Kinh Thánh  Ê phê sô 6: 1 – 3
Câu gốc
Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất, mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.” (Xuất 20:12)
Dẫn nhập

Có lẽ tất cả chúng ta, ai cũng đã một đôi lần được nghe những câu hát thật dễ thương của Nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu viết về Ba Mẹ:

Ba sẽ là cánh chim đưa con đi thật xa, Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực. Ba Mẹ là lá chắn che chở suốt đời con. Vì con là con Ba, con của Ba rất ngoan. Vì con là con Mẹ, con của Mẹ rất hiền. Ngày mai con khôn lớn, bay đi khắp mọi miền, Con đừng quên con nhé! Ba Mẹ là quê hương.”

Hằng năm, cứ đến tháng năm, tháng sáu, thế giới dành riêng Chúa Nhật thứ hai trong tháng để mừng “Ngày Mẫu thân, và Ngày Phụ Thân” Nhưng riêng về Hội Thánh Tin lành Việt nam thì dành tuần thứ hai tháng 5 dành cho “Ngày Hiếu Kính Cha Mẹ

Kính trọng Cha

kính trọng cha

Trong tinh thần đó, sáng hôm nay, chúng ta hãy hướng về Phụ mẫu thân yêu để bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với công lao “Dưỡng dục, Sinh thành”. Mục đích của ngày này là để cho con cái biết “dừng bước lại” bày tỏ tấm lòng cảm tạ và nhớ ơn công lao của “Cha sinh mẹ dưỡng.”  và cũng là cơ hội chúng ta xem  Kinh thánh dạy gì về sự hiếu thảo, để rồi qua đó chúng ta có cơ hội để sửa lại những gì mà chúng ta làm chưa đúng trong lời dạy của Đức Chúa Trời.

  1. Lòng Hiếu Kính Của Con Cái

Theo Đạo lý của người Việt nam, việc hiếu kính, phụng dưỡng mẹ cha, tôn quí ông bà là bổn phận thiêng liêng mà cháu con phải gìn giữ “Một lòng thờ Mẹ, kính Cha, cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.” Cho nên một khi được kể là thiêng liêng thì việc tỏ lòng hiếu kính trở thành mối quan hệ tình cảm máu thịt, một chu kỳ thương yêu khắn khít được nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Điều quan trọng là cách thể hiện làm sao và thể hiện như thế nào để đẹp lòng Cha mẹ thì vẫn luôn là niềm trăn trở đối với những người còn Mẹ còn Cha và đôi khi trở thành nỗi ân hận, tiếc nuối trong những trường hợp Mẹ Cha đã đi vào yên nghỉ ngàn thu.

  1. Lòng biết ơn:

Lý do người Việt chịu ảnh hưởng của Trung quốc với nền văn hóa mê tín do các thuật sĩ với: nhang, đèn, giấy vàng bạc và hàng mả, nên đa số người Việt cũng cho rằng phải cúng, phải nhang đèn, phải hàng mả, phải bái lạy, mới gọi là Hiếu Kính. Nên đã kết luận rằng đạo Cơ Đốc dạy người ta “bất hiếu” với cha mẹ mình.

Thứ nhất, sự suy luận này không đúng vì rõ ràng đã đi ngược với điều răn của Đức Chúa Trời dạy rõ trong Kinh Thánh, đó là con cái phải biết “hiếu kính cha mẹ.”

Trước hết xem Cựu ước đề cập đến sự hiếu kính cha mẹ như câu gốc, hiếu kính là một Điều Răn, mà là Điều Răn đứng đầu trong 6 Điều liên quan con người.

– Điều Răn nầy được giải thích chi tiết: 21:15, 17. “15 Kẻ nào đánh cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử.17 Kẻ nào mắng cha hay mẹ mình, sẽ bị xử tử.” Và được nhắc lại trong Êph. 6:1-3 và là Điều Răn liên quan loài người duy nhất có lời hứa cặp theo.

–  Đến Tân Ước,

Chúa Jêsus nhiều lần dạy về sự Hiếu Kính Cha Mẹ:

Ma thi ơ15:4-6, Chúa Jêsus quở trách người Pha-ri-si vì họ mượn lý do dâng mình cho Chúa để không cần lo cho cha mẹ.

Luca 2:51 “Đoạn, Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ. Mẹ Ngài ghi các lời ấy vào lòng” chính Chúa Jêsus làm gương vâng phục cha mẹ (dù Ngài là Đức Chúa Trời). Trước khi, Chúa Jêsus chết vẫn lo cho cha mẹ (Giăng 19:25-27).

Ê phê sô . 6:1-3; Côlose. 3:20 Phao lô dạy Hội Thánh phải hiếu kính với đấng sinh thành.

– Nói chung lại, người chưa tin Chúa cũng biết Hiếu kính cha mẹ, huống chi người tin Chúa là có Lời Đức Chúa Trời dạy.

Điều thứ hai, đạo của Chúa là đạo dựa trên hai tiêu chuẩn chính, đó là “Kính Chúa và Yêu người” như  có  chép trong Tin Lành Mathiơ 22:37-40 – “Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” Vậy thì không thể nào đạo Chúa dạy người ta bất hiếu với cha mẹ được.

Thật ra nếu đạo mà dạy con người bất hiếu thì thật chẳng còn là đạo nữa, phải không? Sự hiểu lầm này là vì chúng ta không phân biệt được giữa sự “thờ phượng Chúa” và sự “hiếu kính” cha mẹ mình.

Con cái Chúa biết tôn trọng những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tiền nhân để lại, nhưng Kinh Thánh dạy rõ chúng ta chỉ thờ lạy Đức Chúa Trời mà thôi, vì chỉ có Ngài là Đấng Tạo Hóa duy nhất đã dựng nên muôn loài và muôn vật; bao gồm cả cha mẹ, ông bà và tổ tiên của chúng ta.

Theo lịch sử Việt Nam để lại, trước đời nhà “Đinh” ông bà chúng ta cũng “tự nhiên” chỉ biết thờ Trời và hết lòng hiếu kính cha mẹ, đi theo lời của Đức Chúa Trời phán dạy.

Điều thứ hai, luật pháp của Đức Chúa Trời dạy rõ mỗi người chúng ta phải biết bày tỏ lòng hiếu kính cha mẹ một cách thực tế, nhất là khi họ còn sống; vì khi ông bà đã qua đời thì cha mẹ mình đã xong phận rồi.  Tại sao?

Chúng ta sẽ chẳng làm gì được cho ông bà, kể cả cho ăn hoặc uống qua những phong tục cúng tế; ngược lại ông bà cũng sẽ chẳng phù hộ gì được cho chúng ta cả.  Không phải thầy Tăng Tử đã một lần nói: “Giết trâu tế mộ, khi cha mẹ qua đời rồi thì chẳng bằng giết con gà, con heo lúc cha mẹ sanh tiền” sao?  Khi cha mẹ còn sống biết chăm sóc, nấu cho cha mẹ một món ăn ngon, khi đau ốm lo thuốc men chữa trị, khi buồn bã đi thăm viếng yên ủi thì mới thật sự bầy tỏ lòng “hiếu thảo” thực tế của mình theo như lời Chúa đã dạy.

Người xưa chúng ta cũng có câu tục ngữ như sau: “Sống thì con chẳng cho ăn; chết thì xôi thịt, làm văn tế ruồi,” thì còn gọi là quí trọng sao?  Vả lại nếu chịu suy nghĩ và tự đặt câu hỏi là chúng ta “thờ cúng ông bà mình mấy đời thì mới gọi là đủ hiếu?”  Quá lắm là ngũ đại: Cao, Tằng, Tổ, Khảo, Hiển; vậy còn những đời trước đó thì sao, ai nuôi cho họ ăn đây?  Và nếu chỉ cho ông bà ăn trong những ngày rằm, còn mấy ngày kia không cho ăn, thì tự hỏi sự “bỏ đói” như vậy được gọi là có hiếu chăng?

Còn các vấn đề khác như ăn mặc, tiêu xài cho ông bà thì sao, ai sẽ lo?  Vả lại, gần 2/3 số người trên thế giới ngày nay không cúng kiến nhang đèn, như vậy có thể nào mình gọi họ là những kẻ bất hiếu sao?  Cho nên những thành kiến đòi hỏi phải có sự cúng tế người chết mới gọi là “đủ hiếu” thì xem chẳng có lý.

 2. Sự hiếu thảo

a)     Vâng lời:

Hỡi kẻ làm con, mọi sự hãy vâng phục Cha mẹ mình, vì điều đó đẹp lòng Chúa.” (Col 3:20). Vâng phục cha mẹ cũng như vâng phục bất kỳ một thẩm quyền nào mà Thiên Chúa đặt để trên chúng ta không phải là một sự vâng phục mù quáng. Sự vâng phục đó phải được đặt trên nền tảng của Kinh thánh. “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm.” (Eph 6:1) Vâng phục cha mẹ trong Chúa là vâng lời cha mẹ trong tất cả mọi sự, miễn là sự vâng lời đó không trái nghịch với Lời Chúa.

Khi cha mẹ có những ý muốn hoàn toàn trái nghịch với Lời Chúa, chúng ta được phép không vâng theo, nhưng điều ấy không có nghĩa là chúng ta có thể bất kính với cha mẹ. Thái độ và lời nói của chúng ta đối với cha mẹ phải luôn luôn khiêm nhu, hòa nhã và kính trọng.

b)    Phụng dưỡng cha mẹ  

Con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.” (ITim 5:4)

Với những người có gia đình, thì sự hiếu thảo bày tỏ qua những hành động thực tế, phải biết giúp đỡ và phụng dưỡng cha mẹ, đừng đùn đẩy cho nhau…Câu ca dao “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, Con nuôi Cha mẹ kể tháng kể ngày.” Sự hiếu thảo bày tỏ qua những hành động thực tế nữa, đó là con cái phải biết giúp đỡ và phụng dưỡng cha mẹ, chớ đừng đổ thừa cho nhau.

ITI-MÔ-THÊ 5:4

Con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo đáp cha mẹ; vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Với các bạn Thanh thiếu niên, sự hiếu thảo bày tỏ qua những hành động thực tế. Nếu chúng ta nói mình yêu cha mẹ thật ngọt ngào nhưng khi về nhàthấy cha mẹ đau ốm lại tỉnh bơ, thấy chén dĩa lại không rửa (chỉ lo bấm video game), thấy nhà dơ lại không đi lau (chỉ lo việc học hành), thấy quần áo lại không giặt (chỉ lo “bấm điện thoại” thôi), thì lời nói “yêu thương” của chúng ta với cha mẹ mình chẳng có giá trị gì cả?  Thật ra, chả thà chúng ta đừng nói, mà hành động thì quí hơn.

Hiếu thảo là phải biết phụng dưỡng khi cha mẹ còn sống; nếu không, khi họqua đời rồi thì chẳng làm gì được cho họ nữa?  Khi cha mẹ cách xa mình hoặc qua đời rồi thì chúng ta muốn nấu cho cha mẹ miếng cơm, chăm sóc hay nói lời an ủi cũng không thể làm được nữa đâu.

Hãy nghe tâm tình thảo hiếu của người thiếu nữ trong ca dao đối với Mẹ Cha như thế nào! “Ơn hoài thai như Biển, Ngãi dưỡng dục như sông. Em nguyện ở vậy không chồng, Lo nuôi Cha mẹ, hết lòng Đạo con.”

Tuy nhiên, nếu chỉ lo phụng dưỡng thì vẫn chưa đủ. Đối với cha mẹ, ngoài lòng thương yêu, cần phải có thái độ tôn kính. Trong đối nhân xử thế, dân gian có câu “Cách cho hơn của đem cho.” Huống chi là đối với đấng bậc sinh thành.

MH: Ở một bộ lạc bên Phi châu, người thanh niên khi đến tuổi trưởng thành sẽ được gọi là “chiến sĩ”. Tuy nhiên, muốn được mang danh hiệu này, anh phải trải qua một cuộc sát hạch, thường là thả vào rừng sâu một thời gian.

Năm ấy, có ba thanh niên đến tuổi trưởng thành và rất muốn được gọi là “chiến sĩ”. Ba chàng đã đến trình diện vị tù trưởng. Vị tù trưởng chúc mừng và hỏi người thứ nhất : “Trong một tháng qua, anh đã làm được những gì”? Người thanh niên thưa:”Tôi đã giết được một con hổ dữ”.

 Tù trưởng khen “tốt” rồi bảo anh đứng sang một bên và hỏi người thứ hai :”Trong tháng qua, anh đã làm được những gì? Anh có giết được con hổ dữ nào không”? Người thanh niên đáp:”Thưa ngài, hổ dữ thì tôi không giết được, nhưng tôi cũng đã  chém được một con trăn to”.

  Tù trưởng khen “tốt”, bảo anh đứng sang một bên và hỏi người thứ ba :”Một tháng qua, anh đã làm được những gì ? Anh có chém được một con hổ dữ hay một con trăn nào không”? Người thanh niên đáp :”Thưa ngài, hổ hay trăn thì tôi không chém được”. Tù trưởng hỏi tiếp :”Thế anh làm được gì?”  Anh đáp:”Thưa tôi kiếm được một tảng mật ong to”. Tù trưởng hỏi:”Ngươi kiếm mật ong để làm gì”? Người thanh niên đáp:”Thưa ngài, tôi có mẹ già, mà nhà tôi lại nghèo, nên tôi kiếm mật ong để cho mẹ tôi bồi dưỡng”.

 Nghe xong, vị tù trưởng rút con dao ra trao cho anh và nói:” Ta phong anh làm chiến sĩ, bởi là người thì phải biết sống hiếu thảo với cha mẹ”.

  1. Thái độ Tôn kính:

Con mắt nhạo báng cha mình, khinh sự vâng lời đối với mẹ mình, các con quạ của trũng sẽ móc mắt ấy, và các chim ưng con sẽ ăn nó đi” (Châm ngôn 30:17)

Tôn kính có nghĩa là tôn trọng và kính phục. Theo quan điểm của Kinh Thánh, thì những người con bất hiếu sẽ bị hình phạt rất nặng. Ngày xưa, “Khi một người nào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử tử: nó đã chửi rủa cha mẹ; huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó.” (Lêvi 20:9) Nếu Luật pháp ngày nay vẫn áp dụng điều luật này, thì xã hội loài người sẽ ra sao? !

Khi cha mẹ già chúng ta không nên xem thường hay khinh bỉ họ.“Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, Chớ khinh bỉ mẹ con khi người trở nên già yếu.” Châm ngôn 23: 22. Mh Chén gỗ.

Sự tôn kính cha mẹ còn được thể hiện qua cách sống của chúng ta. Việc gìn giữ “danh thơm, tiếng tốt” cho gia đình để Cha mẹ luôn tự hào về con cái cũng chính là cách thể hiện lòng hiếu kính. “ Cha người công bình sẽ có sự vui vẻ lớn, và người nào sanh con khôn ngoan sẽ khoái lạc nơi nó. Ước gì Cha và Mẹ con được hớn hở, và người đã sanh con lấy làm vui mừng.” (Châm 23:24,25)

  1. Bổn Phận Dạy Con Của Cha Mẹ Trong Sự Hiếu Kính.
  2. Gương mẫu trong sự hiếu kính

Mặc dầu vấn đề “hiếu kính” là bổn phận của những người làm con, nhưng lời Chúa cũng dạy trách nhiệm của các bậc phụ huynh phải biết dạy dỗ và hướng dẫn con cái mình về sự hiếu thảo với cha mẹ, nhất là khi con chúng ta còn nhỏ; vì con nít sanh ra đời tự nhiên có cá tánh phản kháng, bướng bỉnh và không thích vâng lời.

Hãy hiếu kính Cha mẹ ngươi khi người trở nên già yếu

Hãy hiếu kính Cha mẹ ngươi khi người trở nên già yếu

Để giúp con mình biết hiếu kính thì chính chúng ta phải là người thể hiện điều đó với ông bà của chúng. Trẻ em thường quan sát rất kỹ hành động của cha mẹ. Mh nếu chúng ta kính trọng cha mẹ con mình sẽ kính trọng ông bà, còn nêu chúng ta xem thường hay có những thái độ nào bất kỉnh với cha mẹ mình thì các con cũng sẽ làm y như vậy.

  1. Dạy con biết hiếu kính 

Trong xã hội hôm nay, chúng ta nhìn thấy sự hiếu kính cha mẹ dường như chỉ còn trong sách vở, trên Flim ảnh mà không thấy trên thực tế. Vì sao? Đạo đức con người đang tuột dốc và vì vậy sự hiếu kính cha mẹ cũng đã sụp đổ.

Vì vậy, chúng ta là con dân Đức Chúa Trời phải dạy con mình có lòng hiếu kính ông bà cha mẹ khi chung còn có thể dạy được. Điều này rất thực tế vì khi con cái còn nhỏ, chúng ta phải dùng nhiều chữ “không được phép” hơn là “được phép.”  Chúng ta cũng cần dạy dỗ con cái rõ về phần thưởng Chúa hứa ban cho những đứa con có hiếu như sau: “Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi, hầu cho được phước và sống lâu trên đất” (Êphêsô 6:1-3).  Phần thưởng cho những ai biết hiếu kính cha mẹ mình đó là một cuộc sống hạnh phước (phẩm) và lâu dài (lượng).

Thêm nữa, nếu chúng ta dạy dỗ con cái mình biết hiếu kính cha mẹ, thì những phần thưởng này không phải chỉ cho thế hệ của mình thôi, mà sẽ đem lại biết bao ích lợi cho thế hệ con cháu sau này.  Điều này giống như châm ngôn của người Trung Hoa có câu: “Thế hệ trước trồng cây, thế hệ sau có bóng mát.”

Kết luận

Cho nên luật pháp của Đức Chúa Trời dạy rõ về mạng lệnh con cái phải biết “hiếu kính cha mẹ” và nhắc nhở trách nhiệm cha mẹ phải dạy dỗ luật pháp của Ngài cho con em mình.  Mong mỗi người chúng ta biết làm theo lời Chúa dạy để danh Ngài được sáng và duy trì hạnh phúc gia đình được lâu dài từ đời này đến đời nọ. Amen!
(Nguồn: Sưu tầm)

Top