem về số lượng bao nhiêu người.
MỤC SƯ LÊ VĂN THỂ
_____________________________
(1) MS Rick Warren, Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích, tr.106
(2) Gs Trần Nghị, Thờ phượng Đức Chúa Trời, tr. 58, 59
(3) MS Rick Warren , Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích, tr. 108

Top